Sau loạt bài phanh phui rau VietGAP 'dỏm' của báo Tuổi Trẻ, Bộ NN&PTNT họp 'nóng'
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, loạt bài phanh phui rau VietGAP dỏm mà báo Tuổi Trẻ phản ánh đã chỉ ra bất cập, góc khuất trong quản lý chất lượng sản phẩm đưa vào hệ thống phân phối.
Sau loạt bài phanh phui rau VietGAP dỏm của báo Tuổi Trẻ , cuối giờ chiều 22-9, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan có cuộc họp "nóng" với các đơn vị, hiệp hội ngành hàng và các địa phương.
Phát biểu mở đầu cuộc họp, ông Hoan nhấn mạnh: "Loạt bài của báo Tuổi Trẻ đánh vào tâm thức để chúng ta cùng nhau hành động".
Ông Hoan nhấn mạnh việc họp "nóng" nhằm nhận diện vấn đề chứ chưa phải giải quyết vấn đề. T ới đây, Bộ NN&PTNT sẽ xây dựng kế hoạch và làm việc với hiệp hội ngành hàng, hệ thống bán lẻ, cùng cơ quan truyền thông để hoàn thiện hơn trong thời gian tới.
"Bộ NN&PTNT đang hướng tới chuẩn hóa cho thị trường nông sản trong nước, chúng tôi không tham vọng kiểm soát các chợ tạm, chợ tự phát mà bắt đầu từ chợ truyền thống, sau đó tiến dần tới chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại" - ông Hoan nói.
Quản lý, giám sát còn lỏng lẻo, sản xuất nhỏ lẻ không đủ cung ứng
Ông Nguyễn Như Tiệp, cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản, cho biết: "Việc kiểm soát không phải trách nhiệm chính của cơ quan nhà nước mà trách nhiệm chính thuộc về doanh nghiệp. Phải kiểm soát theo nguyên tắc người sau giám sát người trước, tức là nhà sơ chế giám sát nhà trồng trọt, hệ thống phân phối giám sát nhà cung ứng...
Muốn giám sát và chuẩn hóa được phải đưa ra chỉ số, quy định đo lường. Hiện chúng ta đã có VietGAP và tiêu chí đánh giá rõ ràng. Tuy nhiên, quản lý sau khi chứng nhận do bên thứ ba họ có làm đúng chuẩn không, nói đúng là chúng ta làm chưa tốt".
Ông Tiệp cho rằng tới đây cũng phải rà soát lại các tiêu chuẩn VietGAP nhằm đưa ra những quy định để người dân dễ hiểu.
Theo ông Tiệp, hiện có ba chợ Tân Xuân, Bình Điền, Hóc Môn ở TP.HCM có thể làm điểm một hoặc ba chợ đầu mối này để kiểm soát bằng cách giám sát, lấy mẫu đại diện, cảnh báo và xử lý vi phạm một cách căn cơ thì có thể xử lý dần dần.
Bà Vũ Thị Hậu, chủ tịch Hiệp hội Nhà bán lẻ Việt Nam, cho rằng vấn đề mà báo Tuổi Trẻ phản ánh không sớm thì muộn sẽ xảy ra bởi sự lỏng lẻo trong khâu quản lý, giám sát.
Bản thân từng làm nhà bán lẻ, bà Hậu cho biết doanh nghiệp của bà hạn chế mua các nhà cung cấp trung gian, bởi khó quản lý được đầu vào. Để đảm bảo chất lượng đầu vào cho hệ thống bán lẻ, doanh nghiệp phải đi 63 tỉnh, thành phố để tìm kiếm nguồn hàng.
"Làm thế nào để kiểm tra, kiểm soát được thì phải kiểm tra chéo. Ở đây chính quyền địa phương - nơi có cơ sở sản xuất là rõ nhất, thì vai trò quản lý, giám sát ở địa phương phải đặt lên hàng đầu".
Bà Hậu cũng trăn trở làm sao để sản phẩm đến người tiêu dùng được chất lượng tốt nhất. "Chúng tôi không chỉ biết bán ra, khi xảy ra mà đổ lỗi cho nhà sản xuất thì không hể tồn tại được. Cần xử phạt nghiêm minh đối với cơ sở làm ăn gian dối để không ảnh hưởng đến cơ sở làm ăn chân chính" - bà Hậu nói.
Ông Nguyễn Anh Đức, tổng giám đốc Saigon Co.op, cho biết các đơn vị đều mong muốn thu mua trực tiếp, nhưng không làm được do tính chất, quy mô sản xuất hiện nay còn nhỏ lẻ, không đủ lượng hàng thường xuyên. Các thủ tục, chính sách thu mua trực tiếp còn khó khăn, không có hóa đơn đầu vào - đầu ra, vì vậy mới phát sinh ra những đơn vị trung gian.
"Tôi cho rằng cần có thông tư tháo gỡ những vướng mắc trong khâu cung ứng từ nông trại đến bàn ăn. Tháo gỡ thủ tục hành chính, hoàn thiện các điều kiện về logistics...
Nếu có sự lưu thông tốt giữa các vùng sản xuất, mỗi vùng xây dựng quy hoạch, vùng nguyên liệu, thực hiện nghiêm truy xuất nguồn gốc thì sẽ không có tình trạng rau nơi này nơi kia đội lốt rau Đà Lạt" - ông Đức chia sẻ.
Không làm VietGAP mà bán giá VietGAP, xử lý hình sự được không?
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng ngành nông nghiệp phải xây dựng được chuỗi ngành hàng, khắc phục tình trạng đứt đoạn hiện nay. Bên cạnh việc cân bằng lợi ích giữa các bên, còn cần phải xây dựng niềm tin - điều này rất quan trọng để các bên cùng nhau phát triển, xây dựng hệ sinh thái ngành hàng.
Trong đó, những người tham gia trong chuỗi là những người sản xuất, doanh nghiệp, nhà khoa học, và cả nhà truyền thông. Các bên cùng có trách nhiệm với xã hội, doanh nghiệp bên cạnh tự bảo vệ mình cũng cần làm sao thể hiện trách nhiệm trong tam giác phát triển.
"Bộ trưởng kêu gọi sự vào cuộc của tất cả hệ thống bán lẻ, các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, cơ quan truyền thông để tạo dựng hệ sinh thái lành mạnh. Chúng ta làm minh bạch, tử tế không chỉ để phục vụ thị trường xuất khẩu, mà là phục vụ thị trường hơn 100 triệu dân trong nước" - ông Hoan chia sẻ.
Ông Hoan cũng đề nghị các cơ quan thuộc bộ rà soát lại tất cả các tiêu chuẩn, quy định, chế tài, xem còn phù hợp hay không, cần sửa cái gì?
"Đúng là lâu nay chúng ta chỉ khuyến khích làm VietGAP, mà chưa bắt buộc tất cả các siêu thị phải bán hàng VietGAP. Nhưng nếu không làm VietGAP mà bán giá VietGAP thì Nhà nước có thể vào cuộc kiểm soát, xử lý hình sự được không...
Nếu có không gian rõ ràng, minh bạch giữa một bên là rau được chứng nhận, với một bên là không được chứng nhận, thì tôi tin người tiêu dùng sẽ có lựa chọn của mình" - ông Hoan nói thêm.
Theo Trí Tuệ