Sau kiểm toán, DLG có năm lỗ nặng nhất kể từ khi niêm yết

Chia sẻ Facebook
05/04/2023 23:08:53

CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (HOSE: DLG) mới đây đã công bố văn bản giải trình về khoản lỗ phát sinh thêm sau khi kiểm toán, cũng như về các ý kiến ngoại trừ phải nhận trong BCTC hợp nhất kiểm toán 2022.

Sau kiểm toán, DLG có năm lỗ nặng nhất kể từ khi niêm yết


CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai ( HOSE : DLG ) mới đây đã công bố văn bản giải trình về khoản lỗ phát sinh thêm sau khi kiểm toán, cũng như về các ý kiến ngoại trừ phải nhận trong BCTC hợp nhất kiểm toán 2022.


Sau kiểm toán, DLG kết năm 2022 bằng mức lỗ gần 1.2 ngàn tỷ đồng, chênh hơn 312 tỷ đồng so với BCTC tự lập. Doanh nghiệp giải thích, khoản lỗ này chủ yếu đến từ chi phí quản lý doanh nghiệp tăng gần 324 tỷ đồng sau kiểm toán, vì tăng trích lập dự phòng phải thu khó đòi của Công ty mẹ và điều chỉnh chi phí dịch vụ mua ngoài từ chi phí bán hàng.


Khoản lỗ này cũng biến 2022 trở thành năm lỗ kỷ lục của DLG sau 10 năm niêm yết. Trước đó, doanh nghiệp thua lỗ nặng nhất vào năm 2020, với khoản lỗ sau thuế 930 tỷ đồng.

2022 là năm thua lỗ kỷ lục của DLG

Một số khoản chi phí khác thì giảm đi, như bán hàng giảm 11.8 tỷ đồng do điều chỉnh giảm chi phí dịch vụ mua ngoài tại Công ty con sang chi phí quản lý doanh nghiệp; chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) hiện hành giảm 2.9 tỷ đồng. Riêng chi phí thuế TNDN hoãn lại tăng 2.4 tỷ đồng.


Bên cạnh đó, DLG cũng phải nhận 2 ý kiến kiểm toán ngoại trừ trên BCTC kiểm toán 2022, và cũng đã đưa ra giải trình.


Đầu tiên, đơn vị kiểm toán là Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn Chuẩn Việt cho rằng DLG đã cho một số tổ chức, cá nhân vay hơn 422 tỷ đồng, và đã trích lập dự phòng đầy đủ nợ phải thu khó đòi. Tuy nhiên, DLG chưa đánh giá khả năng thu hồi theo thực tế, và tổ chức kiếm toán cũng không thể thu thập đủ bằng chứng thích hợp để kết luận việc trích lập này có đầy đủ theo khả năng thu hồi thực tế.


Về ý kiến này, DLG cho biết đã thực hiện đúng quy định, và những hợp đồng, giao dịch liên quan đến các khoản vay đều đã được thông qua thực hiện tại ĐHĐCĐ thường niên 2022. Các khoản vay đều có giá trị nhỏ hơn 35% tổng tài sản DLG thời điểm cuối năm 2022. Hiện tại, Công ty vẫn đang tiếp tục đôn đốc, thu hồi các khoản phải thu, đồng thời trích lập dự phòng các khoản phải thu quá hạn thanh toán. Việc trích lập này, theo DLG , là thận trọng và phù hợp với các thông tin mà Doanh nghiệp có được ở thời điểm lập BCTC 2022.


Thứ 2 là ý kiến về khoản lỗ thuần luỹ kế của DLG . Tại ngày 31/12/2022, khoản lỗ này là gần 2.07 ngàn tỷ đồng, nợ ngắn hạn đã vượt tổng tài sản ngắn hạn là 944.7 tỷ đồng. DLG đã có kế hoạch thanh lý, nhượng bán tài sản đảm bảo và tài sản bảo lãnh đề trả nợ trong ngân hàng từ 2023-2025. Tuy nhiên, tổ chức kiểm toán chưa thu thập đủ bằng chứng thích hợp để xác định giá trị của những tài sản này.


DLG đồng tình rằng việc nợ ngắn hạn vượt tổng tài sản ngắn hạn là yếu tố không chắc chắn trọng yếu dẫn đến nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của Công ty. Tuy nhiên, DLG cho biết Công ty đã thực hiện tái cấu trúc tài chính vào năm 2022, cắt giảm chi phí, thoái vốn tại các công ty con kém hiệu quả để tập trung vốn, giảm dần dư nợ ngắn hạn và dài hạn tại các ngân hàng. Một số tài sản hiện hữu nhưng không hiệu quả cũng được lên kế hoạch chuyển nhượng, như Dự án Đức Long Tower, bến xe Đức Long Bảo Lộc, dự án khách sạn Đức Long tại 95-97 Hai Bà Trưng. HĐQT cũng đã làm việc với ngân hàng để có văn bản thống nhất cho Công ty tất toán nợ, miễn toàn bộ lãi.

Doanh nghiệp cho biết đang phối hợp với ngân hàng và các tổ chức tín dụng để tìm đối tác tiếp tục chuyển nhượng tài sản, dự án nhàm giảm dần dư nợ. Một số dự án năng lượng đang được đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thủ tục pháp lý để bổ sung vào điện lưới quốc gia, để chuyển nhượng các dự án này.


DLG khẳng định tình hình sản xuất kinh doanh vẫn đang ổn định, đảm bảo doanh thu và lợi nhuận theo kế hoạch.

Châu An

Chia sẻ Facebook