Sau khi Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành, mặt bằng tỷ giá và lãi suất thời gian tới sẽ ra sao?
Công ty chứng khoán VNDirect dự báo lãi suất tiền gửi có thể tăng thêm 30-50 điểm cơ bản từ mức hiện tại vào cuối năm 2022, đồng thời áp lực lên tỷ giá sẽ gia tăng.
Tại cuộc họp mới đây diễn ra vào ngày 20-21/9, FED đã quyết định tăng lãi suất điều hành thêm 75 điểm cơ bản lên biên độ mới từ 3,0% đến 3,25%. Mức tăng này đã được thị trường dự báo từ trước. Tuy nhiên, điểm quan trọng là các quan chức FED dự báo lãi suất điều hành có thể tăng lên mức 4,25-4,5% vào cuối năm 2022 và 4,5-4,75% vào cuối năm 2023. FED cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ từ 1,7% xuống 1,2% trong năm 2023, dự báo tỷ lệ thất nghiệp có thể tăng từ 3,7% hiện tại lên mức 3,8% vào cuối năm 2022 và 4,4% vào cuối năm 2023 từ mức hiện tại là 3,7%.
Ngay sau thông báo của FED, đồng USD tiếp tục tăng giá mạnh và phá đỉnh 20 năm trên thị trường quốc tế.
Trước những diễn biến có phần bất lợi trên thị trường quốc tế, chiều ngày 22/9, NHNN Việt Nam đã quyết định tăng 100 điểm cơ bản đối với một loạt các lãi suất điều hành chủ chốt, trong đó lãi suất tái cấp vốn tăng từ mức 4,0% lên 5,0%, lãi suất tái chiết khấu tăng từ mức 2,5% lên 3,5%, trần lãi suất cho vay qua đêm & thanh toán bù trừ tăng từ 5,0% lên 6,0%, và mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tăng từ 4,0% lên 5,0%.
Liên quan đến vấn đề này, công ty chứng khoán VNDirect vừa có báo cáo đánh giá tác động.
Mặt bằng lãi suất tiền gửi sẽ tiếp tục tăng trong những tháng cuối năm 2022 và sang năm 2023
Theo VNDirect, về mặt bằng lãi suất tiền gửi, tính tới ngày 14/9, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 3 tháng và lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân đã tăng mạnh lần lượt là 44 điểm và 51 điểm cơ bản so với thời điểm cuối năm 2021.
Trong khi đó, lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước tăng chậm hơn đáng kể. Cụ thể, tính tới ngày 14/09/2022, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 3 tháng và lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước mới tăng lần lượt là 3 diểm và 7 điểm cơ bản so với thời điểm cuối năm 2021.
VNDirect duy trì dự báo lãi suất tiền gửi sẽ tiếp tục tăng trong những cuối năm 2022 bởi 5 yếu tố:
Thứ nhất, tác động từ việc NHNN nâng lãi suất điều hành.
Thứ hai, NHNN đã chính thức cấp thêm giới hạn tăng trưởng tín dụng cho một số NHTM kể từ đầu tháng 9, dẫn đến sự gia tăng nhu cầu vốn của các NHTM.
Thứ ba, tăng trưởng tiền gửi có tốc độ chậm trong 7 tháng đầu năm 2022 (+4,2% so với đầu năm, +9,9% so với cùng kỳ) do lãi suất tiền gửi kém hấp dẫn hơn so với các kênh đầu tư khác.
Thứ tư, FED dự kiến sẽ tăng lãi suất điều hành lên mức 4,25-4,5% vào cuối năm 2022.
Thứ năm, USD mạnh hơn gây áp lực lên tỷ giá hối đoái và lãi suất của Việt Nam.
Sang năm 2023, VNDirect cho rằng đà tăng lãi suất tiền gửi sẽ duy trì do NHNN tăng lãi suất điều hành để kiềm chế lạm phát, ổn định tỷ giá, và NHTM tăng nhu cầu huy động vốn để tài trợ cho hoạt động cho vay trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ.
VNDirect dự báo lãi suất huy động có thể tăng thêm 50 điểm cơ bản trong năm 2023, theo đó lãi suất tiền gửi 12 tháng của NHTM (bình quân) tăng lên mức 6,6-6,8%/năm vào cuối năm 2023, vẫn thấp hơn so với mức trước đại dịch là 7,0%/năm.
Tỷ giá hối đoái sẽ vẫn chịu áp lực trong những tháng cuối năm 2022
USD mạnh hơn đã gây áp lực lên tỷ giá hối đoái của Việt Nam. Tại thời điểm ngày 21/9, chỉ số đô la (đo lường sức mạnh của đồng đô la Mỹ so với rổ tiền tệ) đạt 110,6 điểm (+15,6% so với cùng kỳ năm ngoái). USD mạnh hơn khiến tỷ giá USD/VNĐ trên thị trường liên ngân hàng tăng khoảng 3,8% so với cùng kỳ năm ngoái lên 23.688 đồng, mức cao nhất lịch sử.
Trong khi đó, tỷ giá trung tâm do NHNN ấn định cho cặp tỷ giá USD/VNĐ ở mức 23.316, tăng 0,7% so với cuối năm 2021 và tỷ giá USD/VNĐ trên thị trường tự do tăng khoảng 2,7% kể từ đầu năm 2022.
Tuy nhiên, so với các đồng tiền trong khu vực, Việt Nam Đồng vẫn là một trong những đồng tiền ổn định nhất. Kể từ đầu năm 2022 (dữ liệu tính đến ngày 21/09/2022), hầu hết các loại tiền tệ trong khu vực đã giảm hơn 5% so với USD, bao gồm Peso Philippines (-12,6% so với USD), Baht Thái Lan (-11,6% so với USD), Nhân dân tệ của Trung Quốc (-11,6% so với USD), Ringgit Malaysia (- 9,7% so với USD) và Rupiah Indonesia (-5,4% so với USD).
VNDirect cho rằng tỷ giá hối đoái sẽ tiếp tục chịu áp lực trong những tháng cuối năm 2022 do đồng USD neo cao khi FED duy trì lộ trình tăng lãi suất. Tuy nhiên, vẫn có những yếu tố hỗ trợ tỷ giá, bao gồm dòng vốn FDI mạnh hơn, thặng dư thương mại cải thiện (dự báo đạt khoảng 8,9 tỷ USD trong năm 2022), thặng dư cán cân thanh toán, dự trữ ngoại hối đạt ngưỡng an toàn (tương đương 3,3 tháng nhập khẩu).
Tựu chung lại, VNDirect dự báo tỷ giá USD/VNĐ có thể mất giá khoảng 3,5 - 4% so với đồng USD trong năm 2022. Cho năm 2023, VNDirect kỳ vọng áp lực lên tỷ giá hối đoái của Việt Nam sẽ hạ nhiệt đáng kể và dự báo Việt Nam Đồng sẽ tăng giá so với USD trong năm 2023 do Fed chuyển từ "thắt chặt chính sách tiền tệ" sang "bình thường hóa chính sách" trong năm tới, lãi suất USD giảm nhẹ trong nửa cuối năm 2023, lãi suất VND duy trì xu hướng tăng trong năm 2023 và bộ đệm tốt từ thặng dư thương mại, thặng dư cán cân thanh toán, dự trữ ngoại hối cải thiện trong năm 2023.