Sau khi mắc Covid-19 bao lâu có thể tập luyện trở lại?
Nếu tiếp tục hoạt động thể chất nặng sau khi mắc Covid-19 có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng như viêm cơ tim, đối với những người mắc chứng hậu Covid-19.
Khỏi Covid-19 được 1 tuần, N. Phương (Gia Lâm, Hà Nội) bắt đầu quay lại với thói quen tập thể dục hàng ngày. Trước khi mắc bệnh, mỗi ngày cô dành 2- 3h cho các môn thể thao rèn luyện sức khoẻ.
“Bình thường em sẽ dậy sớm chạy bộ khoảng 3km quanh trường ĐH Nông nghiệp và cuối giờ chiều thì tập yoga với giáo viên trong khoảng 1h. Từ hôm em mắc Covid-19 đến nay là 10 ngày chưa đi tập lại. Nay mới xách giày đi chạy nhưng chưa được 1/3 chặng đường đã không thể tiếp tục. Không thể ngờ, Covid-19 tàn phá sức khoẻ nhanh thế”, N. Phương cho hay.
Tương tự Phương, ông Văn (70 tuổi, Cầu Giấy) kể lại, ông vốn mắc bệnh huyết áp cao nên ngay khi phát hiện dương tính đã uống thuốc kháng virus luôn. Sau 5 ngày ông đã về âm. Nhưng từ đó, chỉ cần đi 2 bậc cầu thang là đã hụt hơi. Ông không dám tiếp tục tập luyện sợ cơn huyết áp tăng, “nhỡ đột tử”.
Người đàn ông này cũng băn khoăn không biết sau khi khỏi Covid-19 bao lâu thì có thể bắt đầu tập luyện lại?
Theo các chuyên gia, bạn không nên vội vàng tập luyện lại ngay sau khi mắc Covid-19, điều này có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe. Bởi, việc trở lại thói quen tập thể dục của bạn sau một chấn thương hoặc đợt mắc bệnh nặng có thể có một số hạn chế nhất định.
Ths. BS Hà Linh, Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho biết, nếu bạn quay trở lại tập luyện với tốc độ tối đa và không cho phép cơ thể có thời gian để nghỉ ngơi và hồi phục, bạn sẽ thực sự mất nhiều thời gian hơn để lấy lại thể lực hoặc thậm chí tệ hơn là dẫn đến chấn thương hoặc tái phát bệnh tật.
Do đó, người mắc Covid-19 vừa khỏi bệnh cần phải tuân thủ các nguyên tắc tập luyện trở lại. Ths Hà Linh cho rằng, không nên tiếp tục tập luyện nếu bệnh nhân bị Covid-19 vẫn có dấu hiệu bị sốt dai dẳng, khó thở khi nghỉ, ho, đau ngực hoặc đánh trống ngực.
Bất kỳ bệnh nhân Covid-19 nào có bệnh tim mạch hoặc phổi tiềm ẩn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi tiếp tục tập luyện, ngay cả khi không có triệu chứng.
“Một bệnh nhân khỏe mạnh, không có triệu chứng trong bảy ngày từ khi mắc Covid-19 có thể bắt đầu tiếp tục hoạt động thể chất ở mức 50% cường độ và khối lượng bình thường.
Nên tham khảo ý kiến bác sĩ nếu bệnh nhân đã từng bị Covid-19 bị đau ngực, sốt, đánh trống ngực hoặc khó thở khi tiếp tục tập luyện
Điều quan trọng là phải đeo khẩu trang và cách ly khi tập thể dục trong nhà với những người xung quanh. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ khuyến cáo rằng các hoạt động ngoài trời vẫn an toàn hơn các hoạt động trong nhà (đặc biệt là khi tập thể dục trong nhà tại các phòng gym)”, Ths. Hà Linh thông tin.
Các tài liệu trên thế giới cũng đã đưa ra khuyến cáo cho mọi người trở lại tập thể dục sau khi mắc Covid-19 vừa phải hoặc nhẹ.
Đầu tiên, không tập thể dục khi bạn vẫn có các triệu chứng của Covid-19
Điều quan trọng nhất cần nhớ là không tập thể dục khi vẫn còn các triệu chứng - sốt, mệt mỏi, khó thở. Thay vào đó, nên đợi cho đến khi hết triệu chứng từ 7 đến 10 ngày trước khi tiếp tục tập thể dục.
Việc tập thể dục khi bạn bị ốm hoặc có triệu chứng nhiễm virus không bao giờ là tốt. Nếu bạn tập thể dục khi đang bị nhiễm virus, điều đó có thể khiến tình trạng nhiễm trùng trở nên tồi tệ hơn, có thể dẫn đến các biến chứng khác.
Tiếp đến, bạn nên bắt đầu tập thể dục như thế nào sau COVID-19 phụ thuộc vào mức độ hoạt động của bạn trước đó. Đối với hầu hết mọi người, đi bộ là một bài tập tốt, có thể tăng sức bền lên dần dần. Khi bạn đã làm quen với bài tập này trong khoảng thời gian vài tuần, bạn có thể bổ sung bài tập tim mạch cường độ cao hơn, nhưng không nên quá nặng, để nhịp tim không bị tăng quá cao.
Thứ ba, các chuyên gia khuyến cáo, bạn cần lắng nghe cơ thể của bạn - đặc biệt nếu bạn đang có bất kỳ vấn đề về tim mạch
Lý do các nhà chuyên môn đưa ra lời khuyên này là vì một số trường hợp Covid-19 tạo ra tình trạng viêm dữ dội khắp cơ thể, và một phần của tình trạng viêm đó có thể ảnh hưởng đến cơ tim, gây viêm cơ tim. Bạn có thể phát triển chứng rối loạn nhịp tim, trong đó tim đập không đều, hoặc đôi khi có thể dẫn đến đau tim. Triệu chứng này đã được quan sát thấy ở những người bị Covid-19 trường hợp nghiêm trọng và trung bình.
Câu hỏi được đặt ra là, có nên tập thể dục khi bạn mắc các triệu chứng hậu Covid-19?
Trả lời vấn đề này, Ths. Hà Linh cho biết các nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng những người mắc Covid-19 kéo dài có thể bị mệt mỏi quá mức với các hoạt động bình thường hàng ngày, cảm thấy đau đầu hàng ngày và cảm thấy khó thở khi đi lên xuống cầu thang. Bạn chỉ nên thực hiện các bài tập thở để tăng cường chức năng hô hấp của phổi. Không nên tập thể dục cường độ cao khi còn bất kỳ triệu chứng nào của Covid-19.
Để phòng ngừa những sự cố đáng tiếc khi chơi thể thao, PGS. TS Võ Tường Kha, Giám đốc BV Thể thao Việt Nam khuyến cáo, người bình thường trước khi chơi thể thao nên kiểm tra thể lực, gặp bác sĩ thể thao hoặc huấn luyện viên thể lực để được tư vấn, khám sàng lọc xem có bệnh lý gì tiềm tàng không như bệnh tim, phổi hoặc gia đình có tiền sử về tim phổi, huyết áp, cơ xương khớp…
Bên cạnh đó, trước mỗi buổi tập cũng cần đánh giá tình trạng thể lực có đảm bảo để tập, thời gian bao nhiêu, khối lượng vận động bao nhiêu, điều kiện thời tiết có cho phép. Chẳng hạn, thời tiết lạnh quá, nóng quá, môi trường không thông khí thì không nên tập vì tập có thể gây cảm nóng, cảm nắng.
Khi tập, người dân cũng cần chú ý xem điều kiện sân bãi có đảm bảo điều kiện để tập hay không; dụng cụ tập luyện có phù hợp với thể lực, tầm vóc hay không. Đồng thời, cũng cần chú ý dụng cụ bảo hộ- như nịt đầu gối, cổ tay, những bộ phận có nguy cơ chấn thương thì phải nịt.
Ngoài ra, trong quá trình tập luyện, người dân cần phải chuẩn bị nước uống, dinh dưỡng bổ sung trong quá trình luyện tập nếu không sẽ bị kiệt sức, thiếu năng lượng; lưu ý khởi động trước tập, tập xong phải thả lỏng, hồi phục. Nếu thấy các dấu hiệu như: đau tức ngực, khó thở, nhanh mệt, huyết áp tăng, huyết áp tụt, huyết áp không tăng, mạch nhanh quá mức… cần phải đi khám ngay.
N. Huyền
Tin Cùng Chuyên Mục
Ám ảnh béo phì, ăn rất nhiều lại móc họng để nôn, uống thuốc xổ thức ăn
icon 0
Sợ hãi tăng cân béo phì nhưng bản thân không kiểm soát được việc ăn uống nên mỗi lần ăn nhiều chị Mai lại uống thuốc giảm cân, uống thuốc xổ thậm chí móc họng để nôn thức ăn ra.
Khỏi Covid-19 vẫn xông, lợi hay hại?
icon 0
Sau khi khỏi Covid-19,chị Hằng vẫn kiên trì xông hơi vì muốn cho cơ thể khoẻ hoàn toàn., thải sạch vi rút. Không ngờ, cách đây ít hôm, chị xông hơi xong khi đi ra ngoài thì bị ngã ngất đi.
Ngày 27/3, Hà Nội ghi nhận 9.600 ca mắc Covid-19 mới, quận Hà Đông dẫn đầu
icon 0
Sở Y tế Hà Nội vừa thông báo từ 18h ngày 26/3 đến 18h ngày 27/3 ghi nhận 9.600 ca mắc Covid-19 trong đó 3.371 ca cộng đồng, 6.229 ca đã cách ly.
Nghệ An: Bé sơ sinh bị suy hô hấp, nhiễm trùng máu vì xông than, lễ đẹn
icon 0
Do trời lạnh, gia đình cho cả mẹ và bé xông than theo quan niệm chăm sóc dân gian. Sau 3 ngày, trẻ có dấu hiệu ho, khò khè, khó thở, bú ít, quấy khóc liên tục, phải đưa đến bệnh viện để cấp cứu.
Thanh niên 30 tuổi ngã gục khi đang đá bóng, chuyên gia chỉ nguyên nhân nhiều nam giới mắc phải
icon 0
Bệnh viện Thể thao Việt Nam từng tiếp nhận nhiều bệnh nhân 30-40 tuổi đột tử trong khi đang đá bóng, vào viện cấp cứu thì đã ngừng tim, không thể cứu được.
Ngày 26/3: Cả nước có 103.126 ca mắc COVID-19, Nam Định bổ sung hơn 55.000 F0
icon 0
Bản tin phòng chống dịch COVID-19 ngày 26/3 của Bộ Y tế cho biết có 103.126 ca mắc COVID-19 trên cả nước; Hà Nội số mắc mới dưới 10.000 ca; Nam Định bổ sung hơn 55.000 F0; trong ngày có hơn 164.000 bệnh nhân khỏi...
XEM THÊM BÀI VIẾT