Sau hơn một tháng giảm, giá dừa khô tại Tiền Giang tăng trở lại

Chia sẻ Facebook
03/08/2022 15:07:33

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, toàn tỉnh hiện có khoảng 14.500 ha trồng dừa, sản lượng hàng năm khoảng 95.000 tấn.


Sau hơn một tháng giảm giá sâu, gần 1 tuần trở lại đây, giá dừa khô trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã tăng giá trở lại.

Thương lái thu mua tại vườn với giá từ 40.000 - 45.000 đồng/12 trái, góp phần nâng cao thu nhập cho người trồng dừa.

Theo nhà vườn trồng dừa ở các huyện phía Đông, vùng trồng dừa nhiều nhất của tỉnh Tiền Giang, giá dừa khô tăng gần gấp hai lần so với giá mua cách đây 1 tuần ở mức từ 20.000-25.000 đồng/12 trái).


Chia sẻ trên TTXVN , bà Nguyễn Thị Bé, ấp Thạnh An, xã An Thạnh Thủy, huyện Chợ Gạo trồng 1ha dừa cho biết, giá dừa tăng trở lại giúp nông dân có thu nhập và có điều kiện để chăm sóc vườn dừa. Cách đây một tháng, thương lái chỉ mua cầm chừng, thậm chí không mua nên đành để dừa khô rụng đầy gốc.


Với giá bán 45.000 đồng/chục, vườn dừa bà Bé cho thu hoạch 1.200 trái, cho thu nhập khoảng 4,5 triệu đồng. Bà Bé chia sẻ cây dừa không mất nhiều chi phí đầu tư và chăm sóc, mỗi năm cho thu hoạch 10 lần. Nếu với giá bán ổn định 45.000 đồng/chục thì vườn dừa này cho thu nhập khoảng 45-50 triệu đồng/năm


Bà Lý Thị Lan, chủ vựa thu mua dừa khô ở xã Bình Ninh, huyện Chợ Gạo cho biết: Hiện nay, một số đang cơ sở làm bánh, mứt đang chuẩn bị nguồn hàng để chế biến cho thị trường cuối năm nên nhu cầu sử dụng dừa khô tăng. Mặt khác, một số doanh nghiệp xuất khẩu dừa sang thị trường Trung Quốc đã bắt đầu thu gom hàng trở lại sau thời gian bị hạn chế lưu thông qua các cửa khẩu để phòng chống dịch COVID-19 giúp giá dừa tăng trở lại.

Ông Ngô Hữu Thệ, Bí thư Huyện ủy huyện Chợ Gạo cho biết: Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/HU ngày 1 tháng 12 năm 2021 về lãnh đạo phát triển vùng sản xuất chuyên canh cây dừa đến năm 2025 và những năm tiếp theo.

Trên cơ sở đó, UBND huyện Chợ Gạo đã xây dựng kế hoạch thực hiện; phối hợp với Công ty cổ phần công nghệ thực phẩm Thabico Tiền Giang tổ chức hội nghị triển khai vùng trồng dừa hữu cơ trên địa bàn huyện Chợ Gạo đến năm 2025 và những năm tiếp theo.

Huyện đã chọn 3 xã Hòa Định, Xuân Đông, Bình Ninh thực hiện chứng nhận dừa hữu cơ trong năm 2022 với diện tích 300 ha để xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Ngoài ra, ngành chuyên môn đang tập trung tuyên truyền vận động nông dân và chọn hộ tham gia sản xuất dừa hữu cơ được 120 ha ở 2 xã Bình Ninh và Xuân Đông của huyện.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Tiền Giang, ngành nông nghiệp đang tập trung các giải pháp cải tạo các vườn dừa bị lão hóa cũng như khuyến khích nông dân canh tác theo hướng an toàn, hữu cơ. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tiếp tục chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân trong áp dụng các biện pháp canh tác tiến bộ để cải tiến quy trình canh tác hiện đại, nhằm nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm từ dừa và hướng đến xuất khẩu.

Thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ vào sản xuất


Trước đó, ngày 13/7, UBND tỉnh Tiền Giang ban hành k ế hoạch 234/KH-UBND p hát triển nông nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Theo đó, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ cao, nông nghiệp thông minh (nông nghiệp số) để tạo đột phá về năng suất, chất lượng sản phẩm nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, bền vững, nâng cao giá trị gia tăng và chất lượng sản phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu, thân thiện với môi trường.

Xây dựng, phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ cao, vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh theo chuỗi giá trị, nhất là đối với các sản phẩm chủ lực, tiềm năng của tỉnh.

Đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại, thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ cao.

Nâng tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ cao đến năm 2025 chiếm 15% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh và 40% vào năm 2030.

Đến năm 2025, trên 5% hộ sản xuất và trên 15% doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ cao về giống, cơ giới hóa - tự động hóa trong sản xuất, quy trình canh tác, công nghệ sau thu hoạch, sơ chế, chế biến, bảo quản. Đến năm 2030, các chỉ tiêu là trên 10% hộ sản xuất và trên 30% doanh nghiệp.

Hình thành ít nhất 2 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ cao đối với sản phẩm chủ lực của tỉnh và một số ngành hàng có tiềm năng của tỉnh như: lúa, gạo, sầu riêng, thanh long, cá tra, tôm, cá điêu hồng,...vào năm 2025 và đến năm 2030 hình thành ít nhất 5 vùng sản xuất.

Đến năm 2025, có ít nhất 05 dự án ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ cao vào sản xuất. Đến năm 2030, có ít nhất 15 dự án.

Đối với nông nghiệp hữu cơ, mục tiêu phát triển nền nông nghiệp theo hướng hữu cơ, bền vững, thân thiện với môi trường sinh thái, gắn với kinh tế nông nghiệp tuần hoàn phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; áp dụng khoa học công nghệ; đẩy mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất; tạo sản phẩm chất lượng cao cung cấp cho thị trường, qua đó nâng cao thu nhập cho người dân.

-Hình thành vùng sản xuất theo hướng hữu cơ đáp ứng yêu cầu về sản lượng cũng như chất lượng cho thị trường trong nước và xuất khẩu, đến năm 2025, phấn đấu đạt 2% tổng diện tích sản xuất trồng trọt, trong đó tập trung một số cây trồng có điều kiện áp dụng sản xuất hữu cơ như: dừa, lúa, cây ăn trái...; Xây dựng thương hiệu sản phẩm hữu cơ cho các cây trồng chủ lực của tỉnh.

Phấn đấu đến năm 2025, có ít nhất 5 mô hình và đến năm 2030 có ít nhất 10 mô hình trồng trọt, chăn nuôi, nuôi thủy sản theo hướng hữu cơ gắn liên kết sản xuất - tiêu thụ trên các đối tượng cây trồng, vật nuôi chủ lực và tiềm năng của tỉnh.

Chia sẻ Facebook