Sau Elon Musk, Mark Zuckerberg là cái tên tiếp theo bị tố sử dụng máy bay riêng thải carbon nhiều hơn toàn nước Mỹ trong vòng 15 năm
Nhà đồng sáng lập của Meta còn bị tố thực hiện chuyến bay chỉ kéo dài 3 phút bằng chiếc chuyên cơ của mình.
Jack Sweeney là sinh viên 19 tuổi đứng sau tài khoản Twitter nổi tiếng @CelebJets, chuyên đăng tải các chuyến đi bằng máy bay riêng của những người nổi tiếng. Tài khoản này đã trở nên nổi tiếng vì tiết lộ lượng khí thải carbon mà những chuyến đi "siêu ngắn" này có thể tạo ra.
Chàng trai này đã dành 30 tài khoản Twitter, bao gồm @CelebJets và @ElonJet, để theo dõi các máy bay tư nhân thuộc sở hữu của các tỷ phú, người nổi tiếng và các nhà tài phiệt. Những thông tin này sử dụng dữ liệu từ các trang web như ADS-B Exchange.
Mark Zuckerberg sử dụng máy bay riêng để di chuyển… 30 km
Chia sẻ với Bloomberg, chàng hacker 19 tuổi, hiện đang là sinh viên trường Đại học Central Florida cho biết: “Các công ty theo dõi chuyến bay có thể kiếm hàng triệu USD mỗi năm. Chỉ cần bằng 1 góc nhỏ của họ thôi cũng đã là 1 khoản doanh thu lớn đối với tôi rồi”.
Gần đây nhất, Jack cho biết anh đã xác định được một chiếc máy bay phản lực mới gắn liền với Mark Zuckerberg và lập trình lại tài khoản theo dõi. Giám đốc điều hành Meta sử dụng một chiếc máy bay phản lực do công ty của anh ấy thuê.
Ông chủ của Meta sử dụng Gulfstream G650 làm máy bay phản lực riêng của mình. Chiếc máy bay phản lực này “thuộc sở hữu gián tiếp và toàn bộ của ông Zuckerberg và được điều hành bởi một công ty thuê tàu độc lập dành cho việc đi công tác và du lịch cá nhân”. Gulfstream G650 là một máy bay phản lực kinh doanh lớn đã xuất hiện từ năm 2012.
Khi ra mắt, một chiếc Gulfstream G650 mới có giá 64,5 triệu USD, tăng lên 73 triệu USD vào năm 2014. Máy bay có thể chở từ 11 đến 19 hành khách tùy thuộc vào cấu hình cabin. G650 có tốc độ hành trình 1041 đến 1102 km/h, tốc độ tối đa 1133 km/h và tầm hoạt động lên đến 7.000 hải lý.
Theo thông tin đăng tải trên tài khoản Twitter, chiếc máy bay phản lực của Zuckerberg đã đi khắp nước Mỹ trong hai tháng qua. Một số điểm dừng chân có thể kể đến như Pennsylvania, Massachusetts, New York, Texas và một số bang khác. Trong khi hầu hết các hành trình là các chuyến đi đường dài, xuyên quốc gia, có một số chuyến bay của Mark ngắn đáng ngờ, bao gồm chuyến đi 18 dặm (khoảng 29 km) vào ngày 15 tháng 10 và chuyến bay dài 28 dặm (khoảng 45 km) vào ngày 28 tháng 8.
Máy bay phản lực của Zuckerberg đã thực hiện 28 chuyến đi khác nhau từ ngày 20 tháng 8 đến ngày 15 tháng 10, đốt cháy ít nhất 158.448 USD nhiên liệu và thải ra hơn 253 tấn carbon. Theo tổ chức phi lợi nhuận về môi trường The Nature Conservancy, trung bình người Mỹ có lượng khí thải carbon hàng năm là 16 tấn.
Meta đã cố gắng giải thích cho việc Zuckerberg sử dụng máy bay riêng, tuyên bố rằng đó là một phần trong “chương trình an ninh”. Họ cho biết Zuckerberg bay riêng để hạn chế "việc xuất hiện" và "các mối đe dọa cụ thể" đối với sự an toàn của cá nhân.
Nhiều tỷ phú có tiền nhưng phải bán máy bay để đảm bảo riêng tư
Khi được hỏi lý do lập tài khoản Twitter để theo dõi máy bay phản lực của Zuckerberg, Sweeney nói với Bloomberg: “Tôi thấy thật thú vị khi anh ấy theo dõi chúng tôi trên Facebook, vì vậy thật vui khi tôi có thể theo dõi ngược lại anh ấy”.
Mặc dù lời giải thích nghe có vẻ giống như một câu nói vui vẻ, nhưng nhiều người nổi tiếng và tỷ phú lại không hưởng ứng điều này. Một số tỷ phú cho biết thuê máy bay phản lực an toàn hơn trong bối cảnh hiện tại. Các tỷ phú khác, bao gồm cả những người như Zuckerberg và Musk, có thể sẽ làm theo để tránh bị công chúng soi xét quá mức.
Trước đây, CEO Elon Musk từng bị người khác theo dõi hành trình máy bay riêng di chuyển trên toàn cầu 24/7, buộc ông phải... yêu cầu trả tiền để họ ngừng việc này nhưng bất thành.
Tháng 7 năm 2022, thông tin về chuyến bay của tỷ phú Elon Musk đã khiến dư luận bất ngờ. Cụ thể, máy bay phản lực của tỷ phú này được phát hiện đã thực hiện những chuyến bay kéo dài 5 phút từ Sân bay Quốc tế Los Angeles đến sân bay Hawthorne, một hành trình dài 9,6 km mà nếu đi xe Tesla sẽ chỉ mất 10 phút.
So với người có khối tài sản đồ sộ nhất thế giới ở mức 207,7 tỉ USD tính tới tháng 10 này, người giàu thứ 2 là Bernard Arnault có cách giải quyết triệt để hơn nhiều. Tương tự Elon Musk, ông cũng bị một tài khoản Twitter theo dõi "đường đi nước bước" 24/7 của chuyên cơ cá nhân.
Ông chủ của LVMH, Bernard Arnault, đã thông báo rằng công ty của ông đã bán chiếc máy bay tư nhân của mình để tránh bị theo dõi bởi những tài khoản theo dõi như vậy.
Ngay sau khi người dân ở châu Âu và Mỹ phải hứng chịu đợt nắng nóng kỷ lục một phần là do biến đổi khí hậu, các chuyến bay tương tự như vậy nhận về phản ứng gay gắt vì thải khí nhà kính.