Sau Đức và Ba Lan, đến lượt Pháp tăng chi tiêu quốc phòng
Tổng thống Pháp Macron muốn hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của Pháp, tăng 60% chi tiêu cho tình báo, tăng gấp đôi số lượng quân nhân dự bị…
Chính phủ Pháp hôm 4/4 đã thông qua dự luật chi tiêu quốc phòng trị giá 413 tỷ Euro cho giai đoạn 2024-2030, tăng hơn 1/3 so với giai đoạn trước.
Việc đây là khoản chi tiêu quân sự lớn nhất của quốc gia Tây Âu trong hơn 50 năm qua đã nhấn mạnh tác động của xung đột Nga-Ukraine.
“Dù thế nào chăng nữa, chính hành động của Nga ở Ukraine đã khơi dậy nhu cầu về an ninh ở hầu hết các đối tác của lục địa châu Âu”, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sébastien Lecornu cho biết.
Việc tăng ngân sách nhằm mục đích giúp Pháp phản ứng tốt hơn trước “một chuỗi các mối đe dọa đang gia tăng”, và có thể tự bảo vệ mình, ông Lecornu nói.
Theo vị Bộ trưởng, động lực chính trị, ngân sách, quân sự và công nghệ của dự luật trên có thể sánh ngang với nỗ lực to lớn trong những năm 1960 khi Pháp phát triển vũ khí hạt nhân, đưa nước này trở thành một trong những cường quốc quân sự lớn trên thế giới.
Được Tổng thống Emmanuel Macron ủng hộ, dự luật sẽ hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của Pháp với việc chế tạo tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân thế hệ mới, tăng 60% chi tiêu cho tình báo, tăng gấp đôi số lượng quân nhân dự bị, tăng cường phòng thủ mạng và phát triển nhiều vũ khí điều khiển từ xa hơn.
Nó cũng sẽ thúc đẩy năng lực sản xuất của ngành công nghiệp vũ khí để cung cấp hỗ trợ quân sự cho Ukraine và cung cấp đầy đủ trang thiết bị cho quân đội Pháp.
Bộ trưởng Lecornu cho biết, dự luật ngân sách quốc phòng Pháp sẽ được tranh luận tại quốc hội vào tháng 5-6, với mục tiêu có hiệu lực trước kỳ nghỉ lễ Quốc khánh Pháp (14/7).
Liên minh trung dung của Tổng thống Macron không chiếm đa số trong cả hai viện của Quốc hội Pháp, nhưng các sĩ quan quân đội từ lâu đã phàn nàn về việc chi tiêu cho lực lượng vũ trang bị thu hẹp, trong khi các đảng bảo thủ và cực hữu có xu hướng ủng hộ đầu tư cho quốc phòng.
Trước Pháp, nhiều quốc gia châu Âu đã công bố tăng chi tiêu quốc phòng kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát và trở thành cuộc giao tranh trên bộ lớn nhất trên “lục địa già” thời hậu Thế chiến II.
Hồi đầu năm, Ba Lan tuyên bố sẽ dành 4% GDP cho quốc phòng. Khoản chi tiêu chưa từng có tiền lệ này sẽ bao gồm các hợp đồng lớn về mua sắm máy bay chiến đấu và xe tăng từ Mỹ và Hàn Quốc, cũng như máy bay không người lái từ Thổ Nhĩ Kỳ.
Nhưng, chắc chắn cuộc cách mạng quân sự vĩ đại phải thuộc về nước Đức. Trước sức nóng của xung đột Nga-Ukraine, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã tuyên bố tăng 100 tỷ USD cho ngân sách quân sự năm 2022 để hiện đại hóa các lực lượng vũ trang của mình (Bundeswehr).
Các quốc gia Baltic, Italy, Vương quốc Anh và Thụy Điển – nước đang chờ gia nhập NATO sau nhiều thập kỷ trung lập, cũng đã công bố mức tăng đáng kể trong chi tiêu quốc phòng.
Đáng chú ý, xu hướng này không chỉ có ở châu Âu mà trên toàn thế giới, với các quốc gia bao gồm Australia, Hàn Quốc và Nhật Bản tái vũ trang với tốc độ nhanh chóng trong bầu không khí căng thẳng quân sự gợi nhớ đến thời kỳ Chiến tranh Lạnh .
Minh Đức (Theo Euronews, Daily Mail)