Sau dầu sẽ là kim loại, khoáng sản - cuộc khủng hoảng tăng giá chưa có hồi kết vẫn đang ở phía trước
Quá trình chuyển đổi năng lượng cầm một nguồn kim loại rất lớn và các kim loại đó đang tăng giá mạnh. Giống với thị trường dầu, thị trường khai thác kim loại đang nhận được rất ít khoản đầu tư mới do các công ty tập trung vào việc trả cổ tức cho các cổ đông.
Đầu tháng này, Tesla một lần nữa gây bão trên mạng nhưng tin tức họ đem lại không khiến người tiêu dùng vui mừng: công ty đã tăng giá hầu hết các mẫu xe của mình. CEO Tesla là Elon Musk cho biết lạm phát nguyên liệu là một trong những ký do chính khiến hãng phải tăng giá sản phẩm.
Giá đồng, coban, lithium, nhôm - hầu hết mọi thứ được lấy lên từ lòng đất - đều tăng vọt. Thông thường, điều này sẽ thúc đẩy các công ty khai thác mỏ chi tiêu nhiều hơn để đưa các kim loại này lên khỏi mặt đất. Tuy nhiên, lần này, họ tỏ ra thận trọng giống cách các công ty dầu mỏ Mỹ khoan đá phiến. Điều này, tất nhiên, là tin xấu cho quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu.
10 công ty khai thác hàng đầu thế giới sẽ chi khoảng 40 tỷ USD cho các dự án khai thác trong năm nay và năm sau, theo Wall Street Journal. Con số này giảm mạnh so với mức lên đến 80 tỷ USD vào năm 2012. Giá nguyên liệu thô cần thiết cho quá trình chuyển đổi năng lượng đang cao hơn rất nhiều, buộc người ta phải xem xét kỹ lưỡng trước khi xây dựng các trang trại năng lượng mặt trời hay công viên gió.
Chẳng hạn quặng sắt, thành phần thiết yếu để sản xuất thép, đã tăng từ hơn 82 USD/tấn vào tháng 11 năm ngoái lên 125 USD/tấn. Mức giá này vẫn thấp hơn nhiều so với mức đỉnh là hơn 227 USD tấn đạt được vào năm ngoái nhưng vẫn là mức tăng đáng kể trong 6 tháng qua.
Giá đồng duy trì đà tăng từ năm 2020 và đã tăng gấp đôi trong khoảng 2 năm qua, mặc dù chịu "đè nén" từ các tin tức xấu do các đợt phong toả diện rộng ở Trung Quốc.
Theo RCB Capital Markets, thị trường đồng sẽ sớm thoát khỏi tình trạng bị thắt chặt khi một số mỏ khai thác mới được đưa vào vận hành trong năm nay. Tuy nhiên, triển vọng dài hạn với giá kim loại cơ bản vẫn là tăng.
Trong khi đó, lithium đã tăng 432% trong năm qua – cũng là một phần nguyên do khiến Tesla liên tục tăng giá xe điện. Mặc dù vậy, các công ty khai thác vẫn không đầu tư nhiều hơn mà chỉ cố gắng tối ưu hoá sản xuất để tạo ra nhiều lithium và coban hơn.
Có vẻ như các công ty khai thác – giống các "đồng nghiệp" của họ trong lĩnh vực dầu khí – đang tập trung nhiều hơn vào việc trả cổ tức cho các cổ đông , hơn là đầu tư thêm vào sản xuất. Đây là nguyên nhân khiến tốc độ tăng trưởng nguồn cung dầu ở Mỹ bị giảm, cũng như nguồn cung các kim loại cơ bản và khoáng chất cần thiết cho việc phát triển năng lượng tái tạo và ô tô điện.
Bên cạnh đó, lạm phát cũng đẩy chi phí đầu tư lên rất cao, giống với ngành dầu khí. Giám đốc điều hành của Freeport McMoran thừa nhận rằng: "Mọi thứ đang tăng giá chóng mặt, tăng thêm các hạn chế về nguồn cung".
Đây cũng là tâm lý chung của ngành dầu khí khi tình trạng thiếu thiết bị, lực lượng lao động và nhiều sự thiếu hụt khác làm tăng chi phí liên quan đến việc khai thác mới.
Đầu năm 2022, tại một sự kiện của ngành khai khoáng tại Ả Rập Xê Út, những người trong cuộc đã nói rất nhiều về vấn đề này. Họ cảnh báo rằng sự chậm trễ trong đầu tư khai thác mới có thể đe doạ tiến độ của quá trình chuyển đổi năng lượng.
Một vấn đề khác họ phải đối mặt là một dạng lạm phát tiềm ẩn. Trữ lượng quặng giảm đi ở các mỏ đang đẩy chi phí khai thác lên cao hơn. Đây là hiện tượng tự nhiên và không thể phục hồi. Giải pháp chỉ có thể là mở nhiều mỏ mới hơn. Tuy nhiên, ngoài thời gian, tiền bạc, đa phần các mỏ mới này đều nằm trong các khu vực không ổn định về pháp lý và chính trị - làm tăng thêm thách thức cho các nhà khai thác.
Goldman Sachs gần đây đã giảm bớt lo ngại về nguồn cung kim loại, cho biết giá lithium sẽ "điều chỉnh trong nửa cuối năm 2022 nhưng vẫn chịu áp lực về nguồn cung trong vài năm tới".
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho biết họ không lạc quan như vậy. Dựa vào kế hoạch đầu tư của các công ty khai thác lớn nhất thế giới, họ nghiêng về xu hướng giá kim loại tiếp tục tăng trong thời gian tới. Nguồn cung thấp, giá tăng cao có thể là xói mòn nhu cầu – xăng dầu hay các tấm pin mặt trời đều sẽ như vậy.
Theo Đức Nam
Nhịp Sống Kinh tế