Sau Central Retail, Aeon tính tăng gấp 3 số trung tâm thương mại ở Việt Nam
Tập đoàn bán lẻ Aeon của Nhật Bản đẩy nhanh việc mở thêm trung tâm thương mại và các cửa hàng khác ở Việt Nam nhằm thu hút tầng lớp trung lưu đang ngày càng mở rộng ở đây cũng như tận dụng việc chính phủ dự kiến gỡ bỏ hạn chế đối với doanh nghiệp nước ngoài trong hai năm tới.
Sau Central Retail, Aeon tính tăng gấp 3 số trung tâm thương mại ở Việt Nam
Mở rộng bằng lần
Aeon có kế hoạch tăng số lượng trung tâm thương mại tại Việt Nam, gấp 3 lần hiện tại đến năm 2025, nhằm tìm kiếm lợi thế trong lĩnh vực thực phẩm. Với gần 40 năm hoạt động ở Đông Nam Á, tập đoàn bán lẻ này sẽ tận dụng kinh nghiệm mà họ tích luỹ được ở Malaysia, quốc gia Đông Nam Á đầu tiên họ đặt chân tới, và các thị trường khác để tăng cường mở rộng quy mô hoạt động.
Cuối tháng 8, tại Aeon Mall Hà Đông, một gian bếp khổng lồ đã hoạt động hết công suất dù mới chỉ 6 giờ sáng. Hàng chục thợ làm bánh bận rộn lấy bánh ra khỏi lò và chất chúng lên những chiếc container đặc biệt. Đây là nơi cung cấp 60 loại bánh mì và bánh nướng khác nhau tới 5 siêu thị MaxValu gần đó, và những người thợ bánh thường phải nướng 5,000 – 6,000 chiếc bánh mỗi ngày. Aeon giao bánh mì tới các cửa hàng 3 lần mỗi ngày bằng chính mạng lưới logistics của họ.
“Chúng tôi có thể giao bánh mì mới ra lò cho bất kỳ cửa hàng nào với mức giá hợp lý”, ông Nguyễn Thanh Tùng, trưởng nhóm sản xuất bánh mì, cho biết.
Khi mở rộng cửa hàng ở Việt Nam, Aeon sẽ tiếp tục là nơi cung cấp bánh mì mới ra lò và các món ăn chế biến sẵn, với việc sử dụng các trung tâm mua sắp của mình làm bếp trung tâm. Chính điều này mang lại cho họ một lợi thế cạnh tranh lớn.
Ông Yasuyuki Furusawa, người đứng đầu Aeon Việt Nam cho biết: “Chúng tôi có chuyên môn về hoạt động sản xuất hàng loạt và giao hàng hiệu quả ở Nhật Bản và Malaysia. Đây là những lĩnh vực mà chúng tôi không bao giờ bị đối thủ vượt mặt”.
Aeon hiện có khoảng 200 cửa hàng tại Việt Nam, bao gồm 6 trung tâm mua sắm và một số siêu thị. Các cửa hàng tập trung ở TPHCM và Hà Nội, một trung tâm mua sắm sẽ khai trương ở Huế vào năm 2024.
Tập đoàn dự định tăng số lượng siêu thị tại Hà Nội lên 100 địa điểm vào năm 2025, gấp khoảng 10 lần hiện tại. Số lượng trung tâm thương mại cũng sẽ gấp gần 3 lần lên 16 địa điểm trên khắp cả nước.
“Chúng tôi cần đẩy nhanh việc mở cửa hàng, đó là lý do chúng tôi phải thực hiện các sáng kiến mới ngay từ bây giờ”, ông Furusawa nói. Củng cố mảng thực phẩm, như tiệm bánh và nhà bếp, là một phần nỗ lực để đạt được điều đó. Bởi, nhiều siêu thị của Việt Nam có quy mô nhỏ và không có đủ không gian bếp. “Phân khúc bánh mì và thực phẩm chế biến sẵn sẽ tạo nên sự khác biệt cho chúng tôi”, ông Furusawa bổ sung.
Aeon the Nine, một cửa hàng thuộc hệ thống của Aeon khai trương ở Hà Nội hồi tháng 5, là một ví dụ cho sáng kiến mới của tập đoàn. Cửa hàng dành 1,200 m2 cho hoạt động bán lẻ, cao hơn nhiều mức 300 m2 thường thấy của các siêu thị tại Việt Nam. Cửa hàng này có nhà bếp và khu ẩm thực, với những yếu tố tạo sự thu hút như quầy salad và bánh mì mới ra lò.
Cạnh tranh khốc liệt
Việc chuyển hướng sang Đông Nam Á là một trong những trọng tâm của kế hoạch kinh doanh trung hạn mà Aeon đề ra. Một lãnh đạo cấp cao của Aeon cho biết Việt Nam là thị trường quan trọng nhất trong chiến lược tiến ra nước ngoài của họ, với dân số 100 triệu người, độ tuổi trung bình là 33 và tốc độ tăng trưởng GDP năm nay dự kiến là 7%.
Tuy nhiên, Việt Nam hấp dẫn với Aeon vì một lý do khác. Là thành viên của HIệp định CPTPP, Việt Nam đang dự kiến bãi bỏ các quy định hạn chế đầu tư nước ngoài sớm nhất vào năm 2024. Một trong những quy định dự kiến bị bãi bỏ là yêu cầu các nhà bán lẻ nước ngoài phải xin phép khi mở cửa hàng có diện tích 500 m2 trở lên.
Tập đoàn bán lẻ này có thể tiếp tục mở rộng ở Việt Nam nhưng sự cạnh tranh đã trở nên gay gắt hơn.
Theo bảng xếp hạng doanh số bán hàng của các nhà bán lẻ tại Việt Nam do công ty tư vấn Kearney tổng hợp, đứng đầu là Thế giới Di động, với 5,500 cửa hàng ở Việt Nam và các nước khác, có doanh thu 4.8 tỷ USD . Công ty này chiếm 5% thị phần bán lẻ ở Việt Nam, và cũng là lớn nhất tính đến nay.
Ở vị trí thứ 2 là Saigon Co.op với doanh thu 1.6 tỷ USD và thị phần khoảng 1,5%. Central Retail, nhà bán lẻ của Thái Lan, đứng thứ 3 với thị phần chưa đến 1%.
Aeon không tiết lộ số liệu bán hàng đối với các cửa hàng ở Việt Nam, song con số ước tính vào khoảng 700 triệu USD , xếp sau Tập đoàn Masan đang ở vị trí thứ 5 với doanh thu 868 triệu USD .
Ngoài Aeon, các công ty khác cũng đang mở rộng. Mới đây, Central Retail của Thái Lan có kế hoạch đầu tư 30 tỷ baht (797 triệu USD ) để mở rộng mạng lưới siêu thị ở Việt Nam. Tập đoàn Masan cũng đã mở hơn 100 cửa hàng tiện lợi và các đại lý khác mỗi tháng kể từ tháng 4. Saigon Co.op đang lên kế hoạch mở 100 cửa hàng nhỏ vào cuối năm nay.
Trong môi trường như vậy, kinh doanh ở Việt Nam là rất khó khăn. Tập đoàn bán lẻ Metro AG của Đức rút khỏi thị trường Việt Nam vào năm 2014, Auchan của Pháp rút lui vào năm 2019.
“Chúng tôi sẽ gia nhập một thị trường đang ở giai đoạn tăng trưởng và khai thác nó”, một giám đốc cấp cao của Aeon cho hay. Malaysia, Indonesia và Việt Nam đều là những thị trường như vậy. Mặc dù vẫn còn một số hạn chế nhất định đối với đầu tư nước ngoài ở Việt Nam, song những quy định đối với hoạt động nhập khẩu đã nới lỏng hơn Indonesia và điều này giúp các nhà bán lẻ nước ngoài có thể mở rộng mạng lưới hoạt động dễ dàng hơn.
Kim Dung (Theo Nikkei Asia)