Sau 5 lần giảm liên tiếp, giá xăng dầu trong kỳ điều chỉnh tới có thể tăng khoảng 2.000 đồng/lít
Giá dầu nhập khẩu tăng, đẩy giá xăng dầu trong nước có thể tăng mạnh tại kỳ điều hành tới.
Tại thị trường thế giới, phiên giao dịch sáng ngày 29/8 (giờ Việt Nam), giá dầu WTI tăng 0,30 USD/thùng, tương ứng 0,32 lên mức 93,36 USD/thùng; dầu Brent tăng 0,06 USD/thùng tương ứng 0,06% lên mức 101,05 USD/thùng.
Sau một tuần phủ sắc xanh, cụ thể là giá dầu WTI đã tăng 2,9% trong tuần trước và giá dầu Brent tăng 4,4%, thì trong tuần này, các thị trường và các nhà quan sát kỳ vọng vào nhu cầu dầu ở châu Âu và Trung Quốc sẽ tăng mạnh khi nhiều quốc gia trong khu vực châu Âu đang bế tắc trong việc đảm bảo nguồn cung khí cho mùa đông khắc nghiệt sắp tới.
Tại thị trường trong nước, giá bán các loại xăng dầu áp dụng theo mức giá điều chỉnh từ 15h ngày 22/8. Giá xăng E5 RON 92 giữ nguyên ở mức 23.720 đồng/lít và xăng RON 95 cũng giữ nguyên ở mức 24.660/lít. Còn giá các mặt hàng dầu thì đồng loạt tăng.
Dầu diesel là 23.750 đồng/lít, tăng 850 đồng. Dầu hỏa có mức giá mới là 24.050 đồng/lít, tăng 730 đồng, dầu mazut giữ nguyên mức giá so với điều chỉnh kỳ trước, có giá 16.540 đồng/kg.
Theo dữ liệu mới nhất từ Bộ Công Thương, giá xăng dầu thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore hiện tăng mạnh. Cụ thể, ngày 24/8, xăng RON 92 (để pha chế xăng E5 RON 92) tăng lên mức 111,94 USD/thùng, còn xăng RON 95 tăng lên mức 115,71 USD/thùng. Giá các mặt hàng dầu cũng tăng mạnh, giao dịch quang ngưỡng 143-146 USD/thùng.
Ngày 1/9 là kỳ điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ, nhưng do trùng vào kỳ nghỉ lễ Quốc khánh nên việc điều chỉnh có thể sẽ lùi lại vào ngày 5/4.
Ngay trước kỳ điều chỉnh lần này, nhiều cửa hàng, đại lý kinh doanh xăng dầu cho biết sẽ nghỉ bán với lý do "ôm hàng khó khăn", "không mua được hàng", "chiết khấu 0 đồng", "chiết khấu âm", thậm chí phải trả tiền cao hơn giá bán lẻ…khiến doanh nghiệp rơi vào cảnh thua lỗ nặng.
Tuy nhiên, theo Bộ Công thương, 2 nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn và Dung Quất đang gánh 80% lượng xăng dầu tiêu thụ trong nước và bảo đảm nguồn cung hoạt động đủ. Bên cạnh đó, nhập khẩu xăng dầu của các doanh nghiệp cũng có mức dự trữ thoải mái, vượt nhu cầu tiêu dùng.
Về cơ bản lượng sản xuất trên theo kế hoạch đã đưa ra để cân đối cung cầu từ đầu năm 2022 và đã được phân giao thực hiện cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng, dầu trong nước để bảo đảm nguồn cung cho thị trường.
Hiện tại, giá xăng nhập khẩu đang cao hơn giá bán trong nước khoảng 400 - 600 đồng/lít, dầu diesel đắt hơn đến 2.000 đồng/lít. Các chuyên gia cho rằng, phản ứng của thị trường là do nhà phân phối, đầu mối sợ lỗ, đặc biệt giá dầu trong nước và thế giới đang chênh nhau quá lớn, hàng bán ra lúc này, chờ đến khi giá mới điều chỉnh tăng mạnh, mức lỗ sẽ cao hơn.
Cũng theo dự báo của các thương nhân, giá xăng dầu trong kỳ tới sẽ tăng mạnh. Bởi hiện giá xăng thành phẩm trung bình tại thị trường Singapore đang cao hơn giá bán lẻ xăng trong nước khoảng 200-400 đồng/lít, còn dầu diesel, dầu hỏa khoảng 2.000-3.000 đồng/lít. Do vậy, nếu nhà điều hành trong chi sử dụng Quỹ bình ổn thì giá xăng dầu trong nước sẽ tăng tương ứng.
Đối với Quỹ bình ổn xăng dầu đã 6 lần liên tiếp, cơ quan điều hành không chi sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu, trong đó có những lần trích lập quỹ ở mức rất cao. Cụ thể, trong kỳ điều hành vào 11/8 cũng trích ở mức cao khi xăng E5 RON 92 trích ở mức 700 đồng/lít, xăng RON 95 mức 750 đồng/lít, còn dầu DO mức 350 đồng/lít.
Tính tổng cộng 6 kỳ điều hành gần đây, số tiền trích lập vào Quỹ bình ổn giá với xăng E5 là 3.951 đồng/lít; xăng RON95 là 3.993 đồng/lít; dầu diesel là 2.150 đồng/lít.
Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu trong nước đã trải qua 22 lần điều chỉnh, trong đó có 13 lần tăng, 8 lần giảm và một lần giữ nguyên. Phiên điều chỉnh giá xăng dầu ngày 11/8 là lần thứ 5 liên tiếp các mặt hàng xăng dầu được điều chỉnh giảm giá. Sau phiên điều chỉnh ngày 22/8, giá xăng trong nước có thể đứt mạch đi xuống sau 5 kỳ giảm liên tiếp trong tháng 7.