Sau 26 năm, “đốm sáng” bí ẩn gần xác tàu Titanic đã được lý giải
Trong suốt nhiều thập kỷ kể từ đó tới nay, không một ai có thể xác định đốm sáng đó là gì, cho dù là một vụ đắm tàu khác, một loại đặc điểm địa chất nào đó, hay một cái gì đó hoàn toàn mới.
Paul Henry Nargeolet được coi là một trong số ít thợ lặn có số lần khám phá xác tàu Titanic nhiều nhất thế giới, với thành tích 30 lần lặn sâu hàng nghìn mét xuống đáy đại dương. Đáng chú ý, trong một chuyến thám hiểm tàu Titanic vào năm 1996, thợ lặn kì cựu này đã ghi được một đốm sáng bí ẩn trên màn hình máy quét sonar – ngay gần vị trí xác con tàu đắm huyền thoại.
Mãi tới thời điểm năm 2022 – 26 năm sau khi đốm sáng được phát hiện, bí ẩn trên dường như đã có lời giải đáp.
Trong một chuyến thám hiểm con tàu đắm Titanic được công ty OceanGate tổ chức vào đầu năm nay, Nargeolet và các nhà nghiên cứu của mình đã phát hiện một rạn san hô ở đáy biển có chứa rất nhiều sinh vật biển, nằm cách mặt nước khoảng 2.900 mét (9.514 feet). Nói cách khác, đốm sáng bí ẩn thuộc về một rạn san hô chưa từng được biết đến trước đây. Tâm của khu vực có hệ sinh thái đáy đại dương nằm cách nơi Titanic chìm khoảng 25 dặm, trải rộng trên một khu vực lớn với hàng ngàn sinh vật khác nhau, như loài bọt biển, san hô, tôm, cá...
Video quay cận cảnh rạn san hô chưa từng biết đến trước đây, gần nơi xác tàu Titanic 'yên nghỉ'
"Chúng tôi không biết mình sẽ khám phá ra điều gì . "Trên sonar, đây có thể là bất kỳ thứ gì, bao gồm cả khả năng nó là xác của một con tàu đắm khác", Nargeolet nói.
"Tôi đã tìm kiếm cơ hội khám phá vật thể lớn này xuất hiện trên sonar cách đây rất lâu. Thật ngạc nhiên khi khám phá khu vực này, và phát hiện nó ẩn chứa rất nhiều sự sống."
Các nhà nghiên cứu đã quan sát thấy bọt biển, san hô, cá, tôm hùm và nhiều thứ khác trên đỉnh núi đá bazan, tạm thời được đặt tên là Nargeolet-Fanning Ridge - theo tên Nargeolet và Oisín Fanning, Chuyên gia sứ mệnh trong chuyến thám hiểm.
Fanning cho biết: "Khi tôi biết về khả năng có thể tìm ra bí ẩn về những gì được nhìn thấy trên sonar vào năm 1998, tôi biết mình muốn trở thành một phần của nỗ lực này"
Mặc dù sẽ mất một khoảng thời gian để phân tích tất cả các hình ảnh và video từ lần lặn gần đây nhất, nhưng nhóm nghiên cứu rất muốn chia sẻ những phát hiện của họ với các nhà khoa học khác để nâng cao hiểu biết về cuộc sống ở đáy đại dương.
Một hướng nghiên cứu khác mà các nhà khoa học cũng muốn hướng tới, bao gồm xác định các dạng sống cũng như sự đa dạng của hệ sinh thái ở khu vực giữa rạn san hô Nargeolet-Fanning Ridge và xác tàu Titanic.
"Việc tìm ra những điểm tương đồng và khác biệt sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về môi trường dưới đáy biển sâu", nhà khoa học hàng hải kiêm trưởng đoàn thám hiểm Steve Ross từ Đại học Bắc Carolina cho biết.
Được biết, các nhà nghiên cứu cũng thu thập nhiều mẫu nước ở dưới đáy biển, vốn có thể dùng để phân tích qua các quy trình phân tích DNA môi trường, từ đó tìm hiểu thêm về các sinh vật sinh sống tại rạn san hô.
Các mô hình mô phỏng trên máy tính cũng sẽ được sử dụng để tìm hiểu xem sự sống đang tồn tại ở đâu: điều này liên quan đến những nỗ lực không ngừng của các nhà khoa học nhằm tìm hiểu thêm về cách bọt biển và san hô có thể phát tán rộng rãi dưới đáy đại dương.
Tất cả những điều này đóng vai trò quan trọng trong việc tiếp tục nghiên cứu việc biến đổi khí hậu cũng đang tác động như thế nào đến các đại dương, và làm thế nào các hệ sinh thái mong manh này có thể thích nghi và có thể tồn tại khi nước biển ấm lên .
"Chúng ta cần chia sẻ thông tin này với cộng đồng khoa học và các nhà hoạch định chính sách để đảm bảo rằng những hệ sinh thái dễ bị tổn thương này nhận được sự quan tâm và bảo vệ đúng mức mà chúng xứng đáng được hưởng" , nhà sinh vật biển Murray Roberts từ Đại học Edinburgh ở Anh cho biết.
Trước đó, OceanGate, công ty dịch vụ có trụ sở tại Mỹ, cũng vừa công bố tour du lịch ngắm xác tàu Titanic ở ngoài khơi bờ biển Canada, với giá tour cho mỗi người tham gia trải nghiệm này là 250.000 Euro (hơn 5.8 tỷ đồng). Đây là giá vé cao hơn gấp đôi so với thời điểm 2020, chỉ khoảng 125 nghìn USD. Theo OceanGate, kể từ khi xác tàu Titanic được phát hiện vào năm 1985, chỉ có chưa đầy 250 người được tận mắt chứng kiến xác con tàu huyền thoại. Đây là con số thậm chí ít hơn số người đã bay vào không gian.
Đại diện phía công ty cho biết, để giúp những du khách tham gia có sự trải nghiệm tốt nhất dưới độ sâu hơn 3.800 tại Bắc Đại Tây Dương, OceanGate Expeditions sẽ phải sử dụng một chiếc tàu ngầm hiện đại sức chứa tối đa được 5 người, vốn được điều chỉnh và thiết kế riêng nhằm giúp du khách nhìn rõ hơn những gì còn sót lại của chiếc tàu Titanic.
Được biết, một cuộc lặn dưới đáy biển sẽ kéo dài trong khoảng 8 - 10 tiếng. Những người tham gia tour không chỉ là du khách đơn thuần, mà còn được coi như "những người mang sứ mệnh thám hiểm".
Tham khảo ScienceAlert/Wikipedia
Theo Anh Việt