Sau 2 tháng, cuộc chiến Nga - Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu sớm kết thúc

Chia sẻ Facebook
24/04/2022 14:33:22

Ngày 24-4 đánh dấu tròn 2 tháng kể từ khi Nga phát động 'chiến dịch quân sự đặc biệt' tại Ukraine. Nhưng cuộc chiến đến nay vẫn chưa có dấu hiệu sẽ sớm kết thúc.

Người dân tại thành phố Irpin của Ukraine đi di tản để tránh chiến sự vào tháng 3-2022 - Ảnh: AFP


Tuổi Trẻ Online điểm lại một số cột mốc chính trong 2 tháng chiến sự:


Ngày 24- 2 , Nga đưa quân sang Ukraine từ 3 hướng, chính thức bắt đầu cuộc chiến lớn nhất tại châu Âu kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai. Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết "hoạt động quân sự đặc biệt" này nhằm "phi quân sự hóa" và "phi phát xít hóa" Ukraine.


Cuộc hội đàm đầu tiên giữa hai nước diễn ra ngày 28-2 tại Belarus nhưng không có bước đột phá nào. Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố đã kiểm soát hoàn toàn không phận Ukraine. Phương Tây cho biết lực lượng Ukraine kháng cự quyết liệt trong khi Nga gặp phải các vấn đề về hậu cần.


Ngày 2-3 , các lực lượng Nga tấn công thành phố cảng Mariupol ở phía nam Ukraine và tuyên bố chiếm được trung tâm đô thị của thành phố cảng Kherson tại Biển Đen.


Ngày 4-3 , lực lượng Nga chiếm giữ nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu Zaporizhzhia. Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) bác bỏ lời kêu gọi của Ukraine về việc lập vùng cấm bay do lo ngại làm leo thang xung đột.


Theo Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR), tính đến ngày 8-4 , hơn 2 triệu người đã rời khỏi Ukraine.

Nhiều tòa nhà tại một khu vực phía bắc thủ đô Kiev, Ukraine bị phá hủy ngày 20-4 - Ảnh: AFP


Ngày 13-3, Nga mở rộng chiến dịch vào sâu phía tây Ukraine, bắn tên lửa vào một căn cứ ở Yavoriv sát biên giới Ba Lan, một thành viên NATO. Chính quyền địa phương cho biết vụ tấn công khiến 35 người thiệt mạng và 134 người bị thương.


Hai bên tiến hành đàm phán vòng thứ 4 từ 14 đến 17-3 . Vòng đám phán thứ 5 diễn ra ngày 21-3.


Ngày 3-4 , Ukraine cáo buộc Nga phạm tội ác chiến tranh sau khi nhiều thi thể dân thường được phát hiện tại thị trấn Bucha. Điện Kremlin phủ nhận cáo buộc và chỉ trích đây là các hình ảnh bị dàn dựng.


Ngày 6-4 , Lầu Năm Góc của Mỹ cho biết Nga đã rút hoàn toàn lực lượng khỏi khu vực thủ đô Kiev và thành phố Chernihiv ở miền bắc để chuẩn bị tập trung cho mặt trận ở miền đông Ukraine.


Ngày 14-4 , soái hạm Moskva của Nga ở Biển Đen bị chìm. Phía Ukraine và Mỹ nói con tàu bị tấn công bằng tên lửa của Kiev trong khi Nga cho biết tàu chìm do một vụ nổ kho đạn.

Biểu đồ các khu vực tại Ukraine tính đến ngày 23-4, trong đó các vùng đỏ đang do Nga kiểm soát - Nguồn: Al Jazeera


Ngày 18-4 , Nga mở cuộc tấn công vào miền đông Ukraine với mục tiêu kiểm soát vùng Donbass.


Chiến thắng tại khu vực này sẽ tạo ra bước ngoặt cho chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine. Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR) cho biết đến ngày 20-4 đã có hơn 5 triệu người Ukraine di tản sang nước ngoài.


Ngày 21-4 , Nga tuyên bố đã đã "giải phóng" Mariupol, nhưng sẽ không tấn công vào nhà máy thép Azovstal - thành trì cuối cùng của lực lượng phòng thủ Ukraine tại Mariupol - vì "không thực tế".

Thay vào đó, Tổng thống Vladimir Putin ra lệnh cho lực lượng Nga tiếp tục vây hãm nhà máy để "không một con ruồi nào lọt qua", theo Hãng tin Sputnik và Hãng tin AFP.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết đã phóng tên lửa vào kho chứa vũ khí ở gần thành phố Odessa vào ngày 23-4, và xác quyết nơi này cất giấu nhiều tên lửa do Mỹ và các nước châu Âu chuyển giao cho các lực lượng Ukraine.

Chia sẻ Facebook