Sau 2 năm bành trướng không tưởng, các Big Tech đang lụi tàn và 'hết thời'?
(Tổ Quốc) - Lĩnh vực công nghệ - vốn thúc đẩy nền kinh tế Mỹ trong thời kỳ đại dịch và tăng trưởng với quy mô đáng kinh ngạc trong suốt 1 thập kỷ lãi suất cực kỳ thấp, đang trải một trong những giai đoạn khó khăn nhất trong nhiều năm.
Các "ông lớn" trong ngành và các startup non trẻ đang phải đối mặt với nhiều yếu tố kinh tế, thị trường và cả trong ngành nhiều bất lợi. Theo đó, sự xáo trộn đang xảy ra với lĩnh vực thương mại điện tử, kỹ thuật số, xe điện, dịch vụ gọi xe và các phân khúc khác sau đại dịch.
Các doanh nghiệp đóng vai trò là "người tạo ra việc làm" trong 2 năm qua đã bắt đầu ngừng tuyển dụng hoặc thậm chí sa thải nhân viên. Lo ngại về động lực thúc đẩy ngành này dần trở nên yếu ớt, nhà đầu tư ồ ạt rút vốn khiến cổ phiếu của một loạt công ty bao gồm Lyft và Peloton sụt giá. Ngoài ra, cổ phiếu Netflix, Meta Platforms và Amazon đều giảm hơn 30% trong năm nay, vượt quá mức giảm của S&P 500.
Hiện tại, quan điểm của nhà đầu tư đang chia rẽ trước câu hỏi rằng liệu tình trạng hiện tại chỉ là tạm thời - vì các công ty hưởng lợi nhờ đại dịch đã phát triển quá nhanh trong thời gian gần đây, hay là những dấu hiệu ban đầu cho thấy lĩnh vực công nghệ đang suy thoái sâu sắc hơn.
Kevin Holt là giám đốc danh mục đầu tư cấp cao tại Invesco, công ty quản lý hơn 1,6 nghìn tỷ USD tài sản và sở hữu cổ phần trong các công ty công nghệ lớn. Ông nói rằng: " Thị trường đang rớt giá mạnh ". Cổ đông đang cố gắng xác định xem liệu họ có tập trung quá nhiều vào lĩnh vực tăng trưởng trong môi trường lãi suất siêu thấp hay không.
Holt nói: " Có phải vì lãi suất thấp mà các cổ phiếu công nghệ đã được định giá quá cao hay không? " Ông và những người khác đang đặt ra câu hỏi liệu có phải đã đến lúc một số công ty công nghệ nên thu hẹp quy mô đầy tham vọng của họ hay chưa.
Ngay cả khi một số công ty công nghệ phải đối mặt với khoảng thời gian ảm đạm, thị trường lao động ở Mỹ vẫn có diễn biến rất khả quan và không có dấu hiệu cho thấy bị tác động bởi lĩnh vực công nghê. Các nhà tuyển dụng đã tạo thêm 428.000 việc làm trong tháng 4 - tháng thứ 12 đạt mức hơn 400.000. Tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức 3,6%.
Hơn nữa, dù một số "ngóc ngách" của ngành công nghệ chịu thiệt hại thì điểm sáng vẫn còn tồn tại. Điện toán đám mây - công nghệ được sử dụng rộng rãi trong đại dịch, vẫn mang lại lợi nhuận lớn cho Amazon, Microsoft và các doanh nghiệp khác.
Trong suốt đại dịch, Amazon và Facebook là một trong số các công ty công nghệ đã tuyển dụng rất nhiều nhân sự khi họ mở rộng quy mô. Amazon đã tuyển thêm khoảng 800.000 nhân sự vào năm 2020 và 2021, khi họ nỗ lực đáp ứng nhu cầu bùng nổ đối với dịch vụ thương mại điện tử. 5 năm qua, Meta, Apple và Alphabet đã tăng gần gấp đôi số lượng nhân viên toàn thời gian lên tổng cộng khoảng 563.000 người.
Các công ty công nghệ này có phong cách tăng trưởng hiếm thấy ở những ngành khác trong nền kinh tế Mỹ. Theo dữ liệu của WB, năm 2020, Meta, Amazon, Google, Apple và Microsoft đã tạo ra doanh thu 1,1 nghìn tỷ USD, vượt qua GDP của Hà Lan, Thụy Sĩ, Thổ Nhĩ Kỳ và Ả Rập Xê Út.
Đại dịch là yếu tố khiến vị thế thống trị của ngành công nghệ trở nên vững chắc hơn. Khi nền kinh tế đóng cửa, người tiêu dùng phụ thuộc nhiều hơn vào công nghệ. Điều này giúp đưa doanh số của các nhà bán lẻ trực tuyến, nền tảng họp trực tuyến và dịch vụ phát trực tuyến lên một tầm cao mới.
Song, một loạt các yếu tố đã ảnh hưởng đến những động lực đó vào năm nay. Lạm phát Mỹ đang ở mức cao nhất 4 thập kỷ, gây áp lực đối với tiền lương của tài xế và công nhân kho hàng, làm giảm sức mua của người tiêu dùng. Lãi suất tăng cũng khiến dòng vốn đổ vào cổ phiếu công nghệ đi xuống. Việc mở cửa lại các nhà hàng và cửa hàng truyền thống tạo áp lực cho nhu cầu đặt hàng online. Theo đó, các công ty thương mại điện tử phải điều chỉnh lại quy mô mở rộng. Việc Trung Quốc phong tỏa trong thời gian dài cũng gây gián đoạn cho chuỗi cung ứng.
Cuối tháng 4, Amazon báo cáo tăng trưởng doanh thu quý I với tốc độ chậm nhất trong khoảng 2 thập kỷ, do hoạt động kinh doanh của lĩnh vực thương mại điện tử giảm tốc, chi phí hoạt động tăng nhanh hơn doanh số bán hàng. Các giám đốc điều hành cho biết khả năng vận hành nhà kho đang vượt nhu cầu và họ đang thừa nhân sự trong một số lĩnh vực.
Cách đây 2 tuần, Meta cho biết họ sẽ tạm dừng hoặc hạn chế việc tuyển dụng đối với các vị trí cấp trung và cấp cao. Thông báo này được đưa ra 7 tháng sau khi công ty này thực hiện đợt tuyển dụng và đầu tư lớn để đẩy mạnh phát triển metaverse.
Trong khi đó, Netflix trong quý I/2022 lần đầu tiên ghi nhận lượng người đăng ký sụt giảm và dự báo sẽ tiếp tục chứng kiến những khoản lỗ. Thông tin này khiến vốn hóa của hãng mất 54 tỷ USD vốn hóa chỉ trong 1 ngày. Netflix cho biết nguyên nhân một phần là do quá nhiều người dùng chung tài khoản và sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt.
Apple cảnh báo rằng dịch Covid-19 tái bùng phát ở Trung Quốc có thể khiến họ thiệt hại tới 8 tỷ USD trong quý hiện tại, do chuỗi cung ứng iPhone và các thiết bị khác bị ảnh hưởng.
Nhiều doanh nghiệp và startup nhỏ hơn còn trải qua những điều tồi tệ hơn thế. Các công ty thương mại điện tử eBay và Etsy ghi nhận doanh số bán hàng tăng nhanh trong thời kỳ đại dịch. Song, 2 tuần trước, họ đều dự báo doanh số bán hàng sẽ giảm trong quý hiện tại và cổ phiếu theo đó cũng lao dốc. Ngoài ra, nhà đầu tư cũng quay lưng với các startup xe điện như Rivian.
Việc sa thải nhân sự gần đây cũng diễn ra ở một số công ty mới nổi như startup dịch vụ giao hàng nhanh GoPuff, nền tảng đầu tư Robinhood và ứng dụng video Cameo. Các doanh nghiệp khác thì chật vật để tìm kiếm nhân tài dù tăng trưởng tụt dốc.
Cuộc chiến tìm kiếm nhân tài thực sự khắc nghiệt. Họ đang chứng kiến một nền kinh tế đang giảm tốc. Họ còn thấy mối lo ngại về dự báo doanh thu. Hơn nữa, họ cũng mất nhân sự ‘vào tay’ các đối thủ và những nhân viên hiện tại cần được trả thêm 8-9%/năm để ứng phó với lạm phát. Dường như, các công ty đang đối mặt với áp lực từ tứ phía
Nhà đầu tư muốn chấp nhận rủi ro và công nghệ là lĩnh vực giúp họ làm điều đó dễ dàng nhất. Nhiều cổ phiếu trong số này được định giá bởi lợi nhuận trong tương lai chứ không nhất thiết là những thứ chúng ta đang thấy
Một số nhà đầu tư cho biết họ dự định sẽ né tránh một số lĩnh vực, như các nhà thiết kế chất bán dẫn hoặc các công ty tăng trưởng mạnh nhờ nhu cầu trong thời kỳ đại dịch. Họ sẽ tìm kiếm cơ hội ở các ngành khác.
Robert Schein - CIO của Palm Desert, thuộc Blanke Schein Wealth Management, nói rằng công ty của ông chủ yếu tập trung vào các công ty công nghệ lâu đời hơn, họ có bảng cân đối kế toán vững chắc, thay vì các startup non trẻ ít thành tích.
Schein, cũng giống nhiều nhà đầu tư khác, đang lo ngại về việc lãi suất tăng có thể tác động đến giá cổ phiếu. Nhìn chung, nhà đầu tư ít muốn chi trả cho "phần bù rủi ro" (premium) đối với cổ phiếu công nghệ khi họ có lợi nhuận vững chắc từ trái phiếu chính phủ. Ông nói thêm: " Tôi không chắc nhà đầu tư sẽ mua vào mạnh tay như trước đây nếu lãi suất tiếp tục tăng cao. "
Tham khảo WSJ