Sau 18 tháng chiến sự, Nga tái khởi động mua vàng và ngoại hối

Chia sẻ Facebook
11/08/2023 01:12:00

Nga có kế hoạch mua 1,8 tỷ rúp (19,27 triệu USD) ngoại tệ mỗi ngày từ ngày 7/8 đến ngày 6/9, với tổng số tiền mua ngoại hối là 40,5 tỷ rúp (3,78 tỷ USD).


Bộ Tài chính Nga đã tái khởi động hoạt động mua ngoại hối dự trữ và vàng vào tháng 8, sau 18 tháng chỉ bán ra hoặc “nằm im”.


Với khoảng 1/3 doanh thu ngân sách của Nga đến từ ngành công nghiệp dầu khí, nước này đã bắt đầu nối lại các hoạt động trên, vốn đã bị tạm ngừng vào cuối tháng 1/2022 và bị đình chỉ kể từ khi Tổng thống Vladimir Putin phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine một tháng sau đó.


Sau một thời gian gián đoạn kéo dài nhiều tháng, Nga đã nối lại các biện pháp can thiệp ngoại hối vào tháng 1 năm nay, bán đồng nhân dân tệ (CNY) thay vì đồng tiền phương Tây mà Moscow gọi là “không thân thiện”.


Thực chất, vì phần lớn dự trữ tiền tệ của Nga đã bị đóng băng bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ và EU, nhân dân tệ là tài sản chính mà Nga vẫn có sẵn cho các hoạt động này. Nó nhấn mạnh tầm quan trọng ngày càng tăng của đồng tiền Trung Quốc trong nỗ lực của Nga nhằm bảo vệ nền kinh tế đất nước khỏi sự biến động của thị trường hàng hóa.

Một công nhân lấy vàng ra khỏi khuôn tại một xưởng đúc ở Krasnoyarsk, Nga. Ảnh: Bloomberg


Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) đã thay mặt Bộ Tài chính Nga thực hiện các can thiệp ngoại hối này, nhưng CBR cũng đã tiếp tục các can thiệp của riêng mình vào ngày 1/8, bán ngoại tệ trị giá 2,3 tỷ rúp mỗi ngày.


Cùng với kế hoạch mua vào 1,8 tỷ rúp ngoại hối kể trên, điều đó nghĩa là Nga sẽ vẫn bán ròng số ngoại hối trị giá 0,5 tỷ rúp mỗi ngày.


Tổng cộng, CBR đã thay mặt Bộ Tài chính Nga bán lượng nhân dân tệ và vàng trị giá 559 tỷ rúp (5,98 tỷ USD) từ Quỹ Tài sản Quốc gia (NWF) cho đến nay trong năm nay.


Trong giai đoạn trước, từ ngày 7/7 đến ngày 4/8, Bộ Tài chính Nga đã bán lượng ngoại tệ trị giá 34,9 tỷ rúp để bù đắp cho doanh thu dầu khí thấp hơn.


Doanh thu năng lượng thấp hơn 32,7 tỷ rúp so với kỳ vọng trong tháng 7, nhưng dự báo doanh thu dầu khí bổ sung là 73,2 tỷ rúp trong tháng 8, Bộ này cho biết.


Giá dầu thô Urals tham chiếu của Nga đã tăng trong tháng 7 lên trên mức giá trần 60 USD/thùng mà phương Tây áp dụng từ tháng 12 năm ngoái, nhưng nó vẫn thấp hơn nhiều so với mức 78,41 USD/thùng đạt được cùng kỳ năm ngoái (tức vào tháng 7/2022).


Theo dữ liệu mới nhất, các tài sản thuộc NWF do CBR nắm giữ bao gồm 9,054 tỷ euro, 285,7 tỷ nhân dân tệ (40,2 tỷ USD), 517,1 tấn vàng và 228 triệu rúp (2,82 triệu USD). NWF neo theo nguồn thu từ dầu mỏ của Nga và được thành lập để giúp hỗ trợ hệ thống hưu trí.


“NWF có nhiệm vụ hỗ trợ hệ thống hưu trí của Liên bang Nga để đảm bảo hệ thống hoạt động tốt trong thời gian dài”, trang web của Bộ Tài chính Nga cho biết. Nhiệm vụ chính của quỹ này là “đồng tài trợ cho các khoản tiết kiệm hưu trí tự nguyện của công dân Nga và cân đối ngân sách của Quỹ hưu trí Liên bang Nga”.

Dự trữ ngoại hối của Nga đã chuyển từ USD sang vàng và nhân dân tệ trong những năm gần đây. Ảnh: Linked In


Các tài sản của NWF bằng đồng euro, bảng Anh và yên Nhật đã bị đóng băng bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ và đồng minh đối với Nga kể từ khi xung đột toàn diện ở Ukraine bùng phát.


Hồi tháng 1 năm nay, Nga đã bán 3,6 tấn vàng và 2,3 tỷ nhân dân tệ từ NWF để trang trải thâm hụt ngân sách do thu nhập từ dầu mỏ và khí đốt giảm. Điều này đánh dấu động thái đầu tiên của loại hình này.


Hai năm trước, NWF đã bỏ tất cả tài sản bằng USD và tăng cường nắm giữ vàng, euro và nhân dân tệ.


Và vào đầu năm nay, Bộ Tài chính Nga cho biết họ đã tăng gấp đôi giới hạn nắm giữ vàng và nhân dân tệ trong NWF. Giới hạn nắm giữ tối đa mới được đặt ở mức 40% đối với vàng và 60% đối với nhân dân tệ. Các giới hạn trước đây lần lượt là 20% và 30% .


Minh Đức (Theo Kitco News, Reuters)

Chia sẻ Facebook