Sát thượng đỉnh NATO, Ukraine bi quan về khả năng gia nhập

Chia sẻ Facebook
10/07/2023 16:06:02

Theo truyền thông Anh, Mỹ và Đức không sẵn sàng ủng hộ tư cách thành viên NATO của Ukraine trong khi nước này có xung đột với Nga.

Ít nhất 2 ông lớn của NATO không sẵn sàng ủng hộ Ukraine gia nhập NATO. Ảnh minh họa: Getty

Guardian (Anh) ngày 9/7 đưa tin, Ukraine ngày càng tỏ ra bi quan về một bước tiến quan trọng trong việc gia nhập NATO ngay trước thềm hội nghị thượng đỉnh của khối tại Vilnius (Lithuania) trong 2 ngày 11/7 và 12/7.

Theo hãng tin Anh, Mỹ và Đức dường như không sẵn sàng ủng hộ Ukraine gia nhập NATO khi cuộc xung đột ở nước này vẫn chưa chấm dứt.

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 8/7 nói trên CNN rằng Ukraine "chưa sẵn sàng" để gia nhập NATO. "Để gia nhập NATO, một quốc gia cần có thời gian để đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn - từ dân chủ hóa đến một loạt các vấn đề khác", ông Biden nói và cho biết thêm rằng, NATO cần "vạch ra một lộ trình hợp lý" để kết nạp một thành viên mới.

Theo Telegraph, Đức được cho là sẽ trì hoãn việc Ukraine gia nhập NATO vì lo ngại động thái này có thể khiến khối bị kéo vào cuộc chiến với Nga.

"Berlin không hào hứng trước triển vọng Ukraine gia nhập NATO ngay lập tức", Telegraph dẫn nguồn thạo tin cho hay.

Điều này khiến những người thân cận với Tổng thống Ukraine Zelensky không kỳ vọng nhiều về việc có một tiến trình cụ thể để trở thành thành viên của khối quân sự này.

Ông Dmytro Kuleba, Ngoại trưởng Ukraine, cuối tuần qua thừa nhận rằng "điều còn thiếu" ở đây là một "lời mời rõ ràng để Ukraine gia nhập NATO". Nó như là một quyết định để giúp Ukraine trở thành thành viên của khối nhanh hơn. Ông Kuleba đề xuất rằng, hội nghị thượng đỉnh ở Vilnius sẽ là "thời điểm quan trọng" để thúc đẩy việc này.

Kiev tin rằng, tư cách thành viên NATO - mang theo triển vọng phòng thủ của chiếc ô hạt nhân phương Tây - là sự đảm bảo thực tế lâu dài duy nhất cho an ninh của Ukraine.

Dù Ukraine bi quan về việc gia nhập NATO, Kiev vẫn được cho là sẽ nhận được một lời đề nghị "đảm bảo an ninh" vào phút chót tại hội nghị thượng đỉnh NATO sắp tới. Lời "đảm bảo an ninh" này là một sự đảm bảo từ các ông lớn như Mỹ, Anh, Pháp và Đức rằng việc viện trợ và đào tạo quân sự sẽ tiếp tục kéo dài.

Nếu điều này thành hiện thực, Ukraine sẽ đi theo con đường phát triển của "chiến lược con nhím". Kiev sẽ được quân sự hóa cao độ giống Israel.

Ngày 8/7, ông Biden tuyên bố Mỹ “sẵn sàng” cung cấp cho Ukraine đảm bảo an ninh “kiểu Israel”. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ nói thêm rằng điều kiện để Mỹ đưa ra cam kết này là một lệnh ngừng bắn và thỏa thuận hòa bình giữa Nga và Ukraine. Tới nay, Ukraine vẫn phản đối kịch bản “đóng băng xung đột” hay ngừng bắn với Nga.


Nguyễn Thái - Guardian

Chia sẻ Facebook