'Sát nhân giấu mặt' ẩn trong những thùng container
Rất nhiều hóa chất độc hại có thể gây tử vong ngay lập tức, hoặc có tác động mãn tính đã được các nhà khoa học tìm thấy bên trong các thùng container chứa hàng hóa.
Họ không hề biết thùng vận chuyển chứa đầy khí độc.
Nhưng chỉ một lúc sau khi mở nó ra, hai công nhân bắt đầu cảm nhận được. Một người đàn ông bất tỉnh, co giật do động kinh. Người kia cảm thấy rát cổ họng và bắt đầu chảy nước miếng một cách không kiểm soát được.
Các giấy tờ hàng hóa đi kèm container cho biết nó chứa đồ thủy tinh và gốm sứ. Các công nhân không có lý do gì để nghi ngờ rằng họ đang gặp nguy hiểm. Nhưng mà chuyện tệ nhất đã xảy ra. Đội cứu thương may mắn đã đến hỗ trợ kịp thời. Khi tới hiện trường, những người ứng cứu đầu tiên thấy người đàn ông lên cơn co giật nên đã nhanh chóng gây mê và đặt nội khí quản cho cả hai công nhân. Trên xe cấp cứu trên đường đến bệnh viện, các nhân viên y tế cũng bắt đầu cảm thấy khó chịu: đau họng, ngứa mắt và tăng tiết nước bọt.
Sự cố đáng sợ và ít người biết nói trên xảy ra vào năm 2006 tại một khu cảng ở Rotterdam, Hà Lan. Rất may, tất cả những người có liên quan đều sống sót. Khí độc đã tấn công họ là metyl bromua, một loại khí không mùi và không màu. Liều cấp tính của methyl bromide có thể gây tử vong, và việc tiếp xúc mãn tính hay cấp tính đều có liên quan đến nguy cơ tăng cao ung thư tuyến tiền liệt.
Trong nhiều năm kể từ ngày xảy ra vụ tai nạn, các nhà nghiên cứu đã không ngừng tìm hiểu về các hóa chất độc hại đôi khi ẩn náu bên trong các thùng vận chuyển kín.
Ruth Hinz, một ứng viên tiến sĩ tại Đại học Massey ở New Zealand, đã dẫn đầu một nghiên cứu gần đây về danh mục các hóa chất độc hại trong không khí bên trong các mẫu container được vận chuyển đến New Zealand. Công việc của Hinz cũng tương tự như một nghiên cứu gần đây được thực hiện ở Thụy Điển, cho thấy rằng cứ 8 container đến nước này thì có khoảng một container chứa hàm lượng hóa chất nguy hiểm trong không khí. Và khi các công nhân tại cảng mở một thùng chứa, họ có rất ít cách để biết điều gì đang chờ đợi mình.
“Nó có thể là một loại cocktail chứa hỗn hợp nhiều hóa chất trong thùng chứa" , Hinz nói. "Bạn sẽ không biết trước cái nào sẽ ở trong đó."
Một số hóa chất độc hại được bơm vào các thùng chứa hàng hóa nhằm mục đích tẩy trùng. Methyl bromide là một ví dụ, mặc dù việc sử dụng nó hiện đã được quy định chặt hoặc bị cấm ở nhiều quốc gia. Nhưng thách thức bổ sung đối với những người công nhân tại cảng là sự hiện diện của các loại khí nguy hiểm khác có thể hoàn toàn nằm ngoài dự đoán. Như ở Rotterdam, việc thiếu nhãn mác cảnh báo cũng có thể che dấu mối nguy hiểm.
Trước khi gửi container lên đường, công nhân tại cảng xuất đi đôi khi phun khử trùng các thùng hàng bằng thuốc trừ sâu, đặc biệt nếu đó là thùng chứa thực phẩm, thức ăn gia súc hoặc gỗ. Những hóa chất này, chẳng hạn như methyl bromide, ethylene oxide và phosphine, có thể gây ra nhiều triệu chứng cho người tiếp túc, bao gồm buồn nôn, kích ứng da, co giật và thậm chí tử vong.
Một số hàng hóa thậm chí có thể tạo ra các chất hóa học độc hại. Ví dụ, bao bì sản phẩm có thể chứa toluen, trong khi chất dẻo có thể phát ra benzen. Và những loại hóa chất này có thể làm hỏng tủy xương và gây thiếu máu nếu tiếp xúc trong thời gian dài.
Và có thể có các chất từ hàng hóa trước đó còn sót lại bên trong, lót bên trong thùng hàng. Những người công nhân có thể không nhận ra rằng những chất độc hại như vậy đang chờ đợi họ trong một thùng hàng mới được chuyển đến.
Đối với nghiên cứu của mình, Hinz và các đồng nghiệp của cô đã sử dụng dữ liệu do cơ quan hải quan New Zealand thu thập. Các nhân viên đã sử dụng các thiết bị thăm dò, thứ mà họ có thể đẩy qua các miếng đệm cao su của cửa thùng chứa, để thu thập các mẫu khí từ 490 thùng kín. Hinz cũng tự mình thu thập các mẫu không khí từ hàng chục thùng container khác, theo dõi nồng độ của các hợp chất thay đổi như thế nào trong thời gian thực khi chúng được mở ra và không khí bên trong được trộn lẫn với không khí trong lành bên ngoài.
Cuộc điều tra cho thấy rất nhiều vấn đề nguy cấp. Các nhân viên của cơ quan hải quan đã tìm thấy methyl bromide, hợp chất đã gây choáng và bất tỉnh cho các công nhân ở cảng Rotterdam, trong 3,5% các thùng kín. Họ tìm thấy formaldehyde trong 81% các thùng chứa, và ethylene oxide trong 4,7%, cùng nhiều hóa chất khác. Tiếp xúc với ethylene oxide có thể gây ra các triệu chứng khó chịu khác nhau, bao gồm buồn nôn, nôn mửa và tiêu chảy. Còn Formaldehyde, một chất bảo quản, là chất gây ung thư và cũng có thể gây kích ứng đường hô hấp khi hít phải, cùng nhiều triệu chứng khác.
Trong nghiên cứu của mình, Hinz và các đồng nghiệp của cô phát hiện ra rằng một số nồng độ đo được có vẻ đủ cao để gây ra phản ứng cấp tính và triệu chứng tức thì. Tuy nhiên, Hinz nói rằng, trên thực tế, việc một công nhân tiếp xúc trực tiếp với khí độc ở mức độ cao như vậy khá hiếm gặp và chỉ là điều bất thường. Nhưng thay vào đó, có một nguy cơ phổ biến hơn nhưng vẫn đáng chú ý là tiếp xúc lặp đi lặp lại với nồng độ thấp. Ví dụ, tiếp xúc lâu dài với các hóa chất này có thể làm tăng nguy cơ ung thư hoặc gây ra các vấn đề tâm thần. Tuy nhiên, hiện có rất ít nghiên cứu về rủi ro của các hóa chất bên trong các thùng chứa hàng hóa.
“Tôi chắc chắn cho rằng điều này cần được chú ý, thậm chí cần chú ý hơn nhiều so với những gì cần phải có",
Gunnar Johanson, một nhà nghiên cứu chất độc tại Viện Karolinska, Thụy Điển, người đóng vai trò là người bình duyệt cho nghiên cứu của Hinz, đồng ý với đánh giá của cô.
“Chúng tôi không biết chính xác rủi ro lớn đến mức nào, nhưng đó là rủi ro không cần thiết vì bạn có thể dễ dàng giải quyết nó. Tất cả những gì cần làm là một hệ thống thông gió tốt hơn",
Một vài năm trước, Johanson và các đồng nghiệp của ông đã được gọi đến để kiểm tra một thùng hàng đáng ngờ ở Thụy Điển. Nó được chất đầy gạo, nhưng cũng chứa một túi màu xanh kỳ lạ chứa đầy bột trắng. Khi Johanson phân tích mẫu không khí, ông tìm thấy phosphine, một loại thuốc khử trùng, ở nồng độ đủ cao để gây tử vong.
Để bảo vệ các công nhân ở cảng, Johanson và các đồng nghiệp của ông đã thiết kế một thiết bị kết nối với quạt hút và gắn vào các lỗ thông gió, thứ hiện có trên các mặt của hầu hết các thùng container. Các thí nghiệm cho thấy rằng một khi thiết bị được bật, nồng độ của các khí độc hại sẽ giảm xuống trong vòng vài phút.
“Chúng tôi có thể giảm khoảng 90% lượng chất gây ô nhiễm bay hơi trong một giờ", ông cho biết thêm, và phương tiện này hiện đang được sử dụng bởi cơ quan hải quan Thụy Điển.
Martin Cobbald, giám đốc điều hành của Dealey Environmental, một công ty dịch vụ môi trường ở Vương quốc Anh, cũng cho rằng cần có nhận thức cao hơn trong ngành vận tải và hậu cần về những nguy hiểm liên quan đến việc tiếp xúc với khí độc hại trong các container vận chuyển.
Công ty của ông thường xuyên ký hợp đồng để mở và thông gió cho các thùng chứa, nhưng ông nói rằng: “Chúng tôi không làm điều đó đủ nhiều và cho nhiều người mà đáng ra chúng tôi nên làm”.
Tham khảo Hakaimagazine