Sắp chốt 'quay xe' với dầu thô của Nga, liệu EU có 'gánh' được giá năng lượng tăng cao?

Chia sẻ Facebook
03/05/2022 19:15:30

Liên minh châu Âu sẽ ban hành lệnh trừng phạt "chưa từng có" đối với dầu Nga trong tuần này khi các bộ trưởng năng lượng của EU nhóm họp vào thứ 4 (4/5). Thậm chí, các nước châu Âu còn đang lên kế hoạch tiếp theo cho khí đốt.

Ủy ban châu Âu dự kiến sẽ ban hành gói trừng phạt thứ 6 trong tuần này để đáp trả Nga vì cuộc chiến tại Ukraine. Gói trừng phạt sẽ bao gồm lệnh cấm vận mua dầu của Nga, một biện pháp được cho là khiến Nga mất đi một nguồn thu lớn. Tuy nhiên, cho đến nay, các quốc gia châu Âu vẫn bị chia rẽ với đề xuất này.

Nga cung cấp 40% lượng khí đốt và 26% lượng dầu nhập khẩu của EU. Vì vậy, để 27 thành viên trong khối thống nhất đối với lệnh trừng phạt này, Ủy ban châu Âu có thể sẽ cho Hungary và Slovakia quyền miễn trừ hoặc có thời gian chuyển tiếp lâu hơn, cắt giảm theo từng giai đoạn cho đến cuối năm nay.

Giá dầu dao động liên tục do chính sách đóng cửa của Trung Quốc và khả năng EU cấm vận dầu Nga.

Cả Hungary và Slovakia đều phụ thuộc lớn vào dầu thô của Nga. Hungary thậm chí còn cho biết sẽ phản đối các biện pháp trừng phạt đối với lĩnh vực năng lượng. Tuy nhiên, sự phản đối từ các quốc gia khác đang giảm dần trước cuộc họp diễn ra vào thứ 4 tới đây.

Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cũng cho biết mặc dù lệnh cấm vận dầu của Nga có thể gây ra tình trạng thiếu hụt song Đức có thể vượt qua được. "Chúng tôi đã cố gắng đạt được tình trạng mà Đức có thể chịu được lệnh cấm dầu mỏ. Điều đó có nghĩa là lệnh cấm sẽ không gây ra hậu quả", ông nói.

Thậm chí, Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner còn cho rằng nền kinh tế Đức có thể chịu đựng được lệnh cấm ngay lập tức. "Với than và dầu, Đức có thể loại bỏ nhập khẩu từ Nga ngay lúc này, nhưng không loại trừ khả năng giá năng lượng sẽ tăng cao", ông cho biết.

Tháng trước, Đức đã cắt giảm thị phần nhập khẩu dầu của Nga xuống còn 25% tổng lượng nhập khẩu so với mức 35% trước khi cuộc chiến nổ ra.

Tuy vậy, ông Habeck cũng thừa nhận thách thức chính đối với Đức là tìm kiếm nguồn cung thay thế cho nhà máy lọc dầu ở Schwedt, do Rosneft của Nga điều hành, chuyên cung cấp cho các khu vực phía đông Đức và Berlin. Theo ông, những khu vực này có thể đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung khi EU thực thi lệnh cấm vận mà Đức chưa đảm bảo được nguồn dầu nhập khẩu thay thế vào cuối năm nay.

Bộ trưởng Khí hậu và Năng lượng Áo Leonore Gewessler cũng cho biết nước này sẽ đồng ý với lệnh trừng phạt dầu của Nga nếu các nước khác đều nhất trí.

Về phần Ba Lan, nước này muốn EU đưa ra một thời điểm cụ thể về việc các nước thành viên phải ngừng nhập khẩu dầu mỏ Nga, đồng thời bày tỏ hy vọng lệnh cấm vận có thể có hiệu lực trước cuối năm nay.

Bộ trưởng Khí hậu Ba Lan Anna Moskwa nói hôm 2/5: "Chúng tôi muốn gói trừng phạt này bao gồm ngày tháng năm và yêu cầu cụ thể, rõ ràng đối với tất cả các nước thành viên để trở thành một gói trừng phạt hoàn chỉnh không có bất kỳ kẽ hở nào".

Ba Lan, cũng như Bulgaria, đã chứng kiến nguồn cung cấp khí đốt từ Nga ngừng hoạt động do họ từ chối thanh toán bằng đồng rúp.

Theo Trung tâm nghiên cứu năng lượng và khí sạch, kể từ khi cuộc chiến nổ ra ở Ukraine, các nước EU đã chi hơn 46 tỷ euro (47,43 tỷ USD) để mua dầu và khí đốt của Nga.

Các nhà phân tích cho rằng, việc cắt nguồn khí đốt của Nga ngay lập tức có thể đẩy các nước, trong đó có Đức, vào suy thoái và các nhà máy có thể phải đóng cửa khẩn cấp để đối phó với tình trạng thiếu hụt.

Trong cuộc họp trù bị diễn ra hôm qua (2/5) trước khi đi vào cuộc họp chính thức vào thứ 4, các bộ trưởng năng lượng EU cho biết sẽ cố gắng đưa ra một phản ứng chung trước yêu cầu thanh toán khí đốt bằng đồng rúp của Nga, đặc biệt sau khi Nga cắt nguồn cung đối với Bulgaria và Ba Lan vào cuối tuần trước khi hai nước này từ chối thanh toán theo phương thức trên.

Các bộ trưởng cũng sẽ đánh giá tiến độ của các cuộc đàm phán để đưa ra ràng buộc pháp lý yêu cầu các nước EU lấp đầy 80% kho dự trữ khí đốt của họ vào mùa đông năm nay.

Chia sẻ Facebook