Sập cầu ở Ấn Độ: Số người thiệt mạng lên đến con số 120

Chia sẻ Facebook
01/11/2022 06:09:14

Ngày 31/10, cảnh sát Ấn Độ thông báo, ít nhất 120 người đã thiệt mạng sau khi một cây cầu đi bộ từ thời thuộc địa bị sập, khiến hàng loạt người bị rơi xuống dòng sông bên dưới.


Các nhà chức trách cho biết, tối Chủ nhật (30/10), các dây cáp giữ cầu đã bị đứt khi gần 500 người bao gồm phụ nữ và trẻ em đang tổ chức một lễ hội tôn giáo trên và xung quanh cây cầu treo gần 150 tuổi này ở thành phố Morbi, miền Tây Ấn Độ.


Điều này đã làm cây cầu với cấu trúc yếu ớt ở bang Gujarat đổ sập xuống sông, khiến hàng loạt người rơi xuống nước, trong khi những người khác cố gắng bám vào vật liệu hư nát một cách tuyệt vọng.


Phát biểu với đài AFP qua điện thoại từ hiện trường, ông P Dekavadiya, lãnh đạo cảnh sát ở thành phố Morbi, cho hay: “Cho đến nay, chúng tôi đã vớt được 120 thi thể. Con số này có thể sẽ tăng lên khi hoạt động tìm kiếm tiếp tục.


Ông còn nói thêm, hơn 130 người đã được giải cứu.


Cây cầu này bắc qua sông Machchhu cách thành phố chính Ahmedabad thuộc bang Gujarat khoảng 200km về phía tây, chỉ mới mở cửa lại vài ngày trước đó sau nhiều tháng sửa chữa.


Một nhân chứng kể với giới báo chí địa phương: “Mọi người đổ lên đầu nhau sau khi cây cầu sập. Mọi người đã đổ xô đến cây cầu để tham gia các lễ nghi trong lễ hội Diwali. Nhiều trẻ em và phụ nữ nằm trong số các nạn nhân.”


Nhiều bản tin đăng các video, chưa được cơ quan độc lập nào xác minh, cho thấy nhiều người đang treo mình trên những gì còn lại của cây cầu hoặc cố gắng bơi đến nơi an toàn trong đêm tối.


Các bản tin cho biết, cây cầu treo này, dài 233m và rộng 1,5m, được làm bằng vật liệu vận chuyển đến từ Anh và đã được chính quyền thực dân Anh khánh thành vào năm 1880.


Đài truyền hình NDTV đưa tin, cây cầu này đã mở cửa lại vào thứ Tư (26/10) sau 7 tháng sửa chữa, mặc dù chưa có chứng chỉ an toàn. Đoạn video hôm thứ Bảy (29/10) cho thấy cây cầu lắc lư dữ dội.


Các nhà chức trách đã nhanh chóng triển khai một chiến dịch cứu hộ sau khi cây cầu bị sập. Các thuyền và thợ lặn đã được triển khai để tìm kiếm những người mất tích vào đêm muộn.


Hàng chục binh sĩ thuộc Lục quân và Hải quân Ấn Độ cũng được kêu gọi tham gia chiến dịch cứu hộ.


Các nhà chức trách đang lên kế hoạch ngừng cung cấp nước cho dòng sông từ con đập chống lũ gần đó và sử dụng các máy bơm để thoát nước sông nhằm tăng tốc chiến dịch tìm kiếm.


Vào thời điểm đó, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đang có chuyến công du tại bang Gujarat, quê hương của ông, đã tuyên bố sẽ bồi thường cho những người thiệt mạng và bị thương trong vụ tai nạn.


Trên Twitter, văn phòng của ông lưu ý, Thủ tướng Modi “đã tìm cách huy động khẩn cấp các đội để thực hiện [chiến dịch] cứu hộ.”


“Ông ấy [Thủ tướng Modi] đã yêu cầu, tình hình phải được theo dõi chặt chẽ và liên tục, và [các nhà chức trách] phải mở rộng tất cả các biện pháp trợ giúp có thể đối với những người bị ảnh hưởng.”


Trên trang web chính thức của mình, chính quyền bang Gujarat mô tả cây cầu này là “một kỳ quan kỹ thuật được xây dựng vào thời điểm chuyển giao thế kỷ.”


Tai nạn xảy ra tại các cơ sở hạ tầng cũ và được bảo trì kém, bao gồm các cây cầu, đã trở nên phổ biến ở Ấn Độ.


Trước đó vào năm 2016, vụ sập một cây cầu vượt trên một con phố đông đúc tại thành phố Kolkata ở phía đông Ấn Độ đã làm thiệt mạng ít nhất 26 người


Vào năm 2011, ít nhất 32 người đã thiệt mạng khi một cây cầu gần thị trấn miền núi Darjeeling ở phía đông bắc Ấn Độ bị sập. Lúc đó, cây cầu đang chật kín người tham gia một lễ hội.


Chưa đầy một tuần sau đó, khoảng 30 người đã thiệt mạng khi một cây cầu đi bộ bắc qua một con sông tại  bang Arunachal Pradesh ở phía đông bắc Ấn Độ bị sập.


Vào năm 2006, ít nhất 34 người đã thiệt mạng khi cây cầu 150 tuổi đổ sập lên một tàu hỏa chở khách trong nhà ga ở bang Bihar, phía đông Ấn Độ.


Gia Huy (Theo Reuters)

Ít nhất 70 người thiệt mạng trong vụ sập cây cầu dây ở Ấn Độ Ít nhất 70 người đã thiệt mạng khi một cây cầu treo bắc qua sông tại miền tây Ấn Độ bị sập khiến hàng trăm người rơi xuống nước.

Chia sẻ Facebook