Sáng tạo nội dung kiếm sống từ tiền ảo

Chia sẻ Facebook
02/06/2022 14:26:52

Cơ chế để người xem livestream bày tỏ ủng hộ vật chất với nhà sáng tạo nội dung cũng có những góc khuất. Sau khi đánh giá hàng trăm buổi phát livestream trên TikTok gần đây, Forbes nhận thấy ở phần bình luận, luôn có không ít người xem thúc giục các cô gái trẻ thực hiện những hành vi tương tự hoạt động khiêu dâm trẻ em - như yêu cầu các bé gái hôn nhau, dang rộng chân hoặc nháy mắt trước máy ảnh - và treo thưởng bằng những món quà ảo của TikTok.

Tiền tip (boa) hay quà tặng, vật phẩm ảo từ người xem đang là một nguồn thu nhập ổn định của những nhà sáng tạo nội dung trên các nền tảng livestream, so với việc chờ chia sẻ lợi nhuận từ quảng cáo như trước đây.

Theo một bài viết trên mạng Medium, châu Á, nơi ước tính có khoảng 736 triệu người sử dụng các ứng dụng phát trực tiếp, chính là điểm nóng của loại hình này. Ở Mỹ, số lượng người xem video phát trực tiếp năm 2019 đạt 126,7 triệu, theo trang thống kê Statista. Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, con số này ước tính đã nhảy lên mức hơn 150 triệu người cuối năm 2020, dự kiến tăng đến khoảng 164,6 triệu người vào năm 2024.


Từ khi COVID-19 hoành hành ở Mỹ, Cherry Horne bắt đầu nghiện xem các buổi livestream trên Twitch, nền tảng chủ yếu dành cho game thủ và rồi có thói quen tip cho các streamer ở đó.

Sự phát triển của văn hóa livestream đã hình thành một cộng đồng ảo hội tụ những người dùng như Horne. Ngoài việc trả tiền đăng ký hằng tháng để truy cập nội dung độc quyền, họ sẵn sàng trả thêm tiền tip sau khi tận hưởng thành quả lao động của những người sáng tạo nội dung đến từ nhiều nền tảng như Facebook, YouTube, TikTok, Twitch và Instagram.

Cơ chế chung của hình thức "tri ân bằng vật chất" này như sau: người xem/người hâm mộ dùng tiền thật đổi sang tiền ảo hoặc mua quà ảo (hoa hồng, bia, vật phẩm…) rồi tặng cho chủ livestream mà họ yêu thích. Người sáng tạo nội dung sẽ tích lũy số tiền và tặng phẩm này rồi đổi lại thành tiền mặt để chi tiêu trong đời thực. Kênh trung gian, mức tích lũy để được "rút tiền", tỉ lệ quy đổi... tùy vào từng nền tảng.

Hành động tặng quà ảo này cũng giống như việc bỏ tiền vào nón hoặc hộp đàn guitar của một nghệ sĩ đường phố nhằm thể hiện sự ủng hộ từ người hâm mộ và người xem. Đổi lại, đôi khi người dùng mạng xã hội sẽ nhận được những lời cảm ơn đích danh hoặc sự quan tâm đặc biệt từ "thần tượng", hoặc được nhắc đến tên ngay trong buổi livestream.

Horne nói với trang Vox, cô tặng tiền cho streamer như một cách tri ân những nỗ lực của họ, đặc biệt là để khuyến khích những người sáng tạo nội dung "chân ướt chân ráo" mới vào nghề. "Tôi nghĩ tiền boa, dù ít hay nhiều, đều rất quan trọng đối với tất cả người sáng tạo.

Tiền boa tạo ra những thay đổi cuộc sống khác biệt cho những người sáng tạo nhỏ. Số tiền boa 100 USD có thể chả đáng bao nhiêu đối với những người sáng tạo có hàng nghìn người hâm mộ, nhưng đối với những người ít nổi hơn, số tiền đó đủ để đi chợ cả một tuần" - cô nói. Bản thân Horne cũng là "nhà sáng tạo nội dung" trên nền tảng nội dung người lớn Onlyfans. Những lời này có lẽ cũng là tiếng lòng của cô.

Mặc dù đại dịch khiến thu nhập của mọi người trở nên bấp bênh hơn, loại hình hỗ trợ nội dung sáng tạo trực tuyến này vẫn tiếp tục nở rộ. Theo Hugo Amsellem, nhà nghiên cứu và người sáng lập trang web về nền kinh tế sáng tạo Arm the Creators, đại dịch khiến nhiều người bị mắc kẹt ở nhà và ít chi tiêu cho việc đi chơi, tụ tập ăn uống.

Tiền tip, tặng phẩm ảo cho người sáng tạo, những người cũng được xem như bạn bè online của người dùng mạng xã hội, là một trong những cách để người hâm mộ giải phóng sức mua, Amsellem nhận định.


Vox nhận định, cả những nền tảng cũ và mới nổi dường như đều khuyến khích sự phát triển của loại hình tiền boa ảo và các phương pháp kiếm tiền thay thế, ngoài kênh chia sẻ lợi nhuận quảng cáo như trước đây.

Tháng 12 năm ngoái, Facebook phát động sự kiện "Lễ hội Ngôi sao" để thúc đẩy người dùng vung tiền boa cho những người sáng tạo nội dung qua tính năng Facebook Stars của mạng xã hội này.


Ngôi sao (star) về cơ bản là một loại tiền ảo mà người dùng Facebook có thể mua theo nhiều gói sản phẩm khác nhau, dùng để tặng cho người sáng tạo trong mỗi lần livestream. Các nền tảng khác cũng có những tính năng "chạy" bằng những "đồng tiền" tương ứng, như: Points trên TikTok, Super Chats và Super Stickers trên YouTube, hay Bits trên Twitch.


Về phía người sáng tạo nội dung, Brooke Erin Duffy, giáo sư khoa truyền thông của Đại học Cornell (New York, Mỹ), cho biết sự phát triển của tiền ảo và các hình thức tự kiếm tiền thay thế khác là phương tiện để người sáng tạo nội dung "giành lại chút quyền lực từ tay các nền tảng".

Duffy mới hoàn thành một nghiên cứu khảo sát những người sáng tạo và những người có ảnh hưởng trên TikTok, Instagram và YouTube; cô nhận thấy việc thu nhập không ổn định là mối lo của hầu hết những người được khảo sát.

"Đặc biệt trong trường hợp thuật toán thay đổi, nguồn thu nhập của họ có thể bị sụt giảm nghiêm trọng. Nhưng với hệ thống tiền boa này, bất kể nền tảng có trả tiền cho người sáng tạo hay không, họ vẫn kết nối trực tiếp được với khán giả và đa dạng hóa nguồn thu nhập của mình" - Duffy nói với Vox.

Mặc dù người sáng tạo không thể dựa hoàn toàn vào tiền boa hay quà ảo để kiếm sống, nhưng những khoản thu nhập nhỏ này có thể là nền móng giúp họ phát triển một nghề nghiệp toàn thời gian khác ngoài sáng tạo nội dung.

Đối với trường hợp của Sarah, một người sáng tạo nội dung trên Twitch dưới tên Sizzsarz, tiền boa ảo từng là nguồn thu nhập duy nhất của cô khi mới vào nghề hồi năm 2014. Giờ đây, tiền do fan tặng chiếm khoảng 30% tổng thu nhập của Sarah khi cô đã nổi tiếng hơn trước.

Nhiều người xem còn dùng nhiều từ ngữ tinh vi để che đậy những yêu cầu khiêu dâm, chẳng hạn: "kiểm tra trang phục" để ngắm toàn bộ cơ thể của một cô gái, "kiểm tra móng chân" để xem chân hay "có con nhện trên tường kìa" để cô gái xoay người lại và lộ phần thân dưới. Những "giao dịch" như vậy diễn ra nhan nhản trên TikTok - một nền tảng trực tuyến công khai mà người xem ở hầu hết mọi nơi trên hành tinh đều có thể tiếp cận.

Leah Plunkett (Trường Luật Harvard) nhận xét: "Không gian này tương tự một câu lạc bộ thoát y chỉ toàn thiếu nữ 15 tuổi được trang bị phương tiện truyền thông.

Hãy tưởng tượng một doanh nghiệp địa phương đưa một nhóm trẻ vị thành niên lên sân khấu trước một khán giả người lớn, mặt đối mặt, tích cực cho các em tiền để thực hiện bất kỳ hoạt động nào mà họ yêu cầu, kể cả những hành động không phù hợp với lứa tuổi. Đó là sự bóc lột tình dục. Nhưng đó chính xác là những gì TikTok đang làm ở đây".

Trả lời Forbes về vấn đề này, người phát ngôn của TikTok khẳng định công ty có các chính sách và biện pháp mạnh mẽ để bảo vệ sự an toàn và hạnh phúc của thanh thiếu niên, bao gồm việc đặt tài khoản dưới 16 tuổi ở chế độ riêng tư theo mặc định và hạn chế cho phép các em sử dụng tin nhắn trực tiếp. "Nếu nhận thấy tài khoản không đáp ứng yêu cầu về tuổi tác, chúng tôi ngay lập tức khóa các tính năng không phù hợp" - vị này cho biết.

Công ty trả lời thêm qua email rằng họ cũng xóa nội dung liên quan đến tình dục và có chính sách không khoan nhượng đối với nội dung lạm dụng tình dục trẻ em. Một số tài khoản tổ chức các buổi phát trực tiếp có nội dung khiêu dâm mà Forbes ghi nhận đã không còn hoạt động vài tuần sau đó.

Nền kinh tế cho tặng quà thần tượng livestream ở Trung Quốc cực kỳ sôi động, với đủ sắc thái và chiêu trò, đến mức cơ quan chức năng phải siết chặt quản lý để làm trong sạch môi trường mạng, nhất là đối với trẻ vị thành niên.

Năm 2020, dịch COVID-19 bùng phát khiến thị trường livestream ở Trung Quốc cũng bùng nổ theo, doanh thu thị trường này đạt 1.288,1 tỉ tệ, tăng 4.700% so với năm 2017 (26,8 tỉ tệ).

Trong 6 tháng đầu năm 2020, Trung Quốc có hơn 50.000 lượt livestream với 260 triệu lượt người xem mỗi ngày, theo số liệu từ Bộ Thương mại nước này do people.com.cn dẫn lại. Theo báo cáo năm 2021 của Công ty phân tích thị trường iMedia Research, số tài khoản livestream ở Trung Quốc đã lên đến 635 triệu.

Năm 2022 được dự báo quy mô thị trường livestream sẽ tăng lên 1.507,3 tỉ tệ, tạp chí Pháp Nhân (trực thuộc tờ Pháp Chế Nhật Báo) trích số liệu từ nghiên cứu của Viện nghiên cứu các ngành nghề thương mại Trung Quốc.


Ngày 7-5, 4 cơ quan gồm Văn phòng Ủy ban chỉ đạo xây dựng văn minh tinh thần trung ương, Bộ Văn hóa và du lịch, Tổng cục Phát thanh truyền hình quốc gia, Văn phòng Không gian mạng quốc gia của Trung Quốc cùng ban hành quy định "chấn chỉnh việc tặng thưởng/tiền tip trong nền tảng livestream nhằm tăng cường bảo vệ trẻ vị thành niên".

Quy định mới yêu cầu người dùng phải đăng ký bằng tên thật, cấm các ứng dụng cung cấp dịch vụ nạp tiền, mua quà, tặng tiền tip cho trẻ vị thành niên. Không được cấp tài khoản cho người phát trực tuyến (streamer) chưa đủ 16 tuổi, người 16-18 tuổi muốn làm streamer phải được sự đồng ý của người giám hộ.

Trong vòng 1 tháng sau khi quy định có hiệu lực, các nền tảng số phải xóa hết các bảng xếp hạng liên quan đến tiền thưởng. Đồng thời tăng cường quản lý trong thời gian cao điểm từ 20-22h, không cho người dùng vị thành niên đăng nhập sau 22h mỗi ngày, đảm bảo trẻ có thời gian nghỉ ngơi tốt nhất.

Trong giờ cao điểm, mỗi kênh livestream không được thách đấu với các kênh khác nhiều hơn 2 lần; không được tổ chức trò chơi thách đấu xử phạt giữa các kênh livestream. Khuyến khích các trường học tăng cường giáo dục về hành vi chuẩn mực ý thức đạo đức trên môi trường mạng, bảo vệ an toàn tài sản cá nhân, xây dựng kỹ năng sử dụng mạng Internet…


Livestream không chỉ là loại hình kinh doanh mới thúc đẩy kinh tế phát triển mà đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người dân Trung Quốc.

Sức hút của một thị trường quá rộng lớn, sự tăng trưởng chóng mặt khiến các kênh livestream chạy theo lợi nhuận mù quáng, hoạt động bát nháo, xuất hiện nội dung bạo lực, dung tục, ô nhiễm môi trường sinh thái của mạng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự phát triển lành mạnh của nền tảng livestream.

Người livestream đông, doanh nghiệp chuyên sản xuất kênh livestream cũng đến hàng vạn. Để thu hút người hâm mộ, một số người đã dùng đủ mọi chiêu trò. Để thu hút thanh thiếu niên, không khó tìm thấy cảnh livestream của trẻ mặt còn búng ra sữa, trang điểm lòe loẹt đứng trước ống kính giới thiệu cách làm đẹp, và những nội dung đó mau chóng lan truyền trong trường học.

Cô Lương, giáo viên lớp 4 một trường tiểu học ở Bắc Kinh, kể một học sinh tên Tiểu Đào từng hỏi cô có biết màu đỏ chánh cung là gì không; cô không trả lời được, thế là cả lớp cười vang, em Đào hí hửng giải thích: "Màu đỏ chánh cung là màu son môi đó cô. Em xem livestream một sao nhí đang dùng".

Cô giáo kinh ngạc vì tất cả các học sinh đều biết câu trả lời. Khi tìm hiểu, cô mới biết các em đều xem livestream khi ở nhà, các em đều biết hôm nay ai livestream bán quần áo, ngày mai ai bán mỹ phẩm. Cha mẹ em Đào thừa nhận vì ít có thời gian bên con, Đào hay đòi mua hàng trên livestream, và họ đã xem nhẹ mức độ nguy hại của các kênh livestream.

Ngay từ năm 2018, một điều tra của Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Trung Quốc cho thấy 20% thanh thiếu niên thường xuyên xem livestream, 10% một ngày xem mấy lần.

Báo cáo của iMedia Research năm 2021 cho thấy tài khoản xem livestream chủ yếu là thanh niên; 46,1% xem 4-5 lần/tuần, 60% theo dõi livestream bình quân từ 30 phút - 1 giờ. Thanh thiếu niên là đối tượng ưa thích xem livestream, nên hành vi lời nói hay tâm lý đều chịu ảnh hưởng nặng từ nội dung livestream.


Viên Kỷ, ủy viên thường trực Hội Nghiên cứu phòng chống tội phạm trẻ em Bắc Kinh, chia sẻ trên tạp chí Pháp Nhân rằng trẻ em là đối tượng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi những nội dung livestream độc hại.


Trình độ nhận thức trẻ còn đang trong giai đoạn phát triển, các em vẫn còn non nớt, chưa nhận thức được hết những rủi ro, nguy hại của môi trường mạng. Những nội dung bạo lực, dung tục sẽ dễ dàng ảnh hưởng đến quá trình trưởng thành của các em.


Dễ kiếm tiền, yêu cầu thấp, không chỉ những cô gái trẻ thích nổi tiếng, mà ngay cả những phụ nữ, bà mẹ trẻ có nhu cầu kiếm tiền đều có thể trở thành một streamer. Mùa hè năm 2021, Lý Lam (31 tuổi) tình cờ gia nhập thị trường livestream khi kết hôn được một năm rưỡi.


Cô bật livestream của ứng dụng Douyin, nhìn vào ống kính phàn nàn mấy câu, thế mà chỉ trong vòng mấy phút đã có người tặng cho cô 8 tệ tiền tip. Lần thứ hai cô bật chế độ làm đẹp, nhìn không khác gì gái 25 tuổi. Sau mấy ngày livestream, thu nhập của cô được 300 tệ (1 triệu đồng)/ngày, rồi tăng dần lên 500 và 1.000 tệ/ngày.

Trước đây cô làm nhân viên tổng đài, chỉ 120 tệ/ngày. Sau đó cô xin nghỉ việc, giấu người nhà để làm streamer chuyên nghiệp. Làm được 3 tháng cô phát hiện mình không có "fan cứng" sẵn sàng tặng thưởng khủng, từ đó rơi vào trạng thái lo âu, bất an, cô đơn. May mắn là cô đã kịp dừng lại, nếu không sẽ lại như những streamer khác tìm đủ cách để giữ chân fan cứng.

Vậy tại sao các tài khoản livestream, lại dễ dàng chi tiền khủng để tặng thưởng cho thần tượng?

Một fan cấp 54 (về độ chịu chi) giải thích với tạp chí Nam Phong Song (trực thuộc Nhật báo Quảng Châu): "Chúng tôi không phải vì thích streamer, xem thách đấu hay tài nghệ streamer, mà muốn cư dân mạng xem cách chúng tôi tiêu tiền; chúng tôi tặng thưởng không phải chỉ vì muốn lấy lòng người đẹp mà còn muốn được cư dân mạng tôn sùng như anh hùng. Ai cũng gọi mình là anh hùng cứ như đang trong phim ấy!".

Theo thứ hạng trên ứng dụng Douyin, muốn đạt cấp 54 phải mua 40,9 triệu tiền ảo, tức anh này đã chi ra khoảng 4,09 triệu tệ.

Một anh thủ quỹ ở Sơn Đông, để giữ vững vị trí đầu bảng của mình, đã biển thủ công quỹ 48 triệu tệ, sau khi bị phát hiện, anh ta bị kết tội 12 năm tù. Theo lời anh, Đài CCTV tường thuật, để khuyến khích anh tặng thưởng, streamer thường gửi riêng những hình ảnh, đoạn clip thiếu vải hay có những lời đường mật với anh.

Theo tờ Nam Phong Song, việc phân chia doanh thu livestream của các streamer như sau: 50% chia cho nền tảng trực tuyến, 25% cho công ty quản lý, streamer chỉ giữ lại 25% để hoạt động.

Theo các chuyên gia, khi livestream không còn những bảng xếp hạng, không thể thỏa mãn nhu cầu khoe khoang của các fan, việc chi tiền thưởng có thể trở nên lý trí hơn, bớt hành vi tiêu tiền bồng bột.

Các cư dân mạng thì kiến nghị xóa hiệu ứng làm đẹp trong ứng dụng livestream. Theo họ, hiệu ứng làm đẹp là nguyên nhân sâu xa khiến người dùng tặng thưởng. Sự phát triển của công nghệ khiến ai ai cũng có thể trở thành soái ca và mỹ nữ trong vòng một nốt nhạc, làm người dùng mê mệt và tặng thưởng liền tay.

Ngày 6-5 vừa qua, ở Sơn Đông xảy ra một vụ án thương tâm của một streamer và fan. San Muội (34 tuổi) là người có đến 250.000 người hâm mộ, khi livestream giới thiệu là người độc thân, thích hát, trắng trẻo xinh xắn, mặt trái xoan.

Còn anh Quách thì vì mua quà cho cô mà đã bán nhà, bán xe, tổng cộng tặng thưởng cho cô 1,3 triệu tệ. Tuy nhiên khi gặp mặt offline mới phát hiện cô ấy không chỉ đã kết hôn mà còn là mẹ của hai con. Trong lúc tức giận, anh Quách đã ra tay sát hại cô San và tự kết liễu đời mình.

Dù là dưới hình thức nào, đa dạng hóa kênh kiếm tiền cho các nhà sáng tạo nội dung đang là mục tiêu quan trọng trong chiến lược phát triển của các nền tảng mạng xã hội, trong cuộc chiến thu hút tài năng để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội dung online tăng cao trong những năm đại dịch.

Theo Vox, khoảng 50 triệu người trên thế giới tự xem họ là nhà sáng tạo nội dung (content creator), thuật ngữ bao trùm những người làm video YouTube hay TikTok, chụp ảnh đăng Instagram, làm podcast, viết blog…

Bloomberg ước tính nền kinh tế sáng tạo trị giá 100 tỉ USD và tăng trưởng "bất chấp đại dịch"; chính trong đại dịch mà số người kiếm tiền từ các nội dung trực tuyến bùng nổ vì họ có nhiều thời gian hơn, hoặc bị thất nghiệp và phải tìm một nguồn sinh kế mới.

Những nhà sáng tạo nội dung, cả mới lẫn cũ, trở thành mục tiêu săn đón của các nền tảng mạng xã hội vốn không thể hoạt động nếu không có nội dung độc đáo, độc quyền do chính người dùng tạo ra.


3 tháng sau, mạng xã hội có cùng công ty mẹ Alphabet với Google tiếp tục loan báo sẽ dành 100 triệu USD để thưởng cho những người sáng tạo nội dung độc đáo cho Shorts, tính năng chia sẻ video ngắn YouTube dùng để cạnh tranh với TikTok.


Meta (công ty mẹ của Facebook) không kém cạnh khi công bố kế hoạch đầu tư hơn 1 tỉ USD trong năm 2022 cho các nhà sáng tạo nội dung Reels, cũng là công cụ cạnh tranh với TikTok của mạng xã hội này. Đối thủ mà 2 gã khổng lồ Mỹ hướng tới - TikTok - thì lên kế hoạch dành 1 tỉ USD ngân sách để thu hút nhân tài chỉ riêng tại Mỹ trong năm tới.

Điểm sơ qua để thấy trong cuộc chiến thu hút nhà sáng tạo nội dung, các nền tảng chỉ có thể chi tiền, và ngày càng phải chi nhiều hơn. "Chúng ta đang chứng kiến cuộc đua vũ trang khi mỗi nền tảng đều xem mình là đối thủ với tất cả các nền tảng còn lại trong chuyện thu hút người làm nội dung" - Li Jin, một chuyên gia của kinh tế sáng tạo, nói với tạp chí Marie Claire. Jin cho rằng nếu các nền tảng muốn duy trì thời lượng sử dụng và tăng lượng người dùng, họ chỉ còn cách tiếp tục đầu tư vào người làm nội dung.

Cách đầu tư được các nền tảng cùng lựa chọn là đa dạng hóa nguồn thu cho các nhà sáng tạo. Ngay trong tháng 5-2022, các tay chơi lớn cùng có hàng loạt nước đi mới. Meta mở thêm chương trình thưởng cho người làm nội dung Reels và cuộc thi với giải thưởng lên tới 4.000 USD/tháng nếu họ đạt được một số tiêu chí, chẳng hạn có 5 video được xem ít nhất 100 lần thì được 20 USD, và cứ thế.

YouTube mở rộng tính năng Super Thanks cho tất cả nhà sáng tạo nội dung đã được "bật kiếm tiền", thay vì áp dụng ngẫu nhiên cho một số tài khoản như trước đây. Super Thanks là tính năng để người dùng tip cho người làm video mà họ yêu thích với mức cố định, từ 2 - 50 USD.

TikTok công bố chương trình mới TikTok Pulse - cho phép hiện quảng cáo trong nhóm 4% video đứng đầu về lượt xem, và chia sẻ doanh thu quảng cáo với các nhà sáng tạo nội dung, người nổi tiếng, công ty truyền thông có ít nhất 100.000 người theo dõi. TikTok Pulse sẽ ra mắt ở Mỹ trong tháng 6 trước khi mở rộng ra các thị trường khác vào mùa thu, đại diện công ty nói với The Verge.


Cho đến lúc này, mọi thứ có vẻ vẫn ổn cho tất cả các bên. YouTube có thể nói là có thắng lợi bước đầu với Shorts - canh bạc đầu tư vào video ngắn nhằm cạnh tranh với TikTok. Tính đến tháng 5-2022, Shorts đã đạt được trung bình 30 tỉ lượt xem mỗi ngày, gấp 4 lần năm ngoái. "Chúng tôi sẽ tiếp tục xây dựng sản phẩm này để thực sự trở thành người dẫn đầu trong [lĩnh vực video ngắn]" - Kevin Ferguson, giám đốc phụ trách đối tác sáng tạo của Shorts, nói với tạp chí Fortune.

Ferguson cho biết rất tin tưởng vào tương lai này vì YouTube "ưu tiên nhu cầu và ý kiến phản hồi của các nhà sáng tạo nội dung". Một trong những nhu cầu lớn nhất của người làm video chắc chắn là kiếm được tiền. Shorts được YouTube ra mắt song song với "quỹ khen thưởng" 100 triệu USD đã nói ở trên. 40% những người đã nhận được tiền từ khoản này trước đó chưa hề kiếm được đồng nào từ YouTube.

"Điều này rất tuyệt vời vì nó có nghĩa chúng tôi đang trả tiền cho thế hệ những người sáng tạo nội dung kế tiếp trên YouTube" - Ferguson nói. Trong tương lai đó, có thể sẽ có những người chuyên làm video ngắn để đăng trên Shorts, và chắc chắn YouTube sẽ có thêm thay đổi để đa dạng hóa kênh thu nhập cho các nhà sáng tạo nội dung này. "Ngay lúc này chưa có gì xảy ra, nhưng chúng tôi đang tìm cách tốt nhất để các nhà sáng tạo nội dung có thể kiếm tiền bền vững từ nền tảng này" - Ferguson nói.

Đại diện YouTube cho rằng "cuộc đua vũ trang" giữa các nền tảng với nhau là động lực tốt để phát triển, và định dạng video ngắn biết đâu sẽ còn phát triển hơn, thay vì gần như đồng nghĩa với "nội dung TikTok" như hiện nay.

Nội dung: PHAN BẢO - CẢNH CHÁNH - TRÚC ANH Đồ hoạ : VÕ TÂN

Chia sẻ Facebook