Sáng mai 21/12, xét xử bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn trong vụ án AIC
Tòa án sẽ xét xử vắng mặt Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn và 7 bị can đang bỏ trốn.
Sáng mai 21/12, TAND Tp. Hà Nội sẽ mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Trần Đình Thành (cựu Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai) và bị cáo Đinh Quốc Thái (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai) về tội “Nhận hối lộ” trong vụ án xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (viết tắt là Công ty AIC) và các đơn vị liên quan.
Bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc Công ty AIC) và bị cáo Trần Mạnh Hà (Phó Tổng Giám đốc Công ty AIC) bị xét xử về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và “Đưa hối lộ”.
Bị cáo Phan Huy Anh Vũ (cựu Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai, cựu Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai) bị xét xử về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và tội “Nhận hối lộ”.
Liên quan đến vụ án này, TAND Tp.Hà Nội cũng xét xử 31 bị cáo khác về các tội: “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Phiên tòa dự kiến diễn ra trong 20 ngày, xét xử cả ngày thứ Bảy và Chủ nhật. Hội đồng xét xử 5 người, trong đó có 2 Thẩm phán và 3 Hội thẩm nhân dân. Thẩm phán Mai Văn Quang được phân công làm chủ tọa phiên tòa. Ba kiểm sát viên Viện KSND tối cao và hai kiểm sát viên của Viện KSND TP Hà Nội được phân công thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động xét xử.
Hội đồng xét xử đã triệu tập 12 cơ quan, đơn vị có quyền và nghĩa vụ liên quan, trong đó có UBND tỉnh Đồng Nai, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai, Công ty AIC, Công ty cổ phần Bất động sản AIC... Ngoài ra, Hội đồng xét xử cũng triệu tập khoảng 70 cá nhân và tổ chức tham gia tố tụng tại phiên tòa.
Đến thời điểm này, đã có hơn 30 luật sư đăng ký bào chữa cho các bị cáo tại phiên tòa. 8 bị cáo bỏ trốn và bị truy nã như: Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Trần Mạnh Hà... đều được Hội đồng xét xử chỉ định luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ tại phiên tòa.
Trước đó, tại cuộc họp báo của Bộ Công an được tổ chức ngày 19/12, báo chí đặt câu hỏi liên quan đến vụ án xảy ra tại BV đa khoa tỉnh Đồng Nai và Công ty AIC.
Theo đó, dù bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn và 7 người khác đang bỏ trốn nhưng cơ quan tố tụng vẫn đề nghị truy tố, truy tố và quyết định đưa vụ án ra xét xử. Việc không thu thập được lời khai của nhóm bị can này liệu có ảnh hưởng gì tới kết quả điều tra, xét xử?
Trả lời vấn đề trên, đại diện Cục C03 Bộ Công an cho hay, hiện cơ quan chức năng đang tích cực triển khai các biện pháp truy bắt đối với Nguyễn Thị Thanh Nhàn và nhóm bị can bỏ trốn.
Mới đây, cơ quan điều tra Bộ Công an ban hành kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang viện kiểm sát đề nghị truy tố, trong đó tám người bỏ trốn. “Việc này đảm bảo theo quy định pháp luật và cũng cho thấy chất lượng điều tra đã được nâng lên, không chỉ dựa vào lời khai của bị can mà còn thu thập đầy đủ tài liệu, chứng cứ để chứng minh”, đại diện C03 cho hay.
T.M (tổng hợp)