'Sáng kiến' chống gian lận thi cử của sinh viên gây 'bão mạng'
Sự sáng tạo của sinh viên khi tự mang "mũ trung thực" để chống gian lận thi cử khiến các giáo viên coi thi không thể nhịn được cười.
Mỗi kỳ thi đến, điều khiến các thầy cô bận lòng nhất là tránh được tình trạng quay cóp, gian lận khi làm bài và đánh giá được đúng thực lực của các em sinh viên, học sinh. Các thầy cô đã áp dụng nhiều cách như trừ điểm, cấm thi, thậm chí cả những biện pháp đặc biệt để ngăn gian lận thi cử.
Mới đây, một giảng viên tại Philippines đã gây "bão mạng" khi đăng lên mạng xã hội loạt hình ảnh sinh viên tự nghĩ cách chống quay cóp khi làm bài thi.
Theo đó, các giảng viên tại Trường đại học - cao đẳng Kỹ thuật Bicol (thành phố Legazpi) đã đề nghị sinh viên tự tạo ra một chiếc mũ có thể che khuất tầm nhìn sang bạn bên cạnh, chỉ tập trung vào bài của mình, đảm bảo tính "liêm chính và trung thực" trong lúc làm bài.
Yêu cầu duy nhất là chống nhìn trộm, nên cuối cùng các giảng viên đã được phen vừa coi thi vừa nhịn cười trước sức sáng tạo của học trò.
Các sinh viên Trường Bicol đã thiết kế "mũ trung thực" bằng mọi hiện vật trong nhà, từ hộp trứng, bìa cứng, mặt nạ Halloween, mũ bảo hiểm xe máy và nhiều vật liệu khác.
Giáo sư Mandane-Ortiz cho biết mình được truyền cảm hứng từ một cách làm của một giáo viên ở Thái Lan cách đây nhiều năm. Ban đầu, vị giáo sư này chỉ yêu cầu sinh viên “làm một cái gì đó thật đơn giản", nhưng hóa ra “sự đơn giản” mà các sinh viên mang lại đã khiến không chỉ giảng viên Trường Bicol phì cười mà còn khiến cư dân mạng lan truyền rầm rộ.
Các bài đăng của giáo sư Mandane-Ortiz trên Facebook đã lan truyền nhanh chóng và truyền cảm hứng cho các trường học khác ở Philippines làm theo lại ý tưởng này.
Giáo sư Mandane-Ortiz cũng cho biết các sinh viên của mình đã thể hiện bài làm tốt hơn trong các kỳ thi năm nay và không có em nào bị phát hiện gian lận.
"Tôi thực sự thấy thoải mái và tự hào về các sinh viên của mình. Giữa kỳ thi căng thẳng của một ngành học có chút buồn tẻ như kỹ thuật nhưng các sinh viên đã cố gắng thêm một chút màu sắc và tính hài hước vào đó", g iáo sư Mandane-Ortiz chia sẻ.