Sản xuất, kinh doanh 6 tháng cuối năm: Nhiều hiệp hội, ngành hàng kêu khó!
Kết quả sản xuất, kinh doanh 6 tháng đầu năm 2022 khả quan, nhưng nhiều hiệp hội, ngành hàng cho biết, doanh nghiệp đang gặp khó do thiếu đơn hàng, tồn kho cao.
Sản xuất, kinh doanh 6 tháng cuối năm: Nhiều hiệp hội, ngành hàng kêu khó!
Sáng 27/6, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị về tình hình sản xuất và đề xuất nhiệm vụ giải pháp tháp gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh 6 tháng cuối năm 2022.
Tại hội nghị, đại diện các hiệp hội, ngành hàng đã tập trung thảo luận tình hình sản xuất, kinh doanh, những khó khăn, thách thức của doanh nghiệp, ngành hàng về chi phí sản xuất, giá bán đầu ra, thị trường tiêu thụ, chuỗi cung ứng, lao động, vốn, tín dụng 6 tháng đầu năm. Đồng thời, dự báo về tình hình sản xuất, kinh doanh 6 tháng cuối năm, đề xuất các kiến nghị, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, ngành hàng, tập trung vào các giải pháp cụ thể, có khả năng thực hiện ngay.
Cụ thể, theo ông Trương Văn Cẩm – Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS): Tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp ngành dệt may trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt kết quả khả quan. Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đạt 22,3 tỷ USD , tăng khoảng 23% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, hàng may mặc đạt gần 7 tỷ USD , tăng hơn 19%, nhập khẩu toàn ngành dệt may 6 tháng đạt 13 tỷ USD , tính chung 6 tháng đầu năm, toàn ngành dệt may xuất siêu khoảng 8,8 tỷ USD .
Mục tiêu toàn ngành trong năm 2022 là xuất khẩu đạt 43 tỷ USD , trong đó 6 tháng đầu năm đã đạt hơn 50% mục tiêu đề ra, nếu tình hình được duy trì ổn định trong những tháng cuối năm thì khả năng ngành dệt may đạt được mục tiêu là rất lớn.
Tuy nhiên, theo ông Trương Văn Cẩm, kết quả sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm vẫn chưa thể khẳng định được nhiều. Bởi hiện tại, nhiều doanh nghiệp ngành dệt may đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức do dịch Covid-19 chưa được khống chế hẳn, thậm chí tại nhiều quốc gia tình hình dịch bệnh đang bùng phát trở lại. Trong khi đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngành dệt may lại phụ thuộc rất nhiều vào chính sách chống dịch trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng.
Tình hình thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến tăng giá năng lượng, giá nguyên, vật liệu. Tính chung 6 tháng đầu năm, giá bông đã tăng 19%, cùng với đó giá xăng, dầu cũng tăng mạnh khiến doanh nghiệp dệt may đứng trước những khó khăn. Trong khi đó, xung đột giữa Nga và Ukraine khiến giá cả leo thang, làm lạm phát tại một số thị trường tăng cao, ảnh hưởng đến cơ hội cơ hội xuất khẩu và khai thác thị trường của doanh nghiệp dệt may…
Chia sẻ về những khó khăn của doanh nghiệp ngành da giày, túi xách, bà Phan Thị Thanh Xuân – Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam (Lefaso) – cho rằng: Những tháng đầu năm 2022, sau khi dịch bệnh được kiểm soát, doanh nghiệp da giày có nhiều đơn hàng hơn, triển khai hoạt động sản xuất, kinh doanh tốt hơn.
Tuy nhiên, hiện tại các doanh nghiệp ngành da giày, túi xách lại đối mặt với những vấn đề như tỷ lệ tồn kho cao (khoảng 40%), cùng với đó là chi phí logistics cao, thiếu hụt nguồn lao động cho sản xuất và đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên, phụ liệu khi Trung Quốc vẫn theo đuổi chính sách zero Covid-19.
Bên cạnh những khó khăn liên quan đến giá cả nguyên vật liệu, hàng tồn kho tăng và đứt gãy chuỗi cung ứng, bà Đỗ Thị Thuý Hương – Phó chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI), Uỷ viên Ban chấp hàng Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA) chia sẻ, cộng đồng doanh nghiệp còn đang đối mặt với vấn đề tăng lương tối thiểu vùng bắt đầu từ ngày 1/7/2022, bởi dựa vào đó, người lao động tại nhiều doanh nghiệp cũng gây sức ép đòi tăng lương, tạo thêm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp dựa trên mức lương tối thiểu.
“Các chính sách hỗ trợ tín dụng của Chính phủ dành cho doanh nghiệp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 thì cho đến nay chưa có một doanh nghiệp điện tử nào được hưởng” – bà Đỗ Thị Thuý Hương thông tin.
Khó khăn thì như vậy, nhưng theo đại diện các hiệp hội, ngành hàng, vấn đề cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thời gian qua vẫn chưa được triển khai mạnh mẽ, chưa tạo được động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Trong khi đó, vấn đề đơn giản hoá điều kiện kinh doanh chưa được cải thiện, vấn đề kiểm tra chuyên ngành có dấu hiệu chững lại. Đặc biệt, theo ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế - Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, năm 2021, đầu 2022 là thời điểm phải tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động, hồi phục sau dịch bệnh, thì các cuộc thanh, kiểm tra vẫn diễn ra, gây khó cho khu vực doanh nghiệp.
Từ những thách thức trên, để tạo thuận lợi cho khu vực doanh nghiệp, bà Đỗ Thị Thuý Hương đề xuất, các cơ quan chức năng cần tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp tiếp cận với các chính sách hỗ trợ tín dụng của Chính phủ, bởi “doanh nghiệp không thể vay ngân hàng khi doanh nghiệp đang gặp khó khăn”.
Cùng với đó, các hiệp hội, ngành hàng cũng kiến nghị, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu để giảm giá xăng dầu, giảm giá nguyên, vật liệu và chi phí logistics. Bởi giá xăng dầu quá cao như hiện nay sẽ tác động đến nhiều loại hàng hoá nguyên, nhiên liệu sản xuất là đầu vào của doanh nghiệp, đồng thời tác động đến những mặt hàng hoá tiêu dùng thiết yếu và đời sống người lao động.
Liên quan đến chi phí logistics, nhiều ý kiến cho rằng, phí logistics của Việt Nam đang cao hơn một số quốc gia trên thế giới, do đó sẽ ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của khu vực doanh nghiệp và nền kinh tế. Theo đó, đề nghị cơ quan chức năng cần vào cuộc và có những biện pháp cần thiết để giảm chi phí logisics trong thời gian tới.
Trước những khó khăn và đề xuất của khu vực doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, sẽ tiếp thu để phục vụ báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm 2022 và xây dựng đề án chính sách điều hành vĩ mô trong những tháng cuối năm 2022.
Nguyễn Hòa
Báo Công Thương