Sản xuất công nghiệp sẽ khởi sắc những tháng cuối năm

Chia sẻ Facebook
20/10/2023 04:55:31

Dù vẫn đối mặt với khó khăn nhưng các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, hoạt động sản xuất kinh doanh dự báo quý 4/2023 khả quan hơn quý 3/2023.


Theo Vietnam+, ngành công nghiệp luôn giữ một vai trò quan trọng trong việc dẫn dắt tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế. Dù vậy, Tổng cục Thống kê nhận định hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp công nghiệp trong những tháng còn lại của năm 2023 vẫn đối mặt với khó khăn, chưa thể lấy lại đà tăng trưởng cao trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, với sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, sản xuất công nghiệp những tháng cuối năm 2023 sẽ khởi sắc hơn.

Có 76,3% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh quý 4/2023 so với quý 3/2023 tốt hơn và giữ ổn định (39,1% tốt hơn, 37,2% giữ ổn định); 23,7% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn hơn.

Lãnh đạo Tổng cục Thống kê cho biết đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp có thể dựa trên các chỉ số cân bằng.

Cụ thể, chỉ số cân bằng chung đánh giá tổng quan xu hướng sản xuất kinh doanh quý 4/2023 so với quý 3/2023 là 15,4% .

Chỉ số cân bằng khu vực doanh nghiệp nhà nước cao nhất với 17,3%; khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước 16,6%; khu vực doanh nghiệp FDI 12,2%.

Bên cạnh đó, chỉ số cân bằng đơn đặt hàng mới quý 4/2023 so với quý 3/2023 là 14%; chỉ số cân bằng sử dụng lao động quý 4/2023 so với quý 3/2023 là 0,3%; chỉ số cân bằng khối lượng sản xuất quý 4/2023 so với quý 3/2023 là 15,8%…

Sản xuất công nghiệp dự báo khởi sắc những tháng cuối năm. Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN

Dự báo quý 4/2023 khả quan hơn khi ba chỉ số cân bằng đạt mức từ 14-16%. Trong khi chỉ số cân bằng chung quý 3/2023 so với quý 2/2023 là -2,3%, các chỉ số cân bằng thành phần chỉ đạt mức từ -11,1% đến -1,6%.

Bà Phí Thị Hương Nga, Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây dựng, cho hay hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tuy vẫn còn khó khăn nhưng đã phục hồi tích cực hơn quý 3/2023.

Doanh nghiệp nhà nước với chỉ số cân bằng chung là 3,7% khả quan hơn doanh nghiệp ngoài nhà nước và doanh nghiệp FDI. “Trong quý 3/2023, hai yếu tố “nhu cầu thị trường trong nước thấp” và “tính cạnh tranh của hàng trong nước cao” vẫn là những yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp,” Vụ trưởng Phí Thị Hương Nga cho hay.


Phân tích nguyên nhân của sự suy giảm trong sản xuất công nghiệp và hoạt động xuất nhập khẩu trong 9 tháng qua, Bộ Công Thương cho biết các nền kinh tế lớn là đối tác xuất khẩu của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU giảm chi tiêu mua sắm các sản phẩm thông thường và xa xỉ khiến khối lượng đơn đặt hàng giảm.

Trong khi đó, các ngành sản xuất công nghiệp trong nước chủ yếu hướng vào xuất khẩu, phụ thuộc lớn vào thị trường toàn cầu do sản lượng sản xuất trong nước vượt xa nhu cầu của thị trường nội địa, đặc biệt là đối với các ngành hàng như dệt may, da-giày, điện tử… chỉ cung ứng cho nhu cầu nội địa 10% sản lượng, 90% sản lượng còn lại là để xuất khẩu.

Cũng theo Bộ Công Thương, giá hàng hoá xuất khẩu có xu hướng giảm trong 9 tháng năm 2023; trong đó, giá một số hàng nông sản giảm mạnh ở mức hai con số so với cùng kỳ năm ngoái như hạt tiêu giảm 25,1%, cao su giảm 18,7%, dầu thô giảm 15,8%, hay một số mặt hàng công nghiệp chế biến như phân bón giảm 35,4%...

Chỉ có một số ít mặt hàng đạt mức giá cao kỷ lục do nhu cầu tăng cao như cà phê tăng 9,9% lên mức bình quân 2.499 USD/tấn, gạo tăng 14% lên mức bình quân 553 USD/tấn.

“Việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng tạo nhiều áp lực cạnh tranh đối với hàng xuất khẩu cùng chủng loại của Việt Nam. Trong khi đó, các doanh nghiệp của ta vẫn còn gặp nhiều khó khăn do đơn hàng nước ngoài giảm, thị trường trong nước sức mua không lớn, chi phí đầu vào vẫn ở mức cao, không dễ dàng trong việc tiếp cận tín dụng…,” Bộ Công Thương cho hay.

Trong thời gian tới, đặc biệt trong những tháng cuối năm, để sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi và là động lực tăng trưởng kinh tế, cần thực hiện một số giải pháp hỗ trợ sản xuất công nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn.


Cụ thể, thông tin trên báo Công Thương , đối với các ngành hàng chế biến, chế tạo, bài toán đau đầu nhất là giảm tỉ lệ phế phẩm và tăng tỉ lệ thành phẩm, nghĩa là giảm được các chi phí tái chế, tái sản xuất, cũng như giảm tỷ lệ lãng phí trong quá trình sản xuất. Giải quyết được vấn đề này, các doanh nghiệp sẽ nâng cao được năng lực và hiệu quả sản xuất.

Bộ Công Thương cũng nêu giải pháp, thời gian tới Bộ sẽ tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để thúc đẩy phát triển sản xuất trên cơ sở bám sát tình hình sản xuất của các ngành, lĩnh vực, một số địa phương trọng điểm về công nghiệp, kịp thời nắm bắt tháo gỡ khó khăn thúc đẩy phát triển sản xuất. Đồng thời Bộ đẩy mạnh tổ chức kết nối các doanh nghiệp trong nước tham gia được vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI lớn toàn cầu đang đầu tư tại Việt Nam.

Bên cạnh đó Bộ Công Thương hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa phục hồi, phát triển sản xuất thông qua tạo thuận lợi hóa trong các thủ tục hành chính, tiếp cận tín dụng…

Bên cạnh đó, địa phương cần đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các chương trình làm việc với các địa phương và hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp hiện có nhằm khôi phục và phát huy đà tăng trưởng của công nghiệp tại các địa phương và vùng kinh tế trọng điểm; cũng như nâng cao năng lực và sức chống chịu cho các doanh nghiệp công nghiệp trong nước trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, hạn chế.

Trên cơ sở đó, quyết liệt chỉ đạo đẩy mạnh công tác giải ngân vốn đầu tư công để tạo thêm động lực cho tăng trưởng kinh tế; đồng thời tạo thị trường cho các ngành công nghiệp trọng điểm như cơ khí, thép, vật liệu xây dựng, phương tiện vận tải…


Là một trong những địa phương thuộc top 10 cả nước về giải ngân vốn đầu tư công, với 9 tháng đạt tỉ lệ trên 71%, Bắc Giang đang nỗ lực thực hiện các giải pháp để tiếp tục đẩy nhanh tiến trình này. Đáng chú ý, GRDP của tỉnh đạt 14,59% trong quý III và 12,25% trong 9 tháng, đứng thứ hai cả nước, lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, đơn hàng đã tăng, lực lượng lao động làm việc trong các khu công nghiệp có thời điểm giảm 20.000 người, nay đã tăng thêm 50.000 người.

“Năng lực sản xuất cũng tăng thêm, khi vừa rồi có thêm nhiều nhà máy mới đi vào hoạt động, trong đó có nhà máy bán dẫn đầu tiên ở khu vực phía Bắc Hana Micron. Điều này sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang nói và cho biết, Bắc Giang phấn đấu tăng trưởng GRDP quý IV sẽ cao hơn quý III, cả năm sẽ không có chỉ tiêu nào không hoàn thành mục tiêu đề ra.

Theo đó, trong những tháng cuối năm, Chính phủ, các cấp, các ngành cần hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh; thúc đẩy giải ngân nhanh. Quan trọng cần có giải pháp hỗ trợ, giải quyết khó khăn về vốn của doanh nghiệp trong quá trình phục hồi và khởi nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.


Minh Hoa (t/h)

Chia sẻ Facebook