Sàn tiền số ngoại phá sản, nhiều nhà đầu tư nội trắng tay
Sàn giao dịch tiền số FTX nộp hồ sơ xin phá sản và sắp tới là công ty cho vay tiền điện tử BlockFi cũng có hành động tương tự đã khiến hàng triệu khách hàng mất sạch tiền.
Sàn tiền số ngoại phá sản, nhiều nhà đầu tư nội trắng tay
Sàn giao dịch sụp đổ, nhà đầu tư không được rút tiền
Mới đây, Hãng tin Bloomberg thông tin công ty cho vay tiền điện tử BlockFi đang chuẩn bị nộp đơn xin phá sản trong vài ngày tới. BlockFi đã ngừng cho phép khách hàng rút tiền với lý do vì sự ảnh hưởng đáng kể từ sự kiện sàn giao dịch FTX phá sản. BlockFi đã hạn chế hoạt động trên nền tảng của mình vào tuần trước. Tính đến năm 2021, BlockFi có từ 14 - 20 tỉ USD tiền gửi của khách hàng và đã cho vay 7,5 tỉ USD. Công ty này có mối quan hệ chặt chẽ với FTX US - một công ty con thuộc sàn giao dịch tiền số FTX Group. Vào tháng 7.2022, FTX đã cung cấp cho BlockFi hạn mức tín dụng quay vòng trị giá 400 triệu USD, đi kèm với tùy chọn mua công ty. Trong khi đó, BlockFi đã cung cấp các khoản vay cho Alameda Research - công ty thuộc FTX Group.
Một tuần trước (ngày 11.11), sàn giao dịch tiền số lớn thứ hai thế giới - FTX Group - đã nộp đơn xin phá sản. Trong hồ sơ xin phá sản, FTX Group liệt kê khoảng 130 công ty liên quan. Sàn này đã bị mất thanh khoản và nhà đầu tư (NĐT) không thể rút tiền. FTX cho biết họ có hơn 100.000 chủ nợ có yêu cầu bồi thường trong vụ việc. Tuy nhiên, trong một hồ sơ cập nhật hôm 15.11, các luật sư của công ty cho biết trên thực tế, có thể có hơn 1 triệu chủ nợ trong vụ phá sản này.
Trước khi sụp đổ, FTX từng được các NĐT định giá 32 tỉ USD với hơn 1 triệu người dùng. Sự thất bại của công ty đã gây ra một hiệu ứng nghiêm trọng cho toàn ngành, với việc các NĐT vội vàng bán tháo và chuyển tiền khỏi các sàn giao dịch bitcoin, tiền ảo nói chung. Chỉ riêng với FTX Token, sau một đêm 8.11, giá trị đã bốc hơi hơn 75% khi bị các NĐT tháo chạy. Từ giá gần 23 USD, FTX Token đã rớt xuống còn sát 3 USD.
Sự sụp đổ của FTX Group cũng khiến nhiều NĐT trong nước khốn khổ. Trên các diễn đàn tiền số, nhiều người than trời khi không thể rút được tài sản của mình trên sàn FTX. Nhóm Telegram chính thức của FTX dành cho người Việt có gần 10.000 thành viên đã ngừng hoạt động. Có người nói họ mất hàng chục nghìn USD… Song song đó, nhiều NĐT chỉ trong một đêm số tiền đầu tư vào FTX Token hầu như biến mất. Dù chưa về 0 đồng nhưng thanh khoản hầu như không có. “Chắc giữ FTX làm kỷ niệm luôn như Luna một thời”, “Thôi rồi bao nhiêu tiền trong ví đã đi tong”… là những lời than thở của các NĐT tiền số.
Rủi ro chực chờ
Không chỉ các NĐT giao dịch trên sàn FTX hay đầu tư vào FTX Token bị mất tiền khi công ty này phá sản mà sự kiện đó cũng đẩy các đồng tiền số lao dốc mạnh. Tuần qua, theo ước tính đồng Bitcoin đã mất 20% giá trị và xuống mức thấp là 15.700 USD, hay Ethereum giảm 20%… Nhiều dự báo cho rằng Bitcoin có thể giảm xuống 13.000 USD.
Trong quá khứ, thị trường tiền số đã có nhiều trường hợp sàn giao dịch sập hay phá sản như Mt.Gox, Bitfinex, BitConnect, QuadrigaCX… và thảm họa Luna hồi tháng 5. Nhưng FTX là lớn nhất cả về số người tham gia lẫn giá trị tài sản. Đáng chú ý, ngay sau khi FTX Group nộp đơn xin phá sản, Hãng tin Reuters cho rằng có ít nhất 1 tỉ USD của khách hàng đã biến mất khỏi sàn giao dịch này mặc dù bản thân khách hàng không được rút tiền. Nhiều ý kiến nghi ngờ rằng chỉ có thành viên nội bộ hay bản thân ông chủ của FTX đã bí mật chuyển số tiền nêu trên. Sau đó 2 ngày, kênh Telegram của FTX thông báo sàn bị tấn công mạng và tiền dường như đã hết sạch. Hiện vấn đề vẫn đang được điều tra.
Nhiều chuyên gia đánh giá cú sập sàn của FTX không chỉ thổi bay tài sản của NĐT mà cũng thổi luôn niềm tin vào thị trường tiền số. Vì vậy đầu tuần này, người đứng đầu các sàn giao dịch Binance và Crypto.com đã tìm cách trấn an các NĐT về sức khỏe tài chính của doanh nghiệp họ. Ông Phan Dũng Khánh, Trường doanh nhân BizLight, cho rằng đầu tư tiền số có rủi ro lớn nhất là không theo mô hình truyền thống. Điều đó có nghĩa là không có cơ quan quản lý nên NĐT phải gánh chịu hết rủi ro nếu các sàn giao dịch hay công ty phát hành tiền số có mục đích lừa đảo. Sự sụp đổ của FTX Group và các công ty liên quan sẽ khiến NĐT lo ngại, mất niềm tin vào thị trường này. Từ đó cũng có nhiều người sẽ đưa vốn quay trở lại với các kênh đầu tư truyền thống.
Đồng tình, TS Nguyễn Hữu Huân, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, nhận định cú sập sàn của FTX là giọt nước tràn ly sau vụ đồng tiền Luna cách đây vài tháng. Trên thực tế, hầu hết những đồng tiền số đang được giao dịch hiện nay cũng chỉ huy động vốn của khách hàng với lời hứa sẽ làm nhiều thứ nhưng vẫn chưa có cái nào thực hiện được. Đó là chưa kể hàng loạt dự án mang tính lừa đảo nên thị trường này cực kỳ rủi ro. Đặc biệt, các “ông chủ” công ty hay sàn giao dịch dù được xem có uy tín cao như FTX vốn có toàn quyền với tiền của khách hàng ký gửi trên sàn. Vì vậy, câu chuyện khách hàng nghi ngờ chính chủ sàn FTX rút tiền ra khỏi sàn không phải bất ngờ.
“Vụ sập sàn FTX làm niềm tin của NĐT vào thị trường tiền số giảm mạnh, báo hiệu sự thoái trào của thị trường này sẽ còn tiếp diễn. Có thể thị trường tiền số cần một cơ chế mới hơn. Theo xu hướng sẽ có tiền số của các ngân hàng trung ương phát hành thay thế cho các công ty tư nhân tự phát như hiện nay”, TS Nguyễn Hữu Huân chia sẻ thêm.
Hiện đã có 178 quốc gia đang nghiên cứu về tiền số và chắc sẽ sớm có những quy định chính thức liên quan về đồng tiền này. Khi tiền số do các ngân hàng trung ương phát hành, những đồng tiền số hiện nay có thể đều trở thành rác vì không có bất kỳ giá trị nào dù chỉ là lời hứa. TS Nguyễn Hữu Huân, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM |
Mai Phương
Thanh niên