Sẵn sàng nhiều chương trình, hoạt động trải nghiệm hè cho trẻ
Hai năm chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, mùa hè của trẻ gần như chỉ quanh quẩn trong bốn bức tường. Giờ đây, trong bối cảnh bình thường mới, một mùa hè sôi động đang đến rất gần kéo theo sự hồi sinh của hàng loạt hoạt động trải nghiệm lý thú.
Ưu tiên cho con học bơi
Chị Nguyễn Thị Như Mai (quận 3, TP.HCM) là mẹ của hai con lớp 3 và lớp 6. Năm học sắp kết thúc cũng là lúc chị tính chuyện hè này cho con đi đâu, chơi gì, nhất là sau hai mùa liên tiếp các con chỉ thui thủi trong nhà vì dịch COVID-19. "Chưa khi nào bí bách hơn năm ngoái. Nguyên cả mùa hè hai đứa con không ra ngoài nửa bước. Năm nay tụi nhỏ dự định nhiều lắm, về quê, du lịch, học vẽ" - chị Mai tâm sự.
Dù vậy, ưu tiên trước hết của gia đình chị là cho con tập bơi trong hè này. Đợt nghỉ lễ vừa rồi đọc nhiều tin trẻ em đuối nước, chị cảm thấy vô cùng lo lắng, nghĩ rằng rủi ro có thể đến bất cứ lúc nào. Tới nay, con của chị vẫn chưa biết bơi dù có đôi lần được dẫn đến chơi ở hồ bơi hay đi tắm biển. Chị Mai chia sẻ: "Càng lớn, các con sẽ càng có nhiều dịp đi chơi không có cha mẹ. Nếu các con biết bơi, mình cũng an tâm hơn".
Tương tự, ông Nguyễn Mạnh Hà (TP Thủ Đức) cho biết đã đăng ký cho con trai đang học lớp 8 một khóa "bổ túc" kỹ năng bơi trong hai tháng hè. Trước đây, ông từng dạy con bơi nhưng không bài bản. Lần này, ngoài chuyện muốn con biết bơi thành thạo, ông cũng căn dặn huấn luyện viên hướng dẫn con cách xử lý tình huống nếu chẳng may thấy bạn bè đuối nước.
Ông Hà giải thích: "Biết bơi là một chuyện, cứu được bạn bè đuối nước hay không lại là một chuyện khác. Nhiều trường hợp thấy bạn bè bị nước cuốn, các em ỷ mình biết bơi nên nhảy xuống cứu, nhưng rốt cuộc chính mình cũng gặp nạn. Cứu người đuối nước cũng cần có kỹ năng".
Ông Nguyễn Kiện Toàn - trưởng phòng nghiệp vụ, Trung tâm Thể dục thể thao quận Phú Nhuận (TP.HCM) - cho biết trong kế hoạch hè năm nay, các hoạt động dạy bơi được chú trọng. Trẻ em sẽ được phát những phiếu bơi miễn phí, gồm bốn suất trong hè này.
Ngoài ra, trung tâm sẽ tiếp tục mở các lớp phòng chống đuối nước cho trẻ. Đơn vị này cũng sẽ phối hợp với một số trường học tổ chức "Ngày hội xuống nước" cho học sinh để phổ cập bơi. Dự kiến hoạt động này sẽ diễn ra vào tháng 7 tới đây. "Bơi lội cũng là cách giúp hơi thở khỏe mạnh hơn, giải quyết một số vấn đề hậu COVID-19", ông Toàn nói.
Sôi động chương trình trải nghiệm
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, hầu hết các trung tâm kỹ năng sống, STEM, trung tâm Anh ngữ trên địa bàn TP.HCM... đều đã chuẩn bị triển khai các hoạt động hè sau hai năm gần như "đóng băng" vì COVID-19. Các chương trình đa dạng về nội dung, hình thức sẽ chính thức đón học sinh từ đầu tháng 6 tới, kéo dài đến hết tháng 8.
Chẳng hạn, Trung tâm Anh văn Hội Việt Mỹ (VUS) mở các lớp tiếng Anh hè cho hai nhóm học sinh 6 - 10 tuổi và 11 - 15 tuổi. Các lớp thiết kế theo mô hình vừa chơi, vừa học, tích hợp thêm một số công nghệ số như tương tác thực tế ảo. Hay Trung tâm Anh ngữ ILA cũng đang đẩy mạnh chương trình hè cho các em từ 4 - 16 tuổi, học tiếng Anh qua các hoạt động như vẽ, làm bánh, chơi thể thao, tham quan nông trại,...
Trung tâm Thanh thiếu niên miền Nam (trực thuộc Trung ương Đoàn) sẽ triển khai trở lại chương trình "Học kỳ quân đội" từ tháng 6-2022. Dự kiến, mỗi khóa sẽ kéo dài khoảng một tuần lễ cho các em được tham gia một số hoạt động đặc trưng của cuộc sống quân ngũ, bên cạnh việc trang bị kỹ năng sinh tồn, dã ngoại...
Trong khi đó, ngay từ giữa đầu tháng 5-2022, Nhà Thiếu nhi TP.HCM đã mở hàng loạt các lớp võ thuật, hội họa, âm nhạc, nhảy hiện đại, khéo tay, robot, thậm chí cả lớp học làm người mẫu nhí, MC nhí cho học sinh trên địa bàn. Học phí cho toàn khóa nhìn chung "vừa túi" cho đại đa số gia đình ở TP.HCM, dao động từ khoảng 400.000 đồng đến 1 triệu đồng.
Một số hoạt động online "xuyên biên giới" cũng nhận được sự hưởng ứng. Chẳng hạn, Cơ quan Giáo dục New Zealand sẽ lần đầu tiên tổ chức trại hè "Kỹ năng tương lai New Zealand 2022" miễn phí tại Việt Nam. Trong khuôn khổ chương trình, các chuyên gia CNTT sẽ hướng dẫn học sinh một số kiến thức cơ bản về lập trình bên cạnh tạo điều kiện cho các bạn giao tiếp bằng tiếng Anh.
Ông Ben Burrowes - giám đốc khu vực châu Á của Cơ quan Giáo dục New Zealand - kỳ vọng trại hè có thể truyền cảm hứng, khơi gợi niềm yêu thích của học sinh với công nghệ, tư duy máy tính và lập trình.
Đừng để một mùa hè "ôm" điện thoại, máy tính
TS Lê Minh Công - phó trưởng khoa công tác xã hội, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) - cho rằng sau một năm học đầy áp lực như năm nay, một trong những việc trước tiên trong những tháng hè là để con nghỉ ngơi. Tiếp đó, tùy vào điều kiện của từng gia đình sẽ cho con tham gia những hoạt động khác nhau.
Ví dụ, cha mẹ có thể đưa con về quê với ông bà để con có thêm những ký ức tuổi thơ. Hoặc phụ huynh có thể tận dụng thời gian hè để hướng dẫn con một kỹ năng sống nào đó. "Dù là hoạt động nào thì cha mẹ cũng cần dành thời gian hè để ở bên con nhiều hơn, tạo thêm sự gắn kết. Không nên để một mùa hè của con gắn liền với các thiết bị số như điện thoại, máy tính", ông Công nói.
Lưu ý gì khi chọn chương trình hè?
Ông Tiêu Minh Sơn - hiện là giảng viên Trường ĐH Văn Lang, từng giảng dạy nhiều lớp kỹ năng sống - chia sẻ khi chọn một hoạt động kỹ năng sống cho con trong mùa hè này, phụ huynh có thể quan tâm đến một số điểm sau. Thứ nhất là thời gian và địa điểm của khóa học. Trong giai đoạn bình thường mới, nhiều cha mẹ có xu hướng muốn con có thể trải nghiệm hè nhưng vẫn còn lo ngại về dịch bệnh. Do đó một khóa trải nghiệm ngắn ngày, ở ngay tại TP sẽ được ưa chuộng hơn.
Môi trường vui chơi, sinh hoạt của con trong các khóa trải nghiệm hè cũng cần được quan tâm, xem xét kỹ lưỡng, đảm bảo độ an toàn cao nhất. Yếu tố sức khỏe cũng phải được cha mẹ cân nhắc, nhất là với những em tuổi nhỏ, bởi nhiều em chưa được tiêm vắc xin COVID-19. Một số vấn đề như vệ sinh ăn uống, nơi ngủ nghỉ của con trong các khóa học dài ngày cũng phải được tìm hiểu trước khi đăng ký.
Hoạt động hè tại TP.HCM sẽ khởi động từ giữa tháng 7 và cũng lần đầu tiên các chương trình, chiến dịch tình nguyện hè được đồng loạt ra quân, diễn ra cùng một thời điểm.