Sẵn sàng đón FDI công nghệ cao
Bình luận về cuộc gặp, làm việc của Thủ tướng với các tập đoàn công nghệ Mỹ như Google, Meta, Microsoft, Intel, Apple, các chuyên gia kinh tế cho rằng chuyến thăm, làm việc sẽ làm tăng niềm tin và cơ hội hợp tác đầu tư công nghệ Mỹ - Việt.
Ông Nguyễn Văn Toàn (phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam):
Đầu tư của doanh nghiệp Mỹ chưa xứng với tiềm năng
Quan hệ đầu tư Việt - Mỹ hiện nay thuận lợi hơn trước rất nhiều. Cuộc gặp gỡ, làm việc của Thủ tướng với các tập đoàn công nghệ hàng đầu Mỹ cho thấy những tín hiệu tích cực. Cuộc gặp sẽ làm tăng lòng tin của nhà đầu tư Mỹ vào Việt Nam.
Để đón được các doanh nghiệp công nghệ lớn của Mỹ đến Việt Nam đầu tư, cần xây dựng môi trường để khoa học công nghệ phát triển.
Những năm qua, các tập đoàn như Microsoft, Intel đã đầu tư trực tiếp vào Việt Nam. Apple cũng gián tiếp đưa các doanh nghiệp Foxconn, Luxshare trong chuỗi cung ứng của họ đến Việt Nam. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này chưa mở rộng đầu tư tại Việt Nam đúng với tiềm năng. Điều này có thể xuất phát từ đãi ngộ chưa tương xứng, môi trường chưa thực sự hấp dẫn.
Một vấn đề quan trọng cần khắc phục là nguồn nhân lực Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu của các tập đoàn công nghệ lớn.
Chẳng hạn, họ muốn đầu tư một trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D), hay một cơ sở sản xuất công nghệ cao tại Việt Nam nhưng lại phải đưa kỹ sư công nghệ ngoại đến Việt Nam làm việc thì sẽ không có nhiều ý nghĩa. Chúng ta cần đào tạo để có được đội ngũ kỹ sư công nghệ trong nước, sẵn sàng tham gia các dự án FDI công nghệ cao.
Hiện Bộ Kế hoạch và đầu tư đang xây dựng tiêu chí chọn lọc đầu tư FDI để có thể phân biệt, đồng thời tạo ra sự đối xử công bằng với các doanh nghiệp FDI công nghệ cao khi họ vào Việt Nam. Theo đó, các doanh nghiệp công nghệ cao toàn cầu đầu tư vào nước ta sẽ được hưởng nhiều ưu đãi hơn.
Bên cạnh đó, cần có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi sản xuất, cung ứng của các tập đoàn công nghệ lớn đang đầu tư vào Việt Nam.
Làm sao để doanh nghiệp nội địa bắt tay được với các tập đoàn công nghệ lớn để cùng sản xuất những sản phẩm công nghệ ngay tại Việt Nam, chứ không chỉ sống nhờ vào đầu tư FDI. Làm vậy mới cải thiện được chất lượng đầu tư FDI, chúng ta sẽ hưởng được nhiều giá trị gia tăng hơn.
TS Phạm Hùng Tiến (phó giám đốc Viện Friedrich Naumann Foundation tại Việt Nam - FNF):
Cơ hội từ "chính sách Trung Quốc cộng"
Cuộc gặp của Thủ tướng với các tập đoàn công nghệ hàng đầu Mỹ cho thấy những tín hiệu tích cực trong thu hút đầu tư FDI có chọn lọc của Chính phủ. Hầu hết các tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ đã và đang đầu tư tại Trung Quốc nên việc tiếp cận để các doanh nghiệp này đầu tư trực tiếp vào Việt Nam khó xảy ra.
Điểm thuận lợi cho Việt Nam trong bối cảnh hiện nay là các nước có công nghệ nguồn trong nhóm G7 đang có "chính sách Trung Quốc cộng". Đây là chính sách đầu tư vào Trung Quốc của các nước G7 sau chiến tranh thương mại để giảm phụ thuộc vào chuỗi cung ứng, sản xuất tại quốc gia này. Dòng dịch chuyển của các doanh nghiệp công nghệ nguồn này có thể đến Việt Nam, Ấn Độ, Indonesia, Mexico...
Khả năng các doanh nghiệp nhóm Big Tech của Mỹ cộng với Việt Nam hiện nay không cao và cần được cải thiện. Các chuỗi sản xuất, cung ứng của các tập đoàn công nghệ Mỹ luôn cần những doanh nghiệp phụ trợ nội địa. Trong khi hiện không nhiều doanh nghiệp phụ trợ nội địa có thể tham gia vào chuỗi cung ứng, sản xuất của các tập đoàn công nghệ cao của Mỹ.
Không dễ để các hãng công nghệ lớn của Mỹ chuyển từ Trung Quốc đến Việt Nam đầu tư vì họ phải cân nhắc về năng lực đáp ứng của các doanh nghiệp phụ trợ nội địa.
Câu chuyện Intel đầu tư vào Việt Nam hiện nay là một ví dụ. Họ đầu tư dự án công nghệ cao, sản xuất chip điện tử tại Việt Nam nhưng chúng ta lại thiếu công nhân, kỹ sư công nghệ cao.
Chúng ta có các sinh viên tốt nghiệp ngành khoa học kỹ thuật trong nước nhưng Intel vẫn phải tái đào tạo lao động ở Singapore để đáp ứng yêu cầu sản xuất tại các nhà máy công nghệ cao. Khi Big Tech muốn đầu tư vào Việt Nam thì chúng ta phải có sẵn nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng phù hợp. Muốn đến Việt Nam đầu tư, họ sẽ phải tiến hành đào tạo lao động trước.
Đầu tư vào Việt Nam, Mỹ đứng thứ 11
"Nếu nhìn vào số vốn đầu tư trực tiếp FDI từ Mỹ vào Việt Nam hiện nay, có thể thấy còn khá khiêm tốn. Đầu tư FDI từ Mỹ đứng thứ 11 trong hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ đang đầu tư tại Việt Nam. Nhiều nhà đầu tư Mỹ không trực tiếp đầu tư vào Việt Nam mà chọn phương án lập doanh nghiệp ở nước thứ 3 như Singapore... để đầu tư vào Việt Nam.
Trong năm 2020 các nhà đầu tư Mỹ đầu tư vào ASEAN khoảng 34,7 tỉ USD, trong khi đầu tư vào Việt Nam chưa đến 1 tỉ USD. Điều này cũng cho thấy môi trường đầu tư Việt Nam còn gì đó chưa đủ hấp dẫn nhà đầu tư Mỹ", ông Nguyễn Văn Toàn nhận định.
Thủ tướng tọa đàm với các tập đoàn công nghệ hàng đầu của Mỹ
Vào ngày làm việc cuối trong khuôn khổ chuyến công tác tại Mỹ hôm 17-5, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự tọa đàm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp với các doanh nghiệp công nghệ lớn của Mỹ như Google, Meta, Microsoft.
Thủ tướng cũng làm việc với một số doanh nghiệp Việt kiều hoạt động trong lĩnh vực tài chính và công nghệ, tham dự Hội thảo xúc tiến du lịch do Saigontourist là một trong hai đơn vị đồng tổ chức.
Cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp lãnh đạo Tập đoàn Microsoft, gặp ông David Entwistle, chủ tịch Trường đại học Y và hệ thống bệnh viện của Đại học Stanford, và gặp bà Thị trưởng San Francisco London Breed. Thủ tướng cũng đã đi thăm trụ sở các tập đoàn Microsoft, Intel và Apple.
Cuối ngày, Thủ tướng gặp gỡ một số đại diện Việt kiều đã có những đóng góp cho đất nước, đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 vừa qua, cùng một số lưu học sinh tiêu biểu.
NGUYỄN KHÁNH (từ Washington D.C)
Chiều 16-5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới tham quan sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE), dự tọa đàm với CEO của một số doanh nghiệp hàng đầu, trong đó có các doanh nghiệp lớn của Việt Nam như VinFast, Sovico.