Sản phẩm quảng cáo trên mạng trị bách bệnh bị phát hiện là thuốc giả

Chia sẻ Facebook
28/12/2023 03:33:02

Ngày 27/12, Viện Kiểm nghiệm thuốc Tp.HCM cho biết, sau khi đặt mua thuốc ngẫu nhiên trên mạng, đã phát hiện thuốc giả, không có số đăng ký, trộn trái phép.

Theo Viện Kiểm nghiệm thuốc Tp.HCM, hiện nay có rất nhiều sản phẩm là thuốc được bày bán trên các website, các trang thương mại điện tử và các nền tảng xã hội như: facebook, tik tok,…


Gửi Bộ Y tế xử lý thuốc giả

Theo thông tin quảng cáo trên trang web nhathuocviet24h.com (có địa chỉ liên hệ tại CT10A khu đô thị Đại Thanh, Thanh Trì, Hà Nội), Viện Kiểm nghiệm thuốc Tp.HCM đã đặt mua sản phẩm có tên LINSEN DOUBLE CAULIS Plus (thành phần công bố trên nhãn là: Caulis Sinomenii 50 Mg, Caulis Piperis Futoradsurae 50 Mg, Rhizoma Chuanxiong 30 Mg, Radix Clematidis 60 Mg, Herba Asari Cum Radice 20 Mg, Radix Angelicae 50 Mg; nhà sản xuất: WELIP (M) SDN. BHD. – Malaysia) để phân tích thành phần.

Kết quả phân tích cho thấy trong mẫu có chứa Piroxicam và Dexamethason, là hai thành phần được pha trộn trái phép. Hàm lượng Piroxicam khoảng 9,56 mg/viên và hàm lượng Dexamethason khoảng 0,27 mg/viên.

Sản phẩm bị phát hiện thuốc giả. Ảnh: Viện Kiểm nghiệm thuốc Tp.HCM

Ngay khi có kết quả phân tích, Viện Kiểm nghiệm thuốc Tp.HCM đã gửi văn bản báo cáo Bộ Y tế để có biện pháp xử lý.

Thuốc là sản phẩm có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ con người, và là sản phẩm kinh doanh có điều kiện. Vì vậy, Viện Kiểm nghiệm thuốc TP.HCM kính đề nghị các cơ quan chức năng có biện pháp kiểm tra giám sát chặt chẽ việc mua bán thuốc trên website, trang thương mại điện tử và các nền tảng xã hội; vận động và tuyên truyền người dân không mua, bán, sử dụng các sản phẩm thuốc không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; nếu phát hiện các sản phẩm thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ cần báo ngay cho các cơ quan chức năng để kịp thời có biện pháp xử lý.


Quảng cáo trị bách bệnh như một “thần dược”

Theo tìm hiểu của PV, sản phẩm có tên LINSEN DOUBLE CAULIS Plus trên mạng được rao bán nhiều trang khác nhau, được quảng cáo là sản xuất cũng như phân phối bởi công ty dược phẩm cùng tên có trụ sở tại Jakarta, Malaysia. Sản phẩm đã được nhập khẩu về Việt Nam và được phân phối rộng rãi tại các hiệu thuốc trên toàn quốc.

“Sản phẩm được đóng gói 20 viên/hộp, có tác dụng giảm tình trạng sưng viêm, đau nhức tại dây chằng, vùng sụn và xương khớp. Tăng cường sự lưu thông, tuần hoàn máu và khí huyết ở trong cơ thể, giúp máu nuôi dưỡng các mô sụn khớp. Thư gân hoạt lạc, mạnh gân cốt”, một đoạn quảng cáo sản phẩm này trên trang dươcphambacnam.com.

Ngoài ra, tác dụng của sản phẩm còn được hô biến như một thần dược “là liệu pháp hữu hiệu dành cho các trường hợp đau liên quan đến xương khớp,… sản phẩm được chiết xuất 100% thảo dược thiên nhiên quý hiếm không gây tác dụng phụ trong thời gian sử dụng và cả sau khi ngưng sử dụng, ngoài ra, sản phẩm có tác dụng hiệu quả khắc phục các trường hợp viêm thấp khớp, gout”…

Sản phẩm được quảng cáo trên nhiều trang mạng như một thần dược chữa nhiều bệnh.

Trên trang quaythuoc.com lại quảng cáo sản phẩm này trị thêm bệnh gút và giới thiệu bán sản phẩm giá 150.000/hộp. Cụ thể:  “Bệnh gút” căn bệnh "nhà giàu" hiện nay đang khá nhiều người mắc phải và rất nhiều người mắc phải do hàm lượng acid uric quá cao trong máu. Do đời sống ngày càng cải thiện thì hiện nay bệnh gút lại càng trở nên phổ biến do việc bổ sung các chất dinh dưỡng không được khoa học của đại đa số người dân Việt Nam.

Chính vì vậy mà nhu cầu tìm kiếm sản phẩm điều trị bệnh gút hiện nay là khá cao nhất là những sản phẩm từ thảo dược do điều trị bằng thuốc tây thì gần như không thể khỏi dứt điểm tình trạng bệnh và dùng lâu dài có nhiều tác hại”.

Được biết, thời gian qua, trên địa bàn Tp.HCM, Sở Y tế Tp.HCM cũng liên tục kiểm tra và xử phạt nhiều nhà thuốc có nhiều vi phạm trong sản xuất, kinh doanh dược, nhà thuốc với số tiền hàng trăm triệu đồng. Đó là, xử phạt một công ty sản xuất mỹ phẩm tại quận Bình Thạnh với số tiền 150 triệu đồng về hành vi sản xuất mỹ phẩm khi chưa được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm. Cùng với đó là hành vi đưa sản phẩm mỹ phẩm ra lưu thông khi chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm.

Hình thức xử phạt bổ sung  là đình chỉ hoạt động sản xuất mỹ phẩm cho đến khi được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm theo quy định của pháp luật nhưng không quá 24 tháng; buộc thu hồi và tiêu hủy toàn bộ sản phẩm mỹ phẩm...

Đồng thời, Sở Y tế Tp.HCM cũng xử phạt hàng loạt nhà thuốc vi phạm với số tiền hàng chục triệu đồng do đã bán dược liệu đã qua sơ chế không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng theo quy định của cơ quan có thẩm quyền; không mở sổ hoặc không sử dụng máy tính để quản lý nhập, xuất, tồn trữ, theo dõi số lô, hạn dùng, nguồn gốc của dược liệu, vị thuốc cổ truyền và các thông tin khác theo quy định của pháp luật…


Nguyễn Lành

Chia sẻ Facebook