Sản nghiệp của những đại gia trong gia tộc họ Đặng của ông Đặng Thành Tâm

Chia sẻ Facebook
30/08/2022 15:11:49

Gia đình doanh nhân họ Đặng gồm Đặng Thị Hoàng Yến, Đặng Thành Tâm, Đặng Quang Hạnh, và Đặng Thị Hoàng Phượng đang là những người chi phối phần lớn thị trường bất động sản khu công nghiệp và một số lĩnh vực khác tại Việt Nam.

Trong đó, bà Đặng Thị Hoàng Yến (Sn 1959) là chị cả, người sáng lập CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (ITA). Bà Yến hiện là cổ đông lớn của ITA với tỷ lệ sở hữu lên đến 5,79%, tương đương 54.349.633 cổ phần.

Sau 7 năm “mất tích”, đầu năm 2022 vừa qua bà Yến bỗng dưng xuất hiện tại ĐHCĐ ITA theo phương thức trực tuyến từ nước Mỹ. Đáng chú ý, lần này bà Yến xuất hiện với cái tên mới Maya Dangelas.

Chủ tịch ITA Đặng Thị Hoàng Yến trong một cuộc họp trực tuyến.

Giá cổ phiếu ITA liên tục giảm trong những phiên gần đây sau khi thị trường xuất hiện nhiều thông tin tiêu cực liên quan đến công ty và cá nhân bà Yến. Chỉ trong vòng 2 tuần gần đây nhất, ITA đã mất giá 15%.

Trong phiên giao dịch ngày 29/8, ITA giảm sàn còn 7.310 đồng/cp. Sang phiên giao dịch ngày 30/8, cổ phiếu này tiếp tục giảm giá xuống 7.060 đồng. Với mức giá này, tài sản của bà Đặng Thị Hoàng Yến tại ITA còn 383 tỷ đồng, giảm 67 tỷ đồng (15%) chỉ trong vòng nửa tháng qua.

Trong khi đó, tính từ đầu năm 2022 đến nay, giá trị cổ phiếu ITA do bà Yến nắm giữ đã giảm mạnh 60% (556 tỷ đồng) sau khi mã cổ phiếu này rớt giá mạnh từ mức 17.300 đồng/cp trong ngày đầu năm.

Mới đây Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) vừa thông báo về việc đưa cổ phiếu ITA vào diện cảnh báo kể từ ngày 6/9 vì HoSE cho rằng Tân Tạo đã vi phạm quy định công bố thông tin từ 4 lần trở lên trong vòng một năm (tính theo năm dương lịch), thuộc trường hợp chứng khoán bị cảnh báo theo quy định tại Quy chế Niêm yết và giao dịch niêm yết của HoSE.

Nữ doanh nhân Đặng Thị Hoàng Yến là người khai sinh ra CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (ITA) vào năm 1996, bà Yến ngồi ghế Chủ tịch HĐQT doanh nghiệp này từ đó cho đến nay.

Trong khi đó, ông Đặng Quang Hạnh (SN 1961, em trai bà Yến) hiện đang giữ vị trí Tổng Giám đốc kiêm Thành viên HĐQT của ITA. Ông Hạnh ngồi ghế Tổng Giám đốc ITA thay chị gái mình kể từ ngày 4/5/2022. Ngoài ra, doanh nhân này còn là Chủ tịch HĐQT Bệnh viện Đại học y Tân Tạo.

Ông Hạnh không trực tiếp sở hữu cổ phần tại ITA nhưng cùng với em rể (Nguyễn Vĩnh Thọ) là những cổ đông có tiếng nói tại Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NVB) với tỷ lệ nắm giữ 1,08% vốn điều lệ tại ngân hàng này, tương ứng giá trị 155 tỷ đồng tính theo thị giá.

Ông Đặng Quang Hạnh, Tổng Giám đốc ITA.

Thế lực của “Đặng gia” còn được biết đến bởi đại gia Đặng Thành Tâm (SN 1964, em trai bà Yến và ông Hạnh). Ông Đặng Thành Tâm hiện là Chủ tịch HĐQT của hai doanh nghiệp đang niêm yết cổ phiếu trên HOSE là Tổng CTCP Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC) và CTCP Công nghệ Viễn thông Sài Gòn (SGT).

Doanh nhân Đặng Thành Tâm đang trực tiếp sở hữu 14,81% cổ phần tại KBC, trị giá hơn 4 nghìn tỷ đồng; 23,69% cổ phần tại SGT, trị giá 482 tỷ đồng; và 3,10% cổ phần tại ITA, trị giá 210 tỷ đồng. Như vậy, khối tài sản hiện tại của “ông vua” bất động sản khu công nghiệp lên tới hơn 4,7 nghìn tỷ đồng. Thời kỳ đỉnh cao, ông Tâm từng đứng ở vị trí nhất nhì trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán.

Vợ và con gái ông Tâm là bà Nguyễn Thị Kim Thanh và Đặng Nguyễn Quỳnh Anh hiện cũng đang nắm giữ khoảng 20 triệu cổ phiếu KBC, trị giá 690 tỷ đồng.

Ngoài ra, bà Nguyễn Thị Kim Thanh cũng đang sở hữu trên 2 triệu cổ phiếu SGT, trị giá khoảng 60 tỷ đồng.

Bà Thanh từng được biết đến với việc sở hữu 20 triệu cổ phần tại Ngân hàng TMCP Phương Tây (Western Bank). Ngân hàng này sau đó hợp nhất với PVFC để trở thành PVCombank.

Ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT KBC và SGT.

Gia đình doanh nhân họ Đặng còn có một người em gái út là bà Đặng Thị Hoàng Phượng (sinh năm 1969). Nữ doanh nhân này được nhắc đến với vai trò Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Xây dựng Sài Gòn (SCC).

Dù là người sáng lập SCC từ năm 1999 và đưa doanh nghiệp này trở thành một tên tuổi lớn trên thị trường bất động sản, đặc biệt là thị trường bất động sản khu công nghiệp, đô thị, nghỉ dưỡng, nhưng bà Đặng Thị Hoàng Phượng lại là người kín tiếng nhất của “Đặng gia”.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Kinh Tế TP.HCM, bà Đặng Thị Hoàng Phượng từng làm việc tại các Công ty nước ngoài trước khi thành lập và phát triển SCC. Bà Phượng còn có thời gian dài tham gia quản lý và điều hành nhiều Công ty lớn tại Việt Nam với các vị trí như Tổng Giám đốc Tập đoàn Đầu tư Sài gòn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Khoáng sản Sài Gòn - Quy Nhơn…

Do SCC không niêm yết cổ phiếu trên sàn nên rất khó để có thể đánh giá chính xác giá trị tài sản của bà Phượng. Tuy nhiên, nữ doanh nhân này hiện đang trực tiếp nắm giữ 8,23% vốn điều lệ tại SGT, tương ứng giá trị khoảng 170 tỷ đồng. Thông qua SCC, bà Phượng cũng đang sở hữu 5,85 triệu cổ phiếu KBC, trị giá 210 tỷ đồng.

Bà Đặng Thị Hoàng Phượng, Chủ tịch HĐQT SCC.

Trong số 4 anh chị em nhà họ Đặng nói trên, người chị cả Đặng Thị Hoàng Yến được dư luận chú ý nhiều hơn thời gian gần đây.

Ngoài việc cổ phiếu ITA của doanh nghiệp bà Yến làm chủ tịch vừa bị HOSE đưa vào diện cảnh báo do vi phạm quy định về công bố thông tin, những ồn ào xung quanh câu chuyện ITA tạm ứng nghìn tỷ cho bà Đặng Thị Hoàng Yến cũng khiến các nhà đầu tư cảm thấy bất bình.

Theo báo cáo trước đó, ITA đã tạm ứng cho bà Yến 1.936 tỷ đồng để tham gia dự án ở Mỹ. ITA sau đó vội đính chính thông tin bằng việc công bố báo cáo mới, khoản tạm ứng này chỉ còn 633 tỷ đồng, giảm hơn 1.300 tỷ đồng so với báo cáo trước đó, và mục đích là hợp đồng chuyển nhượng cổ phần theo nghị quyết ĐHĐCĐ ngày 29/4/2022.

Giải trình về khoản tạm ứng hơn 600 tỷ đồng cho Chủ tịch, ITA cho biết, theo Nghị quyết ĐHCĐ năm 2019, 2020, 2021 và năm 2022 đã thông qua và ủy quyền cho HĐQT (Chủ tịch Đặng Thị Hoàng Yến, tức Maya Dangelas đại diện) ra các quyết định hợp tác, liên doanh dự án khu dược phẩm công nghệ cao và kính thông minh.

Khoản ủy thác đầu tư này tính tới 30/6 là 1.335 tỷ đồng phải hạch toán vào đầu tư khác. Tuy nhiên, kế toán hạch toán nhầm vào khoản thu khác dẫn đến nợ phải thu của bà Yến tăng lên. Thực chất đây là khoản ủy thác đầu tư theo như nghị quyết ĐHCĐ đã thông qua.

Ngoài ra, nghị quyết ĐHCĐ năm 2022 đã thống nhất về việc để bảo vệ lợi ích của các cổ đông từ rủi ro của dự án điện Kiên Lương do CTCP Phát triển Năng lượng Tân Tạo (TEDC) đầu tư, bà Đặng Thị Hoàng Yến đã đồng ý nhận trách nhiệm chuyển nhượng 20,69% cổ phần Tân Tạo nắm giữ tại TEDC, tương đương số tiền 1.655 tỷ đồng.

Tính tới 30/6, công tác chuyển nhượng đã hoàn tất, bà Yến đã thanh toán cho ITA số tiền 1.022 tỷ đồng. Số tiền Chủ tịch của ITA còn phải thanh toán cho công ty là 633 tỷ đồng. Như vậy, khoản phải thu của bà Yến phát sinh là do khoản chuyển nhượng cổ phần nói trên.


Hiền Anh

Chia sẻ Facebook