Sản lượng công nghiệp của Nhật Bản sụt giảm, đồng Yên lao dốc
Sản lượng các nhà máy Nhật Bản trong tháng 5 được điều chỉnh theo mùa đã giảm 7,2% so với một tháng trước đó, mức giảm hàng tháng mạnh nhất trong vòng 2 năm.
Sản lượng của các nhà máy Nhật Bản trong tháng 5 vừa qua đã ghi nhận mức sụt giảm hàng tháng lớn nhất trong vòng 2 năm. Nguyên nhân do tác động từ các đợt phong tỏa Covid-19 tại Trung Quốc và tình trạng thiếu hụt chất bán dẫn cũng như các bộ phận khác phục vụ cho sản xuất đã gây sức ép đối với nền kinh tế nước này.
Dữ liệu chính thức được công bố mới đây cho thấy sản lượng các nhà máy Nhật Bản trong tháng 5 vừa qua được điều chỉnh theo mùa đã giảm 7,2% so với một tháng trước đó, đặc biệt sản lượng các mặt hàng như ô tô, máy móc điện và máy đa dụng sụt giảm mạnh.
Kết quả 7,2% trong tháng 5 vừa qua đã đánh dấu mức giảm hàng tháng mạnh nhất kể từ mức giảm 10,5% theo tháng vào tháng 5/2020. Sự sụt giảm sản lượng của các nhà máy đã nhấn mạnh thách thức mà nền kinh tế lớn thứ ba thế giới phải đối mặt trong việc khắc phục tình trạng gián đoạn nguồn cung, giá nguyên liệu và năng lượng tăng cao.
Trong khi hoạt động của lĩnh vực dịch vụ tại Nhật Bản đang cải thiện một phần nhờ vào chi tiêu phục hồi hậu đại dịch, lĩnh vực sản xuất của nước này hiện phải đối mặt với sức ép do nguồn cung linh kiện và chip công nghệ cao bị gián đoạn.
Ông Marcel Thieliant, chuyên gia cấp cao về kinh tế Nhật Bản tại công ty tư vấn Capital Economics, cho biết: “Sản lượng công nghiệp sụt giảm trong tháng 5 đã một lần nữa gây thất vọng về sự hồi phục của Nhật Bản”.
Ông Marcel Thieliant chia sẻ thêm: “Thông thường nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này là là do thiếu hụt nguồn cung. Tuy nhiên, trên thực tế là lượng hàng tồn kho vẫn ổn định trong khi sản lượng sụt giảm, điều đó cho thấy nhu cầu yếu cũng đang đóng một vai trò ở đây”.
Ông Takeshi Minami, chuyên gia kinh tế cao cấp thuộc Viện nghiên cứu Norinchukin nhận định: “Nhu cầu chậm có thể ảnh hưởng đến sản lượng trong thời gian tới”.
Dữ liệu về sản lượng công nghiệp được đưa ra một ngày sau khi hãng sản xuất ô tô lớn nhất thế giới về doanh số đến từ Nhật Bản là Toyota Motor Corp (7203.T) cho biết họ đã không đạt mục tiêu sản xuất toàn cầu trong tháng 5 năm nay. Toyota đã sản xuất 634.940 xe trên toàn cầu vào tháng 5, thấp hơn so với mục tiêu sản xuất khoảng 700.000 xe.
Theo dữ liệu từ Trading views, tỷ giá đồng yên so với đồng USD đã giảm mạnh từ mức 103 yên đổi lấy 1 USD vào tháng 12/2020 xuống mức khoảng 136 yen/USD vào ngày 30/6/2022, mức thấp kỷ lục trong vòng hơn 20 năm.
Ông Takuya Kanda, tổng giám đốc của Viện Nghiên cứu Gaitame.com tại Tokyo, chia sẻ với hãng tin Bloomberg trong tháng này: “ Ngân hàng Trung ương Nhật Bản hiện là ngân hàng trung ương duy nhất trong số các quốc gia phát triển không thắt chặt chính sách tiền tệ, khiến đồng yên trở thành đồng tiền mất giá duy nhất".
Đồng yên lao dốc đang làm thúc đẩy chi phí nhập khẩu nhiên liệu của Nhật Bản gia tăng, vốn chủ yếu được thanh toán bằng USD. Điều này đã dẫn đến việc giới chức nước này phải tăng cường kêu gọi các doanh nghiệp và người dân sử dụng điện một cách tiết kiệm. Nhật Bản phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu nhiên liệu .
Phạm Hà Thanh (theo Reuters, We Forum)