Sân khấu cần những nhà kinh doanh giỏi

Chia sẻ Facebook
25/06/2022 13:50:15

Đó là câu kết luận của đạo diễn Ca Lê Hồng, nguyên hiệu trưởng Trường đại học Sân khấu - điện ảnh TP.HCM, tại buổi tọa đàm "Sân khấu TP.HCM - Nội lực sân khấu kịch nói hiện nay" diễn ra tại Hội Sân khấu TP.HCM vào sáng 24-6.

Ngôi nhà không có đàn ông - một trong những vở diễn luôn nằm trong tình trạng "cháy vé" của sân khấu Idecaf - Ảnh: GIA TIẾN


Đạo diễn Ca Lê Hồng cho rằng các đoàn hát ngày xưa đều tự thân vận động, các ông bà bầu biết kinh doanh, biết tổ chức, mời đội ngũ tác giả, đạo diễn, cơ sở vật chất như thế nào... và chúng ta cần học những cái thành công của họ.


Sân khấu hôm nay chịu nhiều tác động nên khó khăn hơn, vì vậy cần phải năng động tìm hướng đi cho phù hợp, tìm mô hình hoạt động mới vì cuộc sống luôn thay đổi không thể cứ như cũ được.

Minh chứng rằng làng sân khấu xã hội hóa TP.HCM hiện nay còn 2 sân khấu bán vé mạnh nhất đều rơi vào đơn vị có hai ông bầu giỏi kinh doanh và không phải nghệ sĩ. Đó là ông bầu Huỳnh Anh Tuấn của sân khấu Idecaf và ông bầu Trần Đại của sân khấu Thế Giới Trẻ.

Ông Tuấn cho rằng các vở diễn sân khấu chung quy đều phải mang tính giải trí, thông qua đó truyền một số thông điệp khác. Khi quản lý một sân khấu, cần xác định mình sẽ chuyên tâm vào thông điệp như thế nào để chọn hướng đi.

Và ông cho rằng đa số sân khấu hiện nay chọn thị trường giải trí nên phải chấp nhận tính sòng phẳng "hay thì người ta mua vé coi, còn dở thì dẹp". Vì vậy, theo ông, những người làm bầu phải nhìn lại lựa chọn của mình để tính cách đi, lựa chọn các thành phần sáng tạo cho phù hợp.

"Chúng ta đang hoạt động sân khấu thị trường nên phải làm tất cả để tồn tại. Sân khấu thay đổi theo từng giai đoạn, lúc thịnh lúc suy là chuyện bình thường. Cho nên bây giờ tôi vẫn rất tự tin.

Người ta đóng cửa sân khấu, nhưng tôi chuẩn bị cho ra mắt sân khấu mới có cả kịch, cải lương, nghệ thuật truyền thống vì tôi sẽ chọn phương thức hoạt động khác để tôi kinh doanh.

Và chắc chắn mô hình này phải mới, Idecaf mà không mới thì Idecaf sẽ đóng cửa. Ý tôi muốn nói rằng tùy tình hình mà mỗi nhà sản xuất phải linh động tìm ra cho mình hướng đi, không đổ lỗi cơ chế và cũng không thụ động ngồi đó chờ ai cả".

Từ kinh nghiệm của bản thân, nhà thiết kế Sĩ Hoàng chia sẻ các nhà sản xuất cần năng động tìm mối quan hệ với các doanh nhân, doanh nghiệp, mở rộng ở các lực lượng quân đội, trường học, ngoại giao...

Như Sĩ Hoàng khi mời các doanh nghiệp đến xem kịch, họ thích và sau đó có thể mua suất diễn như món quà thưởng cho nhân viên của họ, và giá vé anh có thể bán đến 500.000 đồng/vé.

Sĩ Hoàng nói sân khấu Sử Việt của anh vẫn còn mới mẻ, tuy nhiên với cách làm trên bước đầu đã tạo hiệu quả nên anh chia sẻ với mọi người cùng tham khảo để mong tìm hướng ra cho các vở diễn sân khấu.

Ông Trần Ngọc Giàu - chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM - cho rằng ông không đồng tình với việc hô hào đưa kịch, cải lương lên YouTube vì đó là cách giết sân khấu nhanh nhất.

"Nghệ sĩ nổi tiếng cũng làm YouTube, xuất hiện nhiều quá khiến họ không còn là... hàng hiếm, khán giả xem nhiều nên cũng không có nhu cầu đến xem họ diễn ở sân khấu!" - ông Giàu nói.

Còn nhớ ngày xưa, trong thời hoàng kim của sân khấu, người ta dễ dàng chứng kiến việc khán giả phải xếp hàng dài để mua vé xem vở diễn. Hình ảnh đó giờ càng hiếm đi.

Chia sẻ Facebook