''Samsung ngành hóa dầu" đến từ Thái Lan: Chi cả tỷ USD thâu tóm loạt doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam, rót 5 tỷ USD đầu tư dự án lọc hóa dầu Long Sơn
''Samsung'' ngành hóa dầu Việt Nam: Rót 5 tỷ USD cho Tổ hợp hóa dầu lớn nhất miền Nam, nắm trọn thượng nguồn và hạ nguồn ngành nhựa
Vừa qua, ngành hóa dầu đón nhận thông tin dự án Long Sơn của SCG chính thức đi vào hoạt động sau 3 năm thi công với vốn đầu tư hơn 5 tỷ USD, là tổ hợp hóa dầu lớn nhất khu vực miền Nam.
SCG Group là tập đoàn Thái Lan nằm trong nhóm các nhà đầu tư nước ngoài có mặt sớm nhất tại Việt Nam ngay sau khi Luật Đầu tư nước ngoài sửa đổi có hiệu lực vào năm 1992. Khởi đầu, SCG Group tập trung vào mảng vật liệu xây dựng - xi măng, nhưng chủ yếu là thương mại. Càng về sau, quy mô hoạt động của tập đoàn này càng mở rộng thông qua việc chi hàng tỷ USD thâu tóm các doanh nghiệp đầu ngành, ở nhiều lĩnh vực.
Với tổ hợp hóa dầu lớn nhất khu vực miền Nam, SCG được ví như Samsung của ngành hóa dầu Việt Nam.
Tại ngày 30/9/2022, tổng tài sản của SCG đạt 584.500 tỷ đồng (tương đương 24,53 tỷ USD). Riêng tổng tài sản của SCG tại khu vực Đông Nam Á (ngoại trừ Thái Lan) là 269.450 tỷ đồng (11,31 tỷ USD), chiếm 46% trên tổng tài sản hợp nhất của SCG.
Trong đó, Việt Nam đã trở thành thị trường trọng điểm thứ hai của SCG chỉ sau sân nhà Thái Lan. Doanh thu năm 2020 - 2021 mà SCG thu được từ thị trường Việt Nam gần bằng cả con số thu được từ 3 thị trường Indonesia, Campuchia và Philippines cộng lại. Tính đến cuối năm 2021, tổng tài sản của SCG tại Việt Nam đạt 146.794 tỷ đồng, tương đương 6,5 tỷ USD.
Hiện, SCG có hơn 24 công ty thành viên hoạt động khắp Việt Nam với hơn 16.000 nhân viên, tập trung vào 3 mảng kinh doanh chính là xi măng - vật liệu xây dựng (SCG Cement - Building Materials), hóa dầu (SCG Chemicals) và bao bì (SCG Packaging).
Rót hàng tỷ USD thâu tóm loạt DN top đầu ngành VLXD, bao bì - nhựa, hóa dầu
Điểm qua một vài tên tuổi lớn đầu ngành nhựa, bao bì, VLXD, xi măng tại Việt Nam hầu như đều đã về tay "ông lớn" Thái Lan SCG. Chủ tịch Kan Trakulhoon của Tập đoàn SCG từng tiết lộ ngân sách chi cho M&A đến năm 2020 tại Việt Nam của SCG lên đến 5-6 tỷ USD, và khẳng định sẽ tiếp tục rót thêm vốn đầu tư và thâu tóm để chiếm thị phần lớn hơn nữa.
Năm 2012, SCG đánh dấu sự xuất hiện tại Việt Nam ở mảng VLXD thông qua thỏa thuận mua 85% cổ phần CTCP Prime Group với giá 7,2 tỷ baht (gần 5.000 tỷ đồng), trở thành thương vụ mua bán sáp nhập lớn nhất cho tới nay trong lĩnh vực này. Đến đầu năm 2016, SCG nắm quyền sở hữu 100% cổ phần của Prime Group khi mua thêm 15% còn lại.
Việc mua lại Prime Group không chỉ giúp SCG tăng cường sự hiện diện tại Việt Nam, mà còn giúp tập đoàn này trở thành nhà sản xuất gạch lát sàn lớn nhất thế giới - với sản lượng kỷ lục là 225 triệu m2/năm.
Trong số hàng chục công ty thành viên của Prime Group, thì Prime - Vĩnh Phúc là “ngôi sao" sáng nhất. Trước khi sụt giảm xuống còn gần 1.300 tỷ năm 2020, doanh thu công ty này từng đạt 1.523 tỷ đồng vào năm 2018 - mức cao nhất toàn hệ thống.
Riêng các công ty xi măng lớn hiện nằm trong hệ sinh thái SCG gồm có Công ty TNHH Vật liệu xây dựng Xi măng SCG Việt Nam, Công ty CP Đầu tư và Công nghiệp Bửu Long, Xi măng Sông Gianh, Công ty CP Vật liệu xây dựng Việt Nam (Starcemt/VCM).
Đối với ngành nhựa - bao bì, SCG đã bỏ vốn vào hơn 20 doanh nghiệp Việt Nam. Trong đó, khoản đầu tư đáng chú ý nhất là mua 80% cổ phần Công ty bao bì Tín Thành - doanh nghiệp thuộc top đầu trong lĩnh vực nhựa bao bì. Tiếp đó là thương vụ mua 70% cổ phần Nhựa Duy Tân năm 2021. SCG còn nắm giữ cổ phần tại các công ty chuyên sản xuất nhựa gia dụng - bao bì là Liên doanh Việt - Thái Plastchem, Nhựa và Hóa chất TPC Vina, Chemtech, Kraft Vina,...
SCG từng là cổ đông lớn của cả Nhựa Tiền Phong và Nhựa Bình Minh nhưng hiện đã thoái hết vốn tại Nhựa Tiền Phong và nắm quyền chi phối Nhựa Bình Minh (sở hữu hơn 54% vốn).
Với doanh thu các công ty thành viên duy trì tương đối ổn định, thậm chí tăng lên mức kỷ lục đơn cử như TPC Vina năm 2021, nhìn chung, SCG đang dần nắm trọn thượng nguồn và hạ nguồn của ngành sản xuất nhựa Việt Nam.
Vận hành nhà máy lọc dầu 5 tỷ USD lớn nhất khu vực miền Nam
Chiến lược thâu tóm các doanh nghiệp đầu ngành nhựa tại Việt Nam của SCG được hậu thuẫn bởi mắt xích quan trọng ở thượng nguồn là Tổ hợp lọc hóa dầu Long Sơn (PSL), với tổng vốn đăng ký khoảng 5,4 tỷ USD, tổng diện tích 464ha.
Trước đó, sau khi mua lại phần vốn để tăng sở hữu tại Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn lên 71%, đến năm 2018, SCG tiếp tục mua phần vốn còn lại của Tập đoàn Dầu khí Quốc Gia Việt Nam (Petrovietnam) để chính thức là chủ đầu tư của dự án này.
Động thổ từ năm 2018, cụm nhà máy trọng điểm đầu tiên ở dự án Long Sơn được khánh thành cuối tháng 11 vừa qua bao gồm 3 hạng mục với công nghệ tiên tiến nhất gồm: Cảng Hydrocarbon, Hệ thống bồn bể và Nhà máy Tiện ích Trung tâm.
Dự án có công suất lên đến 1,35 triệu tấn olefin mỗi năm và được thiết kế để sản xuất đa dạng sản phẩm hóa dầu khác nhau bao gồm các nguyên liệu nhựa thiết yếu như polyethylene và polypropylene với sản lượng mục tiêu hơn 1,4 triệu tấn mỗi năm để thay thế sản phẩm polyolefin đang được nhập khẩu hiện nay - là nguồn cung ứng cho các nhà sản xuất nhựa.
Lãnh đạo SCG nhận định đây là dự án đầu tư có quy mô lớn nhất của Tập đoàn tại khu vực ASEAN cùng với việc sử dụng các công nghệ kỹ thuật hàng đầu, được chứng nhận trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, đây là nhà máy lọc dầu lớn nhất Việt Nam, và lớn thứ 3 cả nước sau Nghi Sơn, Dung Quất.
Với khối tài sản khổng lồ cùng chiến lược gia tăng mở rộng ảnh hưởng đa ngành, SCG Group còn đầu tư vào các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực kỹ thuật số và logistics ở Việt Nam. Ông Roongrote Rangsiyopash, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn SCG xác nhận Việt Nam hiện là điểm đến đầu tư ưu tiên số 1 của tập đoàn trong khu vực ASEAN và từng hé mở thêm các kế hoạch:
''Ngoài dự án trọng điểm Tổ hợp hóa dầu Miền Nam (LSP), trong tương lai gần, chúng tôi sẽ mở rộng việc sản xuất kinh doanh bao bì ở khu vực phía Bắc gần Hà Nội.
Bên cạnh những dự án đó, SCG cố gắng không chỉ tăng cường việc giảm thiểu sử dụng năng lượng mà còn sẽ tiếp tục giới thiệu các sản phẩm mới như sản phẩm xi măng carbon thấp cho thị trường miền Trung Việt Nam.
SCG hy vọng tiến độ của các dự án sẽ được đẩy nhanh hơn nữa trong thời gian tới. SCG thực sự rất lạc quan về tốc độ phục hồi của các doanh nghiệp nội địa. T ôi xin xác nhận rằng Việt Nam là điểm đến đầu tư ưu tiên của SCG trong khu vực ASEAN''.