Samsung Hàn Quốc và BOE Trung Quốc kiện lẫn nhau xâm phạm bản quyền màn hình OLED cho điện thoại
VietTimes – Công ty Samsung Display của Hàn Quốc đã đệ đơn kiện BOE Technology của Trung Quốc, cáo buộc BOE xâm phạm 5 bằng sáng chế của Samsung về màn hình trên các thiết bị di động như iPhone 12 của Apple.
Samsung và BOE bước vào cuộc chiến pháp lý quyết liệt xung quanh bản quyền màn hình OLED điện thoại iPhone (Ảnh: Sohu). |
Theo Reuters ngày 3/7, Samsung Display, một công ty con của Samsung Electronics, đã đệ đơn yêu cầu bồi thẩm đoàn tòa án liên bang ở Texas buộc BOE bồi thường thiệt hại cho Samsung vì xâm phạm bằng sáng chế về màn hình đi-ốt phát sáng hữu cơ (OLED). Samsung cũng đang tìm kiếm lệnh cấm từ tòa án để ngăn cản BOE nhập khẩu và bán các màn hình xâm phạm bản quyền.
Vụ án đã được đệ trình lên tòa án liên bang Mỹ ở miền đông Texas vào thứ Tư tuần trước (28/6), nơi nổi tiếng với tốc độ xét xử và phán quyết nhanh chóng. Đây là lần đầu tiên Samsung nhắm trực tiếp vào một đối thủ Trung Quốc cạnh tranh lớn trong một vụ tranh chấp bằng sáng chế.
Apple trước nay đã sử dụng màn hình OLED trên một số mẫu Apple Watch và iPhone, bao gồm cả iPhone 14 mới nhất. Apple cho biết màn hình OLED có độ phân giải cao hơn và mỏng hơn loại màn hình truyền thống.
Công ty nghiên cứu thị trường Omdia cho biết thị trường màn hình OLED do Samsung Display thống trị và BOE đã thu hẹp khoảng cách trước đó; vào năm ngoái BOE đã vượt qua LG Display của Hàn Quốc để trở thành nhà sản xuất OLED lớn thứ hai thế giới.
Đơn khởi kiện của Samsung viết: "Samsung Display đã và sẽ tiếp tục chịu những thiệt hại không thể khắc phục được do bị cáo vi phạm ‘Bằng sáng chế 599’, và không có biện pháp khắc phục thỏa đáng nào về mặt pháp lý ngoại trừ việc tòa án cấm bị cáo xâm phạm". Đơn kiện nhắc đến việc Sáng chế 599, có thể nâng cao chất lượng hình ảnh của thiết bị.
Tờ Korean Economic Daily Global (kedglobal.com) ngày 30/6 viết rằng khi Samsung được thông báo một số cửa hàng sửa chữa điện thoại thông minh ở Mỹ đang sử dụng tấm nền OLED hàng nhái do công ty Trung Quốc sản xuất để thay thế màn hình OLED gốc của Samsung trong iPhone 12, cuộc chiến tranh chấp bằng sáng chế bắt đầu. Người dùng iPhone 12 có thể lựa chọn giữa màn hình nhái Trung Quốc hoặc màn hình xịn Samsung tại các trung tâm sửa chữa độc lập này. Samsung đã chứng thực rằng các sản phẩm thay thế của Trung Quốc đã sao chép công nghệ OLED của họ đã được cấp bằng sáng chế.
Tháng 12 năm ngoái, Samsung Display đã đệ đơn kiện lên Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ, cáo buộc một số công ty bán màn hình OLED vi phạm bằng sáng chế, dẫn đến cuộc điều tra của cơ quan này.
Korea Economic Daily Global đưa tin, Samsung cho biết các tấm nền và linh kiện hoàn toàn dựa trên các bằng sáng chế OLED tiên tiến của công ty, bao gồm một bằng sáng chế về công nghệ Diamond Pixel,. Họ đã yêu cầu một tòa án Mỹ cấm 17 hãng bán buôn linh kiện điện thoại thông minh của Mỹ, trong đó bao gồm MobileSentrix, Injured Gadget và DFW Cellphones & Parts… nhập khẩu các bộ phận và bảng điều khiển sản xuất bằng công nghệ đã được cấp bằng sáng chế của Samsung.
Tháng 1 năm ngoái, giám đốc điều hành Samsung Display là Choi Kwon-young khi trả lời câu hỏi của các nhà phân tích về sự cạnh tranh ngày càng tăng trên thị trường màn hình OLED di động, cho biết công ty đang tích cực tìm cách để được bồi thường quyền sở hữu trí tuệ.
Hồi tháng 5 năm nay, BOE Technology đã đệ đơn phản tố lên Tòa án Trùng Khánh, kiện Samsung Display và các công ty ở Trung Quốc của nó, cũng như hoạt động kinh doanh của Samsung Electronics tại Trung Quốc vi phạm bằng sáng chế. BOE lập luận rằng công ty Hàn Quốc đã sử dụng công nghệ của BOE mà không có giấy phép.
Hàn Quốc là cường quốc sản xuất các sản phẩm từ chip, màn hình cho đến ô tô, nhưng các công ty Hàn Quốc đang phải đối mặt với mối đe dọa ngày càng tăng từ các đối thủ Trung Quốc.
Các công tố viên Hàn Quốc cho biết vào tháng trước một cựu giám đốc điều hành của Samsung Electronics đã bị truy tố vì bị cáo buộc ăn cắp công nghệ của công ty cung cấp cho một nhà máy sản xuất chip sao chép ở Trung Quốc và gây nguy hại cho an ninh kinh tế quốc gia.
Trong khi đó, theo trang tin Sohu ngày 4/7, trong chuỗi ngành smartphone, trước đây Trung Quốc từng “thiếu chip thiếu màn hình”, nhưng với sự chung sức của các nhà sản xuất tấm nền trong nước như BOE, China Star, Tianma, Visionox, Trung Quốc đã trở thành nước sản xuất và xuất khẩu màn hình lớn nhất thế giới. Các mẫu flagship của nhiều nhà sản xuất điện thoại di động cũng sử dụng màn hình OLED do Trung Quốc sản xuất, chẳng hạn như dòng Vivo X90/90Pro, Xiaomi 13 Ultra và Honor Magic5…
Theo dữ liệu khảo sát của CINNO Research, thị phần tấm nền OLED của điện thoại thông minh Trung Quốc vào quý 3 năm 2022 đã chiếm 30% thị trường toàn cầu, với mức tăng 50% so với cùng kỳ năm trước; trong đó thị phần của BOE là 13%, chỉ đứng sau Samsung.
Sohu cho rằng, màn hình OLED nội địa Trung Quốc lên ngôi, khiến Samsung hốt hoảng nên hãng có thị phần màn hình OLED cho smartphone lớn nhất thế giới này, đã đi đầu kiện BOE tại Mỹ.
Samsung cho rằng tấm nền OLED do BOE cung cấp cho các mẫu iPhone 13/12/14 đã vi phạm 5 bằng sáng chế của Samsung, bao gồm cấu trúc sắp xếp kim cương và công nghệ truyền động. Bằng chứng là BOE cung cấp cho Apple tấm nền màn hình để sửa chữa iPhone 13/12/14 tương tự như sản phẩm của Samsung đã được cấp bằng sáng chế.
Tại Trung Quốc, theo thông báo của tòa án, BOE cũng đang kiện Samsung và có nhiều vụ tranh chấp liên quan đến việc vi phạm bằng sáng chế phát minh. BOE cho rằng các công nghệ mà Samsung xâm phạm 5 bằng sáng chế của BOE có liên quan…
Mặc dù Samsung vẫn dẫn trước BOE về thị phần, nhưng do màn hình của Samsung đắt hơn và chất lượng màn hình OLED Trung Quốc liên tục được cải thiện, hiệu quả hiển thị của màn cao cấp đã không thua, thậm chí vượt qua Samsung, như về điều tiết quang cao tần đã đạt được độ cao nhất là 3840Hz.
Bắt đầu từ iPhone12, tất cả các điện thoại iPhone12/13/14 đều sử dụng màn hình OLED, tỷ lệ thâm nhập thị trường của điện thoại thông minh tấm nền OLED đã tăng từ 29,2% năm 2018 lên 50,8% vào năm 2023. Ngày nay, phần lớn những điện thoại giá hàng nghìn nhân dân tệ cũng đang sử dụng màn hình OLED, có thể nói OLED là xu hướng chủ đạo hiện nay.
Mặc dù BOE hiện có tỷ lệ cung hàng thấp nhất cho iPhone và chỉ cung cấp cho mẫu phiên bản tiêu chuẩn, nhưng cũng khiến Samsung cảm thấy áp lực rất lớn. Nhà phân tích nổi tiếng Quách Minh Kỳ (Ming-Chi Kuo) từng cho biết BOE dự kiến sẽ trở thành nhà cung cấp màn hình lớn nhất cho iPhone 15 phiên bản tiêu chuẩn (15/15Plus) trong dòng iPhone 15 sẽ ra mắt vào tháng 9 năm nay, với thị phần khoảng 70%, trong khi Samsung chỉ có 30%.
Đến năm 2024, BOE sẽ bắt đầu cung cấp màn hình LTPO OLED cao cấp hơn cho dòng iPhone 16, khiến họ thay thế Samsung trở thành nhà cung cấp màn hình lớn nhất cho iPhone. Những tiết lộ của Ming-Chi Kuo xưa nay được cho là luôn chính xác và Samsung, với tư cách là chuỗi cung ứng cốt lõi, có lẽ đã cảm nhận được sóng gió đang ập tới.
Thay vì ngồi yên, Samsung đã chủ động tấn công, cộng thêm trước đây BOE đã khởi kiện Samsung tại Trung Quốc. Lần này Samsung kiện BOE tại Mỹ, không có gì ngạc nhiên khi hai bên tiếp tục cuộc chiến pháp lý về xâm phạm bằng sáng chế.
Sohu kết luận: sự trỗi dậy của màn hình OLED Trung Quốc đã khiến Samsung hoảng hốt nên họ đã ra tay trước, khởi tố BOE.
Theo Sohu