Saint-Gobain cam kết đạt chuẩn trung hòa carbon vào năm 2050

Chia sẻ Facebook
29/09/2022 08:31:55

Đồng hành cùng Forbes Vietnam Impact Business Summit – Hội nghị Kinh doanh tạo Tác động, Sain-Gobain khẳng định cam kết đạt chuẩn trung hòa carbon vào năm 2050 với chiến lược rõ ràng và hành động quyết liệt.


Xuất phát từ những vấn đề cấp thiết

Theo báo cáo Global Status Report for Buildings and Construction 2021, lĩnh vực xây dựng nói chung là nguyên nhân của gần 40% lượng phát thải CO2, đồng thời chiếm đến 36% tổng mức tiêu thụ năng lượng trên toàn cầu chỉ trong năm 2021.

Với vị thế là doanh nghiệp dẫn đầu trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, ngay từ rất sớm Saint-Gobain đã nhận diện được thực trạng và có định hướng phát triển bền vững cho doanh nghiệp, kiến tạo thị trường, thúc đẩy tạo ra những hành vi tiêu dùng mới theo xu hướng này.


Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Trường Hải Tổng Giám đốc Saint-Gobain Việt Nam chia sẻ định hướng lâu dài của Saint-Gobain: "Thông qua khái niệm "Grow & Impact" –Tăng trưởng và tạo tác động tích cực" chúng tôi tiếp cận khái niệm phát triển bền vững cần đảm bảo được 2 yếu tố: doanh nghiệp tăng trưởng dựa trên việc cung cấp các sản phẩm, dịch vụ có giá trị cao với người sử dụng - chú trọng mang đến sự tiện nghi, an toàn và sự phát triển đó phải đi đôi với các hoạt động bảo vệ, tái tạo tài nguyên môi trường. Và cụ thể hơn cho mục tiêu này chính cột mốc đạt được chuẩn cacbon neutral (trung hoà carbon) vào năm 2050 mà chúng tôi đã cam kết".


Trung hòa carbon đề cập đến việc làm giảm lượng phát thải CO2 qua các hoạt động sản xuất, vận hành của doanh nghiệp. Điều này có vai trò rất lớn trong hành trình phát triển bền vững vì cho phép giảm thiểu lượng khí CO2, giảm tác động trực tiếp đến việc nóng dần lên của trái đất và biến đối khí hậu, từ đó mang lại nhiều lợi ích xã hội.


Tháo gỡ từng "mắc xích"

Tại Việt Nam, như hầu hết các nước đang phát triển khác, Saint-Gobain gặp phải thách thức lớn khi tỉ lệ khách hàng chấp nhận với việc bỏ thêm chi phí cho các sản phẩm, hoạt động có lợi với môi trường chưa cao. Bên cạnh đó, quan niệm và thói quen sử dụng vật liệu xây dựng truyền thống cũng tạo nên những rào cản không nhỏ.

Để giải quyết những "điểm khó" này, Saint-Gobain Việt Nam tập trung vào các khía cạnh đẩy mạnh phát triển sản phẩm, cải tiến chuỗi cung ứng và đầu tư chi phí nhằm tạo nhu cầu và tâm lý cởi mở cho khách hàng khi lựa chọn các sản phẩm "xanh". Đối với ngành vật liệu xây dựng, đây là 3 yếu tố quan trọng để tạo được sự chuyển đổi cho mục tiêu phát triển bền vững.

Saint-Gobain Việt Nam nghiên cứu để tạo ra các thế hệ sản phẩm mới giảm nguyên liệu sử dụng nhưng chất lượng không đổi hoặc phải tốt hơn. Hoạt động được áp dụng cho các sản phẩm chủ đạo tại thị trường Việt Nam như khung xương, tấm thạch cao, tấm xi măng sợi. Giai đoạn đầu, việc thay đổi này gặp khá nhiều phản ứng trái chiều từ khách hàng do quan niệm, sản phẩm xây dựng càng nhẹ chất lượng sẽ không bền chắc. Từ đây, các hoạt động trải nghiệm thực tế sản phẩm, kiểm chứng chất lượng từ đơn vị chuyên môn… được đẩy mạnh nhằm giúp khách hàng đón nhận một khái niệm mới về chất lượng sản phẩm vật liệu xây dựng hiện đại: nhẹ - thi công nhanh - bền. Sau một thời gian, các sản phẩm đã được khách hàng chấp nhận và có tốc độ tăng trưởng nhanh. Hoạt động này ước tính giúp Saint-Gobain giảm gần 1,300 tấn CO2 thải ra môi trường trong 7 tháng đầu năm 2022.

Mặt khác, Saint-Gobain thúc đẩy nhận thức về phát triển bền vững cho cả nội bộ và các đối tác kinh doanh, đồng thời là nhóm sử dụng sản phẩm trực tiếp như thầu thợ, chủ nhà.

Với câu chuyện chuỗi cung ứng, Saint-Gobain tạo bước đột phá với mô hình Door-to-door (giao hàng tận kho khách hàng), các xe hàng được thiết kế "Combo thông minh" đáp ứng nhu cầu đa dạng sản phẩm của khách hàng và có thể kết hợp nhiều điểm giao trên một hành trình. Bước đi này đã giúp Saint-Gobain giảm gần 50% chuyến xe di chuyển trên đường, ước tính giảm gần 300 tấn CO2 thải ra môi trường trong 7 tháng đầu năm 2022.

"Hiện nay, chúng ta có được sự hỗ trợ rất lớn từ các chính sách của nhà nước để đẩy nhanh quá trình xanh hóa các công trình. Đồng thời, nhận thức của người dùng về tiêu dùng xanh, trách nhiệm với môi trường sẽ ngày một cao. Ở tầm nhìn chiến lược dài hạn, đầu tư vào vật liệu xanh là cơ hội để doanh nghiệp trở nên cạnh tranh và khác biệt để dẫn đầu", ông Nguyễn Trường Hải khẳng định.

Chia sẻ Facebook