Saigo Takamori (1827-1877): Anh hùng trong cuộc Minh Trị Duy Tân
Xuất thân là võ sĩ lại nắm giữ những chức vụ cao đầy quyền lực như Đại tướng lục quân, Tổng chỉ huy cấm vệ quân ở kinh thành nhưng Saigo...
Vào mùa xuân đất nước Nhật Bản rực rỡ trong sắc hoa anh đào. Bởi hoa anh đào chỉ nở trong vòng có một tuần nên dù bận mấy người Nhật cũng thu xếp thời gian cùng người thân đi ngắm hoa. Nếu bạn đến Tokyo vào mùa hoa anh đào nở, chắc chắn bạn bè người Nhật sẽ gợi ý bạn đến thăm công viên Ueno. Khi dạo bước trong công viên bạn sẽ thấy bức tượng tạc một người đàn ông đi bộ dắt theo con chó. Người đàn ông trong bộ trang phục Nhật Bản đó là Saigo Takamori – người anh hùng của Minh Trị Duy Tân.
Saigo Takamori sinh năm 1827, là con của một võ sĩ ở phiên Satsuma (nay là tỉnh Kagoshima). Ông là con trai cả trong gia đình có 6 anh chị em gồm 4 nam 2 nữ. Khi còn nhỏ Saigo Takamori được gọi là “Saigo lớn” để phân biệt với em trai là Saigo Tsugumichi. Thời niên thiếu Saigo tỏ ra không có gì đặc biệt trái lại ông thường bị bạn bè bỏ rơi, trêu chọc do chậm chạp và ít nói. Lớn lên Saigo trở thành chàng thanh niên có thân hình cường tráng, mắt to, vai rộng. Saigo đặc biệt yêu thích môn vật Sumo và thích đi dạo một mình trong núi. Thói quen này về sau đã được Saigo duy trì suốt cả cuộc đời. Ông cũng say mê đọc các cuốn sách của học giả người Trung Quốc Vương Dương Minh. Người ta nói rằng những câu văn ông viết sau này đã thể hiện ít nhiều ảnh hưởng những gì ông đọc được thời trai trẻ. Ông cũng có hứng thú với tư tưởng Thiền của Phật giáo.
Trong số các nhân vật lãnh đạo phong trào Duy Tân sau này, Saigo là nhân vật duy nhất không mấy quan tâm đến văn hóa phương Tây. Tư tưởng tiến bộ của Saigo có được đều là từ các giá trị văn hóa phương Đông. Uchimura Kanzo trong cuốn sách “Những người Nhật Bản tiêu biểu” (xuất bản năm 1908) đã nhận định tư tưởng nhất quán của Saigo có thể khái quát lại ở hai điều: một là thống nhất quốc gia và hai là chinh phục Đông Á.
Trong cuộc đời trai trẻ, Saigo Takamori chịu ảnh hưởng lớn từ hai nhân vật lịch sử: Shimazu Nariakira (phiên chủ của Satsuma) và Fujita Toko (phiên chủ Mizuto).
Shimazu Nariakira là người trầm tĩnh, có năng lực quan sát tốt và ngay từ sớm ông đã nhận ra cần phải cải cách Nhật Bản. Ông nhận thức được nguy cơ và thực thi một loạt cải cách trong lãnh địa của mình. Ông cũng là người tiến hành phòng thủ chống lại sự công phá của người Anh năm 1863 ở Kagoshima và là người mạnh dạn đón tiếp trọng thể người Pháp lên bờ. Shimazu Nariakira là người có sức hấp dẫn lớn đối với Saigo, thủ hạ dưới quyền. Từ đó cho tới mãi về sau Saigo luôn giữ niềm kính trọng đối với ông. Trái ngược với Shimazu Nariakira, phiên chủ Fujita Toko lại là người nhiệt tâm, sôi nổi. Khi Saigo Takamori tìm gặp Fujita Toko, ông đã nói với đệ tử xung quanh rằng: “Người truyền đến đời sau cái chí trong tâm óc ta không phải ai khác chính là thanh niên này”.
Sau khi gặp Fujita Toko ở Edo trở về, Saigo tham gia vào thế lực đảo Mạc hàng đầu khi đó ở tây Nhật Bản. Trong thời gian này Saigo Takamori được nhà sư Getsuko, một người chống Mạc phủ, yêu cầu bảo vệ khỏi sự truy sát tàn bạo của quân Mạc phủ. Saigo nhận lời nhưng rồi khi biết không thể nào bảo vệ nổi nhà sư, Saigo đã cùng với nhà sư nhảy xuống biển vào đêm trăng sáng. Gia nhân vớt được cả hai người nhưng chỉ có Saigo Takamori giữ được tính mạng.
Sau cuộc tấn công pháo kích của hạm đội Anh năm 1863, Saigo trở lại Kagoshima và phục hoạt phong trào chống Mạc phủ tuy nhiên lần này ông thận trọng hơn. Với vai trò trung gian của Saigo, Mạc phủ Tokugawa và phiên Choshu đã đạt được sự hòa giải. Tuy nhiên một năm sau thì quan hệ này bị phá vỡ và Mạc phủ tiến hành “chinh phạt Choshu” . Phiên Satsuma dưới sự chỉ huy của Saigo đã từ chối lệnh cử binh tham gia chinh phạt. Chính sách của Satsuma vào thời điểm này đã mang ý nghĩa quyết định đối với cuộc cách mạng Duy Tân về sau và là điểm xuất phát cho “liên hợp Satsuma – Choshu” nổi tiếng. Khi quân chinh phạt thất bại toàn diện, sự suy sụp của chính quyền Mạc phủ đã đến rất nhanh và đó là thời cơ cho lực lượng tiến bộ lấy danh nghĩa Thiên Hoàng hành động.
Năm 1868, quân đội Thiên Hoàng tiến từ Kyoto về Edo (Tokyo) để tiến hành trận tiến công cuối cùng tiêu diệt chế độ Mạc phủ Tokugawa đã kéo dài 260 năm. Những người ủng hộ Thiên Hoàng muốn tiến hành một cuộc tổng công kích ngày 15 tháng 3 vào Edo nơi Tokugawa đang ở. Tổng tư lệnh lúc đó là Saigo.
Nước Nhật kể từ năm 1603 tồn tại một thứ chính quyền kép. Thiên Hoàng ở Kyoto được coi như là nguyên thủ quốc gia nhưng không có thực quyền. Quyền lực thực sự nằm trong tay tướng quân của dòng họ Tokugawa đóng ở Edo. Chế độ Mạc phủ với chính sách bế quan tỏa cảng, phân biệt sĩ nông công thương được thiết lập và duy trì. Tuy nhiên vào nửa sau thế kỉ 19, Mạc phủ Edo bị Mỹ, châu Âu gây áp lực đòi mở cửa các cảng biển cho họ vào giao thương buôn bán. Cùng thời gian đó, ở Nhật Bản cũng xuất hiện lực lượng ủng hộ hiện đại hóa đất nước. Thế lực ủng hộ hiện đại hóa đất nước này kết lại thành liên minh lấy trung tâm là Satsuma (quê hương của Saigo và hiện nay là tỉnh Kagoshima) và Choshu (hiện nay là tỉnh Yamaguchi).
Trước đó một năm, Tokugawa Yoshinobu người được chọn làm tướng quân (Shogun) đã dự cảm được tình hình nên đột nhiên trao trả quyền lực cho Thiên Hoàng. Yoshinobu cũng mong mỏi việc hiện đại hóa Nhật Bản trong khi duy trì ảnh hưởng của gia đình Tokugawa. Tuy nhiên, những người lãnh đạo của Satsuma và Choshu bao gồm Saigo tuyên bố rằng sẽ không thể có việc hiện đại hóa đất nước nếu dòng họ Tokugawa không bị đánh đổ hoàn toàn. Những người này đứng đầu là Saigo đã tích cực chuẩn bị cho một cuộc tổng công kích vào Edo. Để đối phó, Mạc phủ dự định sẽ nổi lửa thiêu rụi thành phố Edo nếu lực lượng đối lập tiến vào.
Katsu Kaishu, người thống lĩnh quân đội của Mạc phủ cảm thấy e sợ về tình huống này. Ông yêu cầu thủ hạ là Yamaoka Teshu đưa một lá thư tới tay Saigo trong đó đưa ra những điều kiện của việc đầu hàng. Bất chấp hiểm nguy, Teshu, một kiếm sĩ của phái Thiền, đã tiến về phía kẻ địch để gặp Saigo. Cảm phục sự dũng cảm của ông, Saigo đã gặp mặt Teshu tại khu dinh thự ở Shinagawa (Tokyo) vào ngày 14 tháng 3, chỉ một ngày trước cuộc tổng công kích đã định.
Katsu đã thuyết phục Saigo bằng câu nói: “Người của Satsuma hay người của Tokugawa thì cũng đều là người Nhật cả. Việc giết hại lẫn nhau sẽ không đem lại điều gì”. Saigo chấp nhận yêu cầu của Katsu. Yoshinobu dời khỏi Edo yên bình và Edo được bảo vệ nguyên vẹn.
Sau đó Saigo trở thành thành viên của chính phủ Minh Trị. Ông chủ trương “chinh phục” Triều Tiên nhưng những viên chức cấp cao khác trong chính phủ như Iwakura Tomomi, Okubo Toshimichi… phản đối. Bất mãn, Saigo từ chức và trở về quê hương Kagoshima. Ở đó ông mở một ngôi trường và dạy con trai của những người vốn là Samurai.
Năm 1877, các Samurai của Kagoshima, những người bất mãn với chính quyền Minh Trị nổi dậy. Saigo được mời làm thủ lĩnh để đánh lại lực lượng của chính quyền. Cuộc chiến tranh này được sử sách gọi là “Cuộc chiến tranh Tây Nam”. Quân đội của Saigo bị đánh bại và ông tự sát. Khi ấy Saigo 50 tuổi.
Xuất thân là võ sĩ lại nắm giữ những chức vụ cao đầy quyền lực như Đại tướng lục quân, Tổng chỉ huy cấm vệ quân ở kinh thành nhưng Saigo là người vô cùng giản dị. Từ trang phục cho đến thói quen sinh hoạt ông vẫn duy trì như khi còn là một võ sĩ bình thường. Trang phục Saigo mặc là trang phục của Satsuma. Ông thường mặc áo bông sợi và đi guốc thường. Lương tháng ngoài phần chi dùng cho bản thân, ông đem giúp đỡ bạn bè, những người khó khăn. Không chỉ không quan tâm đến trang phục bên ngoài Saigo cũng không quan tâm đến tài sản. Ông đã từng sở hữu miếng đất tốt ở khu phố buôn bán Tokyo nhưng rồi lại bán lại cho nhà nước xây ngân hàng. Có người hỏi ông về giá cả miếng đất, ông chán bỏ đi không cả buồn nghe.
Trong cuộc đời mình Saigo có một thú vui nho nhỏ là chăm sóc chó. Mọi thứ tặng, biếu Saigo đều từ chối riêng thứ gì có liên quan đến chó thì ông vui vẻ nhận. Người ta nói rằng khi ông trao ngôi nhà ở Tokyo cho chủ mới người ta thấy ở đó có chiếc hộp đựng đầy các bức tranh vẽ chó. Trong một bức thư gửi cho nguyên soái Oyama, Saigo đã viết rất kĩ về vòng cổ chó: “Cảm ơn nguyên soái đã cất công gửi cho tôi mẫu vòng cổ chó. Tôi đã xem thấy nó tốt hơn cả đồ nhập khẩu. Nhưng giá như nó dài hơn độ 3 tấc thì đúng với thứ tôi mong đợi. Mong nguyên soái sẽ chế tạo cho tôi 4, 5 chiếc. Thêm nữa, làm ơn nới rộng ra và làm dài thêm 5 tấc”.
Saigo giỏi về quân sự nhưng không giỏi tranh cãi, biện luận. Người ta kể rằng có lần Saigo được mời vào dự yến ở trong cung. Ông vào đó trong bộ trang phục bình thường. Tiệc gần tan ông muốn về nhưng không tìm thấy đôi guốc ông đã tháo ra để ở cửa ra vào. Không muốn làm phiền ai Saigo để chân trần đi dưới mưa. Khi đến cửa thành Saigo bị lính cấm vệ gọi lại và hỏi xem ông là ai. Lính canh có ý nghi ngờ vì trông ông quá giống người bình thường. Ông đáp: “Đại tướng Saigo” . Nhưng lính canh không tin điều đó và không cho ông qua. Saigo đã đứng đợi ở đó dưới mưa chờ xem có ai đó quen có thể chứng nhận thân phận của ông đi qua. Cuối cùng thì xe ngựa của Bộ trưởng Iwakura Tomomi cũng đi qua gần đó. Kết cục ông được lính gác công nhận lên xe ngựa ra ngoài.
Trong nhà Saigo có người hầu nam tên là Kumayoshi, nhân vật thân thiết với gia đình do phục vụ lâu năm. Người này đã kể về đời sống riêng tư của Saigo như sau: “Tôi đã sống cùng chủ nhân suốt 13 năm nhưng chưa lần nào thấy ông chủ quở mắng người hầu. Đại thể những việc quanh mình như thu dọn chăn đệm, mở cửa chủ nhân đều tự làm lấy. Tuy nhiên cũng chưa bao giờ thấy ông từ chối việc người khác có ý giúp mình. Cũng không bao giờ thấy ông từ chối lời đề nghị giúp đỡ của người khác. Tôi có cảm giác chủ nhân giống như một đứa trẻ ngây thơ và hồn nhiên vậy”.
Saigo không để lại cuốn sách nào nhưng những lời ông nói ở thời điểm này khác và những bài thơ ngắn vẫn được lưu lại. Có lần ông đã từng nhận xét: “Người không cần sinh mạng, không cần danh, không cần địa vị, không cần tiền là người khó đối đãi nhất. Nhưng cũng chính những người như thế mới có thể đi cùng với gian khó của cuộc đời. Và nữa cũng chính những người như thế sẽ là những nhân vật có thể cống hiến vĩ đại cho quốc gia”. Saigo cũng là người biết coi trọng người tài khi cho rằng : “Cho dù có luận bàn về chế độ hay phương pháp thế nào đi nữa mà không có người vận hành nó thì cũng hỏng. Trước hết phải là con người sau đó là hoạt động của phương pháp. Chính con người là vốn quý nhất và chúng ta cần phải nỗ lực trở thành những con người đó”.
Saigo là võ tướng nhưng cũng thích làm thơ. Thơ ông thường rất giản dị. Ví dụ như bài thơ dưới đây được Uchimura Kanzo dẫn ra trong cuốn sách “Những người Nhật Bản tiêu biểu” phần viết về Saigo:
Ta có ngàn sợi tóc
Đen hơn mực
Ta có một trái tim
Trắng hơn mây
Cho dẫu tóc có thể cắt
Trái tim không thể nào cắt được.
Hoặc một bài thơ khác:
Đường chỉ có một “đúng hay sai”
Trái tim thường như sắt thép
Nghèo khó tạo ra vĩ nhân
Công lao sinh ra trong khổ nạn.
Và đây là một bài thơ khác ông viết về cảnh trong núi, nơi ông thường đi dạo:
Đất cao
Núi sâu
Đêm yên tĩnh
Không nghe thấy tiếng người
Chỉ nhìn chằm chằm vào chốn thinh không.
Saigo cũng là người từng đưa ra định nghĩa về văn minh vô cùng độc đáo: “Văn minh là việc mở ra và thực thi chính nghĩa. Nó không phải là nhà cửa hoành tráng, trang phục hoa mĩ và bề ngoài đẹp đẽ”.
Nguyễn Quốc Vương
Trích từ cuốn “25 nhân vật lịch sử Nhật Bản” của tác giả
Đăng trên Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Tìm mua sách tại Facebook Nhà sách Vương gia
Xem thêm cùng tác giả, dịch giả:
Ba cuốn sách làm sôi nổi nước Nhật
Mời xem video :