Sài Gòn ai tàu hũ hôn?

Chia sẻ Facebook
25/06/2022 14:06:50

"Ai tàu hũ hôn?", tiếng rao mỗi chiều vang vang khắp xóm nhỏ, khi tôi còn là một đứa trẻ ham chơi ham ngủ. Mẹ tôi mê món tàu hũ, cứ hễ đang ngồi may đồ mà nghe rao là tất tả chạy ra mua một chén để ăn, một chén để dành cho thằng con trai.

Sài Gòn cái gì chẳng có, ai đi xa cũng nhớ Sài Gòn dù là người tứ xứ đổ về, bởi Sài Gòn tìm đâu cũng ra được món ngon thuở ngày xưa ấy - Ảnh: Minh Đức

Tôi khi đó chưa mê món ăn này, cho tới mãi về sau.

"Ăn tàu hũ cho nó mát!" - đó là lời mẹ tôi hãy dặn, mỗi khi thấy tôi suốt ngày chỉ khoái uống nước ngọt.

Những gánh hàng rong bán tàu hũ trí nhớ của tôi, thường hiện lên hình ảnh khắc khổ của những phụ nữ lao động nhưng chân không yếu, tay không mềm, vì họ phải gồng gánh hai vai, dưới cái trời hanh nóng của nước Việt.

Một gánh đựng nồi tàu hũ, một gánh treo vài cái ghế bé tí để có dừng bán ở đâu, khách muốn ngồi cũng có cái ghế mà tựa.

Dù là nắng dù là mưa, những gánh tàu hũ vẫn nóng hổi, nghi ngút khói cùng hương đậu nành, hương gừng bay phấp phới

Có những gánh tàu hũ có một không hai mãi đi vào truyền thuyết, đó là các cô tuổi trạc mẹ tôi, đạp xe, phía sau đặt một nồi tàu hũ vừa phải, đằng trước thì treo những hũ đường mật, gừng, bột lọc...

Chạy xe đạp thì đỡ vất vả hơn, nhưng cũng bất cập ở chỗ rất khó mang vác quá nhiều đồ, thành ra loại hình này nhanh chóng mai một. Chỉ còn những gánh tàu hũ thuần túy là tồn tại tới tận ngày nay.

Dù bao điều đổi thay, món tàu hũ vẫn y nguyên hương vị độc quyền. Có chăng, là thêm thắt chút gì đó gọi là "thời thượng", mong chiều lòng tất cả thực khách, đủ mọi độ tuổi... Đây là ba gánh tàu hũ, có thể chưa là ngon nhất trần đời, nhưng nét riêng thì không đâu bằng.


Tàu hũ trân châu cô Thủy

Đổi dời địa điểm hai lần trong suốt 30 năm buôn gánh bán bưng, nhưng vì chỉ quanh quẩn khu phố Bùi Viện, mà gánh tàu hũ cô Thủy chưa một lần vắng khách.

Ai có thói quen tản bộ ăn xế quanh nơi này hẳn chưa quên hình ảnh cô Thủy rất điệu đà với những bộ quần áo bông, trang điểm đẹp đẽ ngồi bán tàu hũ mỗi chiều.

Sức khỏe thay đổi, lại dời sang nơi khác, cô Thủy bèn để con gái nhỏ tên Đình ngồi bán thay, trong khi bản thân lo việc nấu tàu hũ, nước gừng phía sau...

Mỗi ly tàu hũ có giá 10.000 đồng (ly siêu nhỏ), và 15.000 đồng (ly vừa). Ai muốn ăn thêm hoặc bớt thứ gì cứ dặn bé Đình, con gái cô Thủy - Video: Minh Đức


Nằm ở quận trung tâm, lại nổi tiếng lâu đời, gánh tàu hũ cô Thủy - 12 Đỗ Quang Đẩu, quận 1 - cực kỳ đông, chỉ mới ba giờ chiều trời còn nắng đổ lửa, khách đã kéo tới bán không kịp ngơi tay. Tàu hũ ở đây rất thơm, nước cốt dừa thì khỏi phải bàn, béo ngậy và có vị ngọt đậm đà, nếu ăn với chè cũng cực kỳ ngon.


Nhưng cái riêng của gánh cô Thủy, chính là kết hợp tàu hũ với... trân châu trắng - một món topping (theo tiếng lóng của thế hệ Z là phần ăn thêm). Trân châu ở đây được làm bằng bột năng, viên tròn đều và nhỏ, mềm dai dễ ăn, thay cho bột lọc như vài hàng tàu hũ khác.


Nước gừng đậm vị, rất phù hợp với các bạn thích ăn ngọt, hoặc cho thêm chút đá viên vẫn khá vừa miệng.

Gánh cô Thủy bán từ 2 giờ chiều tới hết (khoảng 5 giờ)

Lúc trước, gánh tàu hũ cô Thủy bán chén sành nhưng về sau số lượng khách ngày một đông, chị phải đổi sang bán ly nhựa (dùng hai lớp) để tiện lợi dù có khách phàn nàn ăn ly nhựa không ngon.

Đây có lẽ là khuyết điểm duy nhất của hàng tàu hũ cô Thủy bởi nhìn chung, hương vị nơi này đậm đà rất hợp với kiểu ăn uống của tôi. Bản thân tôi không thích lắm các món ăn nóng dùng đồ nhựa, nhưng biết sao được vì với lượt khách tới lui nhiều, chén sành không phải là lựa chọn tối ưu.


Tàu hũ bánh lọt cô Sương

Ngã tư đường Trần Hưng Đạo và Bùi Hữu Nghĩa có một gánh tàu hũ... trơ trọi giữa phố, với vài chiếc ghế cóc bé tí hon. Đó là gánh tàu hũ cô Sương - 113 Bùi Hữu Nghĩa, quận 5 - đối diện số 113 là một cửa hàng sầm uất.

Cô Sương kể đã bán tàu hũ được ngót nghét hai chục năm, kèm thêm các món như chèn đậu đen, trôi nước... để khách có lựa chọn. Nhìn gánh tàu hũ khá đơn sơ, nhưng lại là "cần câu cơm" giúp cô nuôi cả gia đình, sau khi chồng cô mất chục năm trước.

Đơn độc bán buôn, cô Sương lấy niềm vui mỗi ngày qua gánh tàu hũ - "cô chẳng nghĩ ngày nào! hôm nào không bán thì buồn".

Chén tàu hũ bánh lọt xanh xanh vàng vàng đẹp mắt, bán từ 8 giờ sáng tới trưa 12 giờ

Sau dịch, các hàng quán đều tăng giá, thay đổi cách kinh doanh "bán mang về", nhưng gánh cô Sương không đổi, cô vẫn dùng chén sành cho khách ngồi ăn trực tiếp.

Lâu lắm rồi tôi mới được ngồi ăn vỉa hè thế này, trên chiếc ghế nhỏ thấp tè, bỏ quên hết mọi thứ để thưởng thức vị tàu hũ ngon lành. Không chỉ có bộc lọc hạt to, dai, mà bánh lọt của cô Sương cũng rất bắt miệng, ăn kèm đường mật khó mà chê cho được.

Một chén tàu hũ giá 8.000 đồng, đầy ắp, đặc biệt ai mê ăn gừng thì sẽ thích gánh cô Sương vì miếng gừng dày, thơm lừng.


Tàu hũ đường mật cô Hiệp

So với hai gánh tàu hũ có hương vị đậm đà cực kỳ hợp khẩu vị của tôi, thì chắc là các bạn nào thích vị ngọt thanh tự nhiên sẽ cực kỳ mê mẩn gánh tàu hũ cô Hiệp nằm tít sâu trong con hẻm ẩm thực nổi tiếng 284 - đối diện chợ Nguyễn Văn Trỗi.

Tàu hũ đường mật cô Hiệp giữ đúng vị tàu hũ khi xưa, vị ngọt thanh nhẹ nhàng, kèm chút vị cay nồng của gừng, và bột lọc giòn dai có hình thù... không giống ai do cô Hiệp tự tay làm. Ai thích kiểu tàu hũ nóng hổi thì nên ghé qua gánh tàu hũ này mà thưởng thức, vì đường mật luôn được cô Hiệp đun sôi liên tục.

Mỗi ngày, cô Hiệp bán hết hai nồi tàu hũ to đùng. Gánh của cô thì người trẻ người già gì cũng có

Do bán từ rất sớm 6h sáng đến khoảng 5h chiều hằng ngày, cô Hiệp nay có thêm chú phụ bán để cô ngồi nghỉ xả hơi. Có trên 30 năm bán tàu hũ, cô Hiệp biết rõ nguyên liệu nào ngon, cách pha chế đường sao cho không bị ngọt gắt mà vẫn không bị nhạt.

Điểm cộng của gánh tàu hũ này là dù bán ngoài vỉa hè, nhưng nằm trong con hẻm khu dân cư nên khá yên tĩnh. Ngoài ra, cô Hiệp còn ghi điểm lớn nhờ vào cách cho tàu hũ trong chén sành, rồi lót thêm một chén inox bên ngoài vì vốn tàu hũ của cô nóng hổi cực kỳ.

Hồi cấp một, mỗi lần mẹ mua tàu hũ cho tôi, tôi lại dặn mẹ bỏ vào tủ lạnh ăn cho mát. Rồi dần dà, tôi đã tập thói quen ăn tàu hũ nóng. Rồi tới tận bây giờ, mỗi lần thấy gánh tàu hũ bất kỳ, tôi lại ghé ăn thử, để nhớ về một thời trẻ con

Tàu hũ (gọi chính xác là tào phớ), là món ăn dân gian bắt nguồn từ Trung Hoa. Được làm từ đậu nành, tàu hũ là loại thực phẩm ít calo, không cholesterol và chứa các chất tốt cho cơ thể như canxi, sắt, magie,...

Ngày nay có nhiều hàng quán do người trẻ lập nên sáng chế tàu hũ với rất nhiều topping trông như các món trà sữa... khiến tàu hũ không còn giữ hương vị đặc trưng, lai tạp quá nhiều.

Cũng may, Sài Gòn vẫn còn đó những gánh tàu hũ truyền thống thơm ngon, hấp dẫn, gợi nhớ về ký ức tuổi thơ.

Các bà ngoại bà nội thường kể những năm 1930 - 1970, dân Sài Gòn, khu Chợ Lớn rất quen thuộc với hình dáng một ông già ốm nhom, đầu đội cái nón rộng vành chóp nhọn gánh chè bán, rao: "Chí mà phù a a a".

Chia sẻ Facebook