Sacombank sẽ như thế nào trong 5 năm tới?

Chia sẻ Facebook
26/04/2022 14:07:17

Trong giai đoạn 2022 - 2026, Sacombank đặt mục tiêu số hóa toàn diện hoạt động và trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu Việt Nam.

Cổ đông Sacombank thảo luận tại đại hội - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG


Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm tài chính 2021 được tổ chức vào ngày 22-4 vừa qua, tình hình "sức khỏe" hiện nay của Sacombank cũng như hình dung về ngân hàng trong 5 năm tới đã hiện ra rõ nét.


Chúng tôi rất muốn chia cổ tức nhưng ngân hàng đang trong giai đoạn tái cơ cấu nên việc này chưa thực hiện được. Cổ tức chưa chia cũng còn đó, rất mong cổ đông thông cảm và chờ đợi sau tái cấu trúc. Riêng khoản 32% cổ phiếu STB đảm bảo cho các khoản nợ tại Sacombank đã bán VAMC phải được phép của Ngân hàng Nhà nước mới bán được. Hy vọng trong năm 2022, Sacombank sẽ xử lý dứt điểm và trong năm 2023, Ngân hàng Nhà nước sẽ cho phép chia cổ tức.
Ông Dương Công Minh (chủ tịch HĐQT Sacombank)


Tái cơ cấu hứa hẹn về đích trước hạn

Từ chỗ phải đối diện với các khoản nợ xấu lớn của giai đoạn trước để lại, tài sản tồn đọng chiếm hơn 29% tổng tài sản của ngân hàng, đến nay sau 5 năm, tốc độ xử lý nợ xấu tại Sacombank rất tích cực. Tính riêng trong năm 2021, ngân hàng đã thu hồi, xử lý nợ xấu và tài sản tồn đọng đạt 14.087 tỉ đồng.

Trong đó, ngân hàng đã thu hồi 11.759 tỉ đồng các khoản thuộc đề án, vượt mục tiêu ĐHĐCĐ giao là 10.000 tỉ đồng. Qua đó nâng mức thu hồi lũy kế nợ xấu từ khi triển khai đề án lên 58.306 tỉ đồng, đạt 67,9% kế hoạch và vượt 7,9% tiến độ.

Tài sản tồn đọng cũng giảm 57% so với cuối năm 2016, chỉ còn chiếm 8% tổng tài sản. Theo lãnh đạo Sacombank, các tài sản đảm bảo của ngân hàng đều có chất lượng tốt, vị trí đẹp, do vậy khả năng Sacombank sẽ hoàn thành sớm việc tái cơ cấu. Nhất là khi thị trường bất động sản nói chung đang nhận được sự quan tâm của giới đầu tư và sự hợp tác tích cực từ các nhóm khách hàng có liên quan.

Quan trọng nhất là Sacombank đã giải được bài toán khó đặt ra từ 5 năm trước, là làm sao vừa đảm bảo tiến độ của đề án tái cơ cấu nhưng vẫn phải tăng trưởng hoạt động kinh doanh.

Trong giai đoạn vừa qua, huy động vốn và cho vay tại Sacombank tăng bình quân 9% và 14,4%/năm. Tổng thu nhập tăng 23%/năm, trong đó thu dịch vụ tăng 30%/năm. Lợi nhuận lõi bình quân hằng tháng tăng gần 20 lần sau 5 năm, từ mức 50 tỉ đồng vào năm 2016 lên 900 - 950 tỉ đồng ở thời điểm hiện tại.

Mục tiêu 2022: lợi nhuận trước thuế 5.280 tỉ đồng, nợ xấu dưới 2%

Sau khi hoàn tất thanh lý toàn bộ 81,56 triệu cổ phiếu quỹ trong năm 2021, ngân hàng đã có nguồn thặng dư 1.684 tỉ đồng giúp tăng vốn tự có và bổ sung vốn kinh doanh. Các tỉ lệ an toàn cũng luôn được Sacombank kiểm soát trong giới hạn quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Mặc dù đối mặt với bối cảnh vĩ mô nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, lợi nhuận trước dự phòng đề án của Sacombank vẫn đạt 12.660 tỉ đồng. Song do tập trung tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro và phân bổ chi phí đề án, lợi nhuận trước thuế năm 2021 của Sacombank đạt 4.400 tỉ đồng, vượt 10% kế hoạch được ĐHĐCĐ giao.

Tính đến nay, Sacombank đã trích lập lũy kế từ khi triển khai đề án tái cơ cấu lên 20.287 tỉ đồng, đạt 87,5% kế hoạch tổng thể đề án đến năm 2025.

Với kết quả đã đạt được trong năm 2021, hội đồng quản trị (HĐQT) Sacombank đặt ra kế hoạch kinh doanh cho năm tài chính 2022 với các chỉ tiêu tài chính như sau: Tổng tài sản đạt 573.500 tỉ đồng, tăng 10% so với năm 2021, tổng nguồn vốn huy động đạt 512.700 tỉ đồng, tăng 10%. Tổng dư nợ tín dụng đạt 435.000 tỉ đồng, tăng 12%. Lợi nhuận trước thuế đạt 5.280 tỉ đồng, tăng 20%. Kiểm soát tỉ lệ nợ xấu dưới 2%. Đảm bảo các tỉ lệ an toàn theo quy định.

Trên cơ sở hạn mức tăng trưởng tín dụng cho phép của Ngân hàng Nhà nước và diễn biến tình hình kinh doanh trong năm 2022, HĐQT ngân hàng sẽ điều chỉnh các mục tiêu tăng trưởng huy động - cho vay phù hợp.


Cổ đông sắp gặt quả ngọt

Không chỉ khởi sắc ở kết quả kinh doanh và kết quả xử lý nợ xấu, uy tín thương hiệu của Sacombank cũng được phục hồi đáng kể khi vừa qua đã được Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s tăng hạng, được vào Top 500 thương hiệu ngân hàng lớn nhất toàn cầu. Hệ khách hàng cũng phát triển mạnh mẽ ở cả hai phân khúc cá nhân và doanh nghiệp, đạt mốc 10 triệu khách hàng vào cuối năm 2021.

Sự phục hồi của Sacombank được phản ánh qua việc thị giá cổ phiếu STB đã tăng gần 3,3 lần thị giá năm 2016, từ 9.450 đồng lên 30.550 đồng ngày 15-4-2022.

Tại đại hội, nhiều cổ đông đã đặt câu hỏi về việc khi nào Sacombank chia cổ tức? Ông Dương Công Minh, chủ tịch HĐQT Sacombank, cho biết lợi nhuận hợp nhất giữ lại lũy kế đến thời điểm 31-12-2021 của Sacombank gần 9.000 tỉ đồng, tương ứng gần bằng 50% vốn điều lệ của Sacombank. Đây là số tiền có thể dùng để chia cổ tức cho cổ đông.


Hướng đến mục tiêu ngân hàng bán lẻ hàng đầu

Trong nhiệm kỳ sắp tới, bên cạnh các chỉ tiêu kinh doanh, Sacombank cũng đặt mục tiêu số hóa toàn diện các hoạt động và là ngân hàng bán lẻ hàng đầu trong hệ thống ngân hàng thương mại cổ phần tại Việt Nam, giai đoạn 2022 - 2026.

Phát biểu bế mạc ĐHĐCĐ năm tài chính 2021 hôm

22-4, ông Dương Công Minh cho biết trong nhiệm kỳ sắp tới, Sacombank sẽ tập trung vào một số nội dung trọng yếu. Một trong số đó là tiếp tục phát huy thế mạnh ngân hàng bán lẻ, sớm đạt mục tiêu trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu Việt Nam.

Song song đó, ngân hàng cũng phát triển nhanh nền tảng công nghệ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và quản trị điều hành. Số hóa toàn diện và xây dựng hệ sinh thái số với khả năng đồng bộ cao nhằm gia tăng giá trị tiện ích và trải nghiệm cho khách hàng.


Chúng tôi đặt mục tiêu đột phá kinh doanh dựa trên chiến lược "Lấy khách hàng là trung tâm", cá nhân hóa dịch vụ tới từng khách hàng, nhằm gia tăng sự hài lòng về chất lượng dịch vụ và bảo mật cho khách hàng. Với người lao động, chúng tôi đổi mới cơ chế, chính sách "Lấy nhân sự làm gốc" nhằm xây dựng và phát triển nguồn nhân lực nhiệt huyết, gắn bó, chất lượng cao, kiến tạo môi trường làm việc hạnh phúc cho cán bộ nhân viên", ông Dương Công Minh khẳng định.

Đại hội cổ đông Sacombank cũng bầu HĐQT và ban kiểm soát nhiệm kỳ 2022 - 2026. Theo đó, HĐQT nhiệm kỳ mới sẽ có 7 thành viên, trong đó có 2 thành viên độc lập.

Hội đồng quản trị Sacombank nhiệm kỳ 2022 - 2026

- Ông Dương Công Minh - chủ tịch HĐQT

- Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm - phó chủ tịch thường trực HĐQT

- Ông Phạm Văn Phong - phó chủ tịch HĐQT

- Ông Phan Đình Tuệ - thành viên HĐQT

- Ông Nguyễn Xuân Vũ - thành viên HĐQT

- Ông Vương Công Đức - thành viên HĐQT độc lập

- Bà Phạm Thị Thu Hằng - thành viên HĐQT độc lập.

Đồng thời, đại hội cũng bầu ra 4 thành viên chuyên trách ban kiểm soát nhiệm kỳ 2022 - 2026 gồm: ông Trần Minh Triết - trưởng ban kiểm soát, ông Nguyễn Văn Thành - thành viên ban kiểm soát, bà Hà Quỳnh Anh - thành viên ban kiểm soát và ông Lâm Văn Kiệt - thành viên ban kiểm soát.

Đây là năm thứ 2 liên tiếp Sacombank được nhận giải thưởng danh giá này vì những sáng kiến, sản phẩm mang tính đột phá công nghệ, đem lại trải nghiệm tối ưu cho người dùng.

Chia sẻ Facebook