Sách tham khảo bán kèm vẫn hoành hành

Chia sẻ Facebook
01/07/2022 01:06:42

Tình trạng "đóng gói" sách giáo khoa kèm sách tham khảo hay gợi ý, ép học sinh mua sách ngoài danh mục trong nhà trường tồn tại nhiều năm.

Phụ huynh và học sinh tìm mua sách tham khảo tại một nhà sách ở TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN


Nhiều văn bản pháp lý để giải quyết việc này nhưng không dứt điểm được.


Gói 24 đầu sách

Trường tiểu học Hữu Hòa (huyện Thanh Trì, Hà Nội) thông báo cho phụ huynh gói sách với 24 đầu sách, tổng số tiền là 511.000 đồng. Trong số này có những cuốn vở bài tập in, đi kèm theo một số môn học chính. Thay vì viết vào vở, học sinh làm bài tập thẳng vào vở bài tập in. Tuy loại vở này không nằm trong quy định bắt buộc nhưng do giáo viên đều hướng dẫn học sinh làm bài tập trên loại vở in này nên phụ huynh bắt buộc phải mua.

Tình trạng "ép mua vở bài tập in" bằng cách dạy học, giao bài trên loại vở này đã có từ thời kỳ đầu triển khai chương trình - sách giáo khoa năm 2000 nhưng để tồn tại đến bây giờ. Và khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, các đơn vị xuất bản vẫn theo đó xuất bản kèm vở bài tập in ở bậc tiểu học. Cũng trong gói sách của Trường tiểu học Hữu Hòa, có 5 đầu sách thuộc dạng tài liệu địa phương. Đây cũng là những tài liệu không cần thiết phải bắt tất cả học sinh mua.

Theo phụ huynh một số trường ở quận Hoàng Mai, Đống Đa (Hà Nội) thì tình trạng mua sách theo "gói" vẫn được thông báo từ cuối tháng 5-2022. Có những "combo" sách cấp tiểu học, THCS có từ 12 đến gần 30 đầu sách. Trong đó, ở bậc tiểu học, những đầu sách "cộng thêm" phổ biến vẫn là vở bài tập in, sách bài tập tiếng Anh. Các lớp cuối cấp THCS, THPT được "bán kèm" các bộ sách ôn tập các môn chính toán, ngữ văn, tiếng Anh hoặc sách ôn thi theo combo khoa học tự nhiên, khoa học xã hội.

Nhiều trường ở Hà Nội không "đóng gói" ép buộc, nhưng lại đưa vào nội dung gợi ý cho phụ huynh. Một phụ huynh có con năm nay vào lớp 9 ở Trường THCS Đống Đa (Hà Nội) cho biết sách tham khảo không đóng gói chung trong sách giáo khoa nhưng được giáo viên chuyển tên các đầu sách cho phụ huynh, gợi ý đó là những sách nên mua. Cách này nhẹ nhàng hơn, nhưng phần nhiều phụ huynh đều mua vì sợ cuối cấp học con cần ôn luyện.

"Tiền sách giáo khoa gần 500.000 đồng", phụ huynh này cho hay.


Nhiều năm chưa giải quyết xong

Tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Dũng đã có ý kiến cho rằng Bộ GD-ĐT cần quy định cấm bán sách tham khảo trong nhà trường dưới mọi hình thức vì "sách tham khảo cần cho giáo viên để làm phong phú bài giảng".

Trả lời về điều này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã cho rằng Bộ GD-ĐT không cho phép các nhà trường việc tổ chức bán hay ép buộc, gợi ý học sinh, phụ huynh học sinh mua sách tham khảo. Người đứng đầu ngành GD-ĐT nhận định nếu có tình trạng này thì chỉ do cá nhân cán bộ, giáo viên cố ý làm sai.

Trên thực tế, từ năm 2014, Bộ GD-ĐT đã ban hành thông tư quy định về quản lý và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Tính từ thời điểm đó tới nay, hầu như năm nào Bộ GD-ĐT cũng có nhắc lại quan điểm quy định về việc này trong nhiều văn bản.

Có thời điểm "cân nặng chiếc cặp sách" của học sinh tiểu học là vấn đề nhức nhối, Bộ GD-ĐT còn tổ chức đi "cân cặp sách" và quy định rất cụ thể ở từng bậc học về những đầu sách bắt buộc phải có. Những sách nằm ngoài danh mục thì không được phép yêu cầu học sinh mua, sử dụng. Những nỗ lực này vẫn không giải quyết được tình trạng loạn sách tham khảo, sách bổ trợ trong các nhà trường từ bậc tiểu học đến THPT.


Cần giải pháp mạnh mẽ hơn

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm - chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, về vấn đề ép mua sách tham khảo trong nhà trường, Bộ GD-ĐT phải chịu trách nhiệm. Văn bản ban hành không được thực thi cần có giải pháp mạnh mẽ hơn, chứ không thể cho rằng đó là trách nhiệm của cá nhân giáo viên hay đơn vị xuất bản.

Ông Tùng Lâm cho rằng hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm cao nhất nếu trong các trường xảy ra tình trạng ép buộc, gợi ý, thậm chí tình trạng giáo viên yêu cầu sử dụng sách tham khảo để học tập trong chương trình chính khóa. Việc chế tài nghiêm khắc, quy trách nhiệm rõ ràng mới có thể chấn chỉnh được việc này.

Tại một số trường phổ thông ở Hà Nội, thay vì ép buộc, gợi ý học sinh mua sách, hiệu trưởng giao cho các tổ bộ môn rà soát các đầu sách theo từng môn học và đề xuất danh mục sách tham khảo có thể mua bổ sung vào tủ sách dùng chung, thư viện nhà trường mỗi năm học và cho học sinh mượn miễn phí.

Theo cô Nguyễn Kim Anh - giáo viên Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội), khi tiết đọc sách được đưa vào chương trình chính khóa của trường, học sinh được mượn sách, chia sẻ, trao đổi, thảo luận.

"Sách của trường cũng không nằm im trên giá mà mỗi năm học sẽ được sàng lọc tặng sách cũ cho những trường thiếu sách, bổ sung thêm sách mới - được trích kinh phí của trường hoặc do chính học sinh, phụ huynh, giáo viên quyên góp" - cô Kim Anh nói thêm.


Nhiều cuốn không dùng đến

Chị Lâm Hà, phụ huynh có con đang học lớp 8 (quận Cầu Giấy, Hà Nội), cho biết không chỉ những cuốn sách tham khảo kiểu "học tốt môn toán", "những bài văn mẫu", "ôn luyện cuối tuần"... mà nhiều cuốn sách bài tập đi kèm theo từng môn học như một cặp cũng không dùng đến.

Ban đầu tôi cứ nghĩ các loại sách bài tập đi kèm theo môn học là bắt buộc, mỗi môn có 1 cuốn sách giáo khoa và 1 cuốn sách bài tập. Nhưng sau mới biết đó là sách tham khảo, không nhất thiết phải mua. Nhưng năm nào những cuốn sách như thế này cũng có trong bộ sách nhà trường cung cấp.


Gần 1 triệu đồng/bộ sách

Học sinh một trường tiểu học TP.HCM trong giờ học - Ảnh: NHƯ HÙNG


Tại TP.HCM, một số phụ huynh có con học tiểu học ở quận 12 bức xúc phản ảnh về việc trường đưa ra danh mục sách giáo khoa và sách tham khảo cần mua cho năm học 2022 - 2023. Trong đó, số lượng sách tham khảo nhiều hơn cả sách giáo khoa, thậm chí có trường tiểu học còn đưa ra cả số tiền phụ huynh cần phải đóng cho các ấn phẩm là gần 1 triệu đồng đối với học sinh khối lớp 2.

Chiều 29-6, một lãnh đạo Phòng GD-ĐT quận 12 cho biết: Phòng đã nắm được thông tin trên và chỉ đạo các trường không được bán sách tham khảo cho phụ huynh và không đưa ra một danh sách chung cả sách giáo khoa và sách tham khảo, gây hiểu lầm cho phụ huynh rằng phải mua tất cả các ấn phẩm ấy. Được biết, trong ngày 29-6, nhiều trường tiểu học trên địa bàn quận 12 đã ra thông báo không hỗ trợ phụ huynh trong việc mua các xuất bản phẩm ngoài sách giáo khoa.

Thế nhưng, câu hỏi đặt ra là phụ huynh không mua sách tham khảo có được không? Theo tìm hiểu của phóng viên Tuổi Trẻ, hiện nay trên địa bàn TP.HCM phần lớn các trường tiểu học đều dạy hai buổi/ngày. Và để phục vụ cho buổi học thứ hai, bắt buộc học sinh phải có sách bài tập - một dạng sách tham khảo - để rèn luyện.

Giữa một "rừng" sách tham khảo chất lượng "thượng vàng hạ cám", phụ huynh biết chọn sách nào cho con mình? Thực tế phụ huynh không được chọn sách tham khảo cho con em phục vụ buổi học thứ hai ở trường. Có trường giao quyền cho giáo viên chủ nhiệm tự chọn sách tham khảo cho lớp mình, nhưng cũng có trường ban giám hiệu lựa chọn sách bài tập cho các khối lớp.

Như vậy, phụ huynh không mua được không? "Theo quy định của Bộ GD-ĐT, trường không ép phụ huynh mua sách bài tập. Nhưng đối với các lớp học hai buổi/ngày, nếu không có sách bài tập thì học sinh sẽ phải chép đề bài vào vở rồi mới làm bài, chắc chắn sẽ chậm hơn các bạn có sách bài tập. Điều này sẽ ảnh hưởng đến tiến độ dạy học chung của cả lớp" - hiệu trưởng một trường tiểu học ở TP.HCM phân tích.

Vì lý do trên, dù muốn dù không các phụ huynh vẫn phải mua sách tham khảo.

"Mua ở trường hay ở nhà sách thì chúng tôi vẫn phải bỏ tiền ra mua. Nếu không mua thì con mình không có để học? Dù trong hơn 10 cuốn sách tham khảo trường giới thiệu, con tôi chỉ sử dụng thường xuyên ba cuốn sách bài tập môn toán, tiếng Việt và rèn chữ, những cuốn còn lại năm thì mười họa mới dùng đến" - chị Hồng, phụ huynh có con học lớp 2 ở quận Phú Nhuận đồng thời cũng là người làm việc trong ngành xuất bản phẩm, cho hay.


Chị Hồng cũng nói thêm: "Sách tham khảo được xem là thị trường béo bở. Hoa hồng bán sách tham khảo cho các trường cũng cao hơn sách giáo khoa. Thế mới có tình trạng bán sách giáo khoa kèm sách bài tập theo kiểu bia kèm lạc. Tôi có hai con đang học tiểu học và tôi thấy trường và giáo viên đang phụ thuộc quá nhiều vào sách bài tập để dạy học buổi thứ hai. Trong khi Bộ GD-ĐT hướng dẫn buổi thứ 2 là nhằm phát huy năng lực học sinh. Cả lớp đều rèn một bộ sách bài tập như nhau thì phát huy năng lực như thế nào?".


HOÀNG HƯƠNG

Theo nghị quyết của kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, sách giáo khoa sẽ được bổ sung vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá khi sửa đổi Luật giá.

Chia sẻ Facebook