Sách lược “lấy nhân đức làm chủ, dùng pháp trị quốc” của Gia Cát Lượng
Gia Cát Lượng cho rằng muốn trị vì tốt một đất nước thì trước tiên phải dựa vào nhân đức để cảm hóa và giáo dục dân chúng thiên hạ.
Cuốn chính sử “Tam Quốc Chí” của tác giả Trần Thọ đã đưa ra những đánh giá một cách ngắn gọn và công bằng về những thành tựu của Gia Cát Lượng trong thời gian ông cai trị nước Thục. Trong đó viết rằng, sau khi Lưu Bị mất, bởi vì hậu chủ là Lưu Thiện còn nhỏ tuổi và yếu nhược cho nên việc triều chính đều do Gia Cát Lượng quyết đoán. Phần lớn những thành tựu nhà Thục đạt được dưới triều Lưu Thiện đều gắn liền với Gia Cát Lượng. Mà những thành tựu ấy lại không tách rời với đạo trị quốc “dùng pháp trị quốc, lấy nhân đức làm chủ” của ông.
Gia Cát Lượng cho rằng muốn trị vì tốt một đất nước thì trước tiên phải dựa vào nhân đức để giáo hóa dân chúng thiên hạ, đồng thời còn phải định ra pháp luật nghiêm khắc và có chế độ thưởng phạt phân minh làm căn cứ. Nhưng ông không đem những quy tắc này làm thành cứng nhắc, mà vận dụng linh hoạt giữa “Pháp trị” và “Lễ trị” tùy theo tình huống cụ thể.
Khi cai trị người Nam Trung – những người dân tộc thiểu số sống thành từng nhóm, Gia Cát Lượng chủ yếu áp dụng sách lược “đánh vào tâm là chính, đánh vào thành là phụ, dùng tâm chiến là chính, dùng binh chiến là phụ”. Trái lại, đối với vùng đất Ích Châu, nơi con trai của đại thần nhà Hán là Lưu Chương từng cai trị một cách mềm yếu và buông lung, Gia Cát Lượng đã thực thi sách lược “pháp nghiêm hình nặng” để trấn áp những kẻ ngang ngược, cường hào ác bá.
Sự kiên quyết và hành động mạnh mẽ của Gia Cát Lượng đã từng làm cho Thái thú Thục quận không thể lý giải được. Thái thú Thục quận từng viết thư mong ông có thể “nới lỏng, bãi bỏ lệnh cấm để vỗ về niềm hy vọng của họ”. Nhưng Gia Cát Lượng vẫn giữ nguyên sự nghiêm minh của mình.
Để thực hiện hệ thống pháp luật một cách hiệu quả hơn, Gia Cát Lượng đã ban hành một số sắc lệnh. Vì các quy định này quá khắt khe và nghiêm khắc nên nhiều người cảm thấy không phù hợp, cho rằng việc sử dụng quyền hành sẽ không có lợi cho việc ổn định lòng dân.
Gia Cát Lượng nói: “Lưu Chương mờ ám lại nhu nhược, pháp luật lỏng lẻo, chính đức không được thực thi, cường hào ác bá ngang ngược đã quen. Trong hoàn cảnh như vậy, nếu dùng đạo đức để trị dân thì họ càng được nước lấn tới, càng không tuân theo chính sách của bề trên, càng là những trường hợp như vậy thì càng phải thưởng phạt phân minh. Chỉ có thưởng phạt phân minh mới có thể khống chế được.”
Sách lược được thi hành một thời gian đã có hiệu quả rõ rệt, trật tự xã hội quả nhiên ngày càng ổn định.
Gia Cát Lượng cho rằng, muốn thực hành pháp trị thì thứ nhất là phải có pháp để tuân theo, thứ hai là phải thưởng phạt phân minh. Phải tuân theo nguyên tắc “Ban thưởng không tránh người từng thù hận, trừng phạt không tránh người thân thích”. Ông nói rằng: “Phần thưởng là để khen ngợi công trạng, còn trừng phạt là để ngăn cấm cái gian ác”, “Phần thưởng không được làm giả, hình phạt không được tự ý thêm vào”, “Phần thưởng không thể không đồng đều, hình phạt cũng không được không đồng đều”…
Về điều này, tác giả Trần Thọ bàn: “Gia Cát Lượng cầm quyền, chân thành và công bằng, tận trung với quốc gia, lúc ấy đã làm được rất nhiều việc có lợi cho quốc gia. Cho dù là kẻ thù mà nên được khen thưởng, ông cũng nhất định khen thưởng. Đối với người lơ là trách nhiệm, vi phạm pháp luật thì cho dù đó là người thân cận nhất thì nhất định cũng bị trừng phạt.”
Để chỉnh đốn việc cai trị, loại bỏ sự xuống dốc của quan lại nước Thục, Gia Cát Lượng yêu cầu Lý Nghiêm, Pháp Chính, Lưu Ba, Y Tịch soạn thảo bộ luật pháp nhà Thục Hán có tên là “ Thục Khoa “. Mặt khác, ông cũng tự mình chế định ra các quy tắc để quản lý nghiêm quan viên. Sách “Ngụy Thị Xuân Thu” ghi chép: “Lượng lập ra ‘bát vụ’, ‘thất giới’, ‘lục khủng’, ‘ngũ cụ’, tất cả đều có quy định điều luật, để giáo huấn thần tử”.
Trong “Gia Cát Lượng. Văn tập” viết rằng: “Giáo lệnh vi tiên, tru phạt vi hậu” , ý nói việc cai trị đất nước trước tiên phải thực thi chính sách giáo hóa nhân nghĩa, ban bố pháp luật để dân chúng và bá quan biết chừng mực, hiểu ra điều gì được làm, điều gì không được làm, sau đó mới tiến hành xử phạt những người phạm pháp.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Mã Tiền Khóa và tài tiên đoán lịch sử chuẩn xác của Gia Cát Lượng
Mời xem video :