Sách - chuyên gia: Nên nghe theo ai?
Lời khuyên trong các sách bày bí quyết làm giàu hay quản lý tài chính cá nhân khi so sánh với lời khuyên của các chuyên gia kinh tế thường có sự khác biệt lớn. Một nghiên cứu của một nhà kinh tế tài chính tại Đại học Yale đã phân tích sự khác biệt này để xem đâu là nguyên nhân và, quan trọng hơn, người đọc nên nghe theo ai.
Sách - chuyên gia: Nên nghe theo ai?
Nên để dành tiền theo kiểu nào?
Các nhà kinh tế lý thuyết thường đưa ra lời khuyên trái với lý lẽ thông thường, thoạt nghe rất vô trách nhiệm: nếu bạn còn trẻ và có nghề nghiệp vững vàng, cứ tiêu tiền cho thoải mái, dành dụm ít hơn, nếu cần cứ vay mà tiêu! Lập luận của họ là như thế này: rất có khả năng khi bạn lớn tuổi hơn, mức lương của bạn sẽ cao hơn, nên để tận dụng cơ hội, hãy vay của tương lai để chi cho hiện tại. Bằng không, bạn sẽ chịu nhiều vất vả lúc còn trẻ rồi đến khi lớn tuổi hơn, thu nhập khá hơn nhiều, lại không biết tiêu tiền vào đâu.
Ngược lại, hầu hết trong 50 cuốn sách mà nghiên cứu này khảo sát, rất nhiều tác giả đưa ra lời khuyên hãy dành dụm ngay từ khi còn trẻ. Cụ thể hơn, hầu như sách nào cũng nói bạn nên sống theo đúng khả năng tài chính, đừng mắc nợ và phải để dành một tỷ lệ nhất định từ tổng thu nhập. Bất kể bạn 20, 30 hay 50 tuổi, phải luôn dành dụm phòng lúc cơ nhỡ và biết đầu tư một cách khôn ngoan.
Lập luận của họ dựa vào sức mạnh của lãi kép; nếu dành dụm tốt, tiền sẽ đẻ ra tiền và bạn sẽ không phải lo lắng khi về hưu sau này. Phía các nhà kinh tế dĩ nhiên biết rõ cơ chế lãi kép; sự khác biệt giữa hai bên chủ yếu nằm ở tâm lý nên rèn luyện từ khi còn trẻ: biết dành dụm như một lối sống ngay từ lúc mới ra đời. Mặc dù chi tiêu theo kiểu này chưa hẳn là tối ưu nhưng ý chí rèn luyện được sẽ rất hữu ích ngay cả khi bạn đã giàu lên.
Có nên phân biệt các khoản tiền theo mục đích sử dụng?
Các nhà kinh tế khẳng định tiền nào cũng là tiền; không có lý do gì phải chia ra thành nhiều khoản, món này để mua nhà, món kia mua xe hay để đi du lịch. Trong khi đó các sách về đề tài quản lý tài chính cá nhân đều khuyên tiền nào ra tiền đó, đừng lấy hay “tạm vay” tiền để dành cho mục đích này sang chi tiêu vào mục đích khác. Nghiên cứu cho rằng cách làm bài tập kế toán trong đầu như thế hóa ra rất có ích vì sẽ là động lực giúp nhiều người hoàn thành mục tiêu đề ra.
Một vấn đề liên quan là có nên mua nhà to ở cho thoải mái mặc dù thu nhập sẽ bị giảm nhiều do phải dành ra một khoản lớn trả góp tiền mua nhà. Mặc dù về lý thuyết, mua nhà lớn tài sản sẽ tăng, nhưng ở đây các nhà kinh tế và tác giả các cuốn sách dạy quản lý tài chính đều khuyên không nên vung tay quá trán khi mua nhà vì sẽ chịu nhiều áp lực, từ đó sẽ bị tác động xấu lên cả tâm lý lẫn mức độ thu chi.
Đầu tư bao nhiêu vào cổ phiếu?
Lời khuyên của các nhà kinh tế và chuyên gia tài chính ở đây là như nhau: lúc còn trẻ nên đầu tư vào cổ phiếu nhiều hơn trái phiếu và khi tuổi càng lớn thì tỷ lệ mua cổ phiếu so với trái phiếu càng giảm. Tuy nhiên lý lẽ hai bên lại khác nhau.
Sách vở thường nói cổ phiếu có độ rủi ro cao hơn trái phiếu về ngắn hạn, nhưng tính theo dài hạn cổ phiếu cho ta lợi nhuận cao hơn. Sách cho rằng đầu tư lâu dài vào cổ phiếu lúc nào cũng là chiến lược khôn ngoan. Các tác giả thường dùng một công thức đơn giản: lấy 100 trừ đi số tuổi, chính là mức cổ phiếu bạn nên nắm giữ so với trái phiếu. Chẳng hạn khi bạn 30 tuổi, nên đầu tư 70% vào cổ phiếu và 30% vào trái phiếu; còn lúc 60 tuổi thì tỷ lệ sẽ lần lượt là 40 và 60.
Các nhà kinh tế lại nghĩ tài sản kinh tế lớn nhất của một người là nguồn thu nhập từ lương trong tương lai. Vì thế khi còn trẻ, nguồn thu nhập tương lai này là khá vững chắc nên có thể cân đối nó với các cổ phiếu rủi ro một chút. Nếu thị trường có suy giảm vẫn còn nguồn thu nhập tương lai này để bù đắp. Với người lớn tuổi, nguồn thu nhập từ lương nhỏ dần đi nên trái phiếu ít rủi ro là lựa chọn đúng đắn để cân đối.
Các sách tài chính thường khuyên đầu tư vào loại cổ phiếu có chi trả cổ tức thường xuyên. Trong khi đó, các nhà kinh tế coi lời khuyên này là vô lý vì giá cổ phiếu tăng dần đều quan trọng hơn nguồn thu từ cổ tức nhiều lần. Hơn nữa, chia cổ tức có nghĩa người nhận sẽ phải chịu thuế thu nhập trong khi giá cổ phiếu tăng lại không phải chịu thuế.
Cuối cùng, về địa chỉ đầu tư, cả hai bên đồng ý nên đầu tư vào các quỹ theo chỉ số hơn là các quỹ có lựa chọn cổ phiếu tốt để lập danh mục đầu tư. Loại đầu phí thấp, loại sau phí quản lý cao hơn trong khi thực tế nhiều năm cho thấy loại đầu lúc nào cũng cho kết quả tốt hơn loại sau.
Thư Kỳ
TBKTSG