‘Sạc dự phòng 4 bánh’: Sản phẩm các hãng xe điện Trung Quốc đua nhau sản xuất, chứa đầy tiềm năng phát triển

Chia sẻ Facebook
14/11/2022 10:59:52

Từ khi cắm bếp cắm trại vào chiếc xe lai điện của mình, Liu Xiao không còn phải lo lắng về việc mang theo bình nhiên liệu.

Mỗi buổi sáng, khi những cơn gió lạnh thổi qua công trường, Liu Jianhong - chủ một doanh nghiệp ở tỉnh Thiểm Tây (Trung Quốc), tập hợp các công nhân của mình lại để uống trà nóng.

Có những công trường mà doanh nghiệp của Liu hoạt động nằm ngoài tầm “phủ” của lưới điện. Tuy nhiên, dường như điều đó không ảnh hưởng quá nhiều đến họ. Liu cắm một bộ sạc vào chiếc xe điện thể thao đa dụng của nhà sản xuất ô tô Trung Quốc BYD, đầu còn lại của bộ sạc được cắm vào ấm đun nước. Vài phút sau, Liu và công nhân của mình đã có thể thưởng thức những tách trà nóng.

“Với sự trợ giúp của xe điện, chúng tôi có thể uống trà bất cứ khi nào và bất cứ nơi nào mình muốn. Các công nhân của tôi rất vui vì điều này”, Liu cho biết. Trước đó, người đàn ông 57 tuổi từng phải mang theo một phích nước nhỏ đựng nước sôi để pha trà. Nhân viên của ông phải thay nhau uống trà thay vì cùng thưởng thức như hiện nay.

Ảnh minh họa.

Còn giờ đây, chiếc xe điện đã đem lại cho ông không ít lợi ích. Ví dụ, khi cần sạc máy khoan điện tại một ngôi nhà mới xây chưa được kết nối với nguồn điện, chiếc xe là “vị cứu tinh” của Liu. “Nếu không có nó, tôi đã lãng phí không ít thời gian và công sức để tìm nguồn điện”, Liu cho biết.

Năm 2019, khi một sự cố lưới điện gây mất điện kéo dài 20 giờ trong đêm đông lạnh giá, Liu đã dùng ô tô của mình để cung cấp năng lượng sưởi ấm cho gia đình.

Theo Bloomberg, xe điện có thể sạc hai chiều đang ngày càng phổ biến hơn và trở thành yếu tố quan trọng trong trải nghiệm của chủ sở hữu. Không chỉ Liu, nhiều người sở hữu xe điện hiện nay đã coi chiếc xe của họ không chỉ là phương tiện di chuyển sạch sẽ và rẻ hơn mà còn là nguồn cung cấp điện trong cuộc sống hàng ngày cũng như trong những trường hợp khẩn cấp.

Tại Trung Quốc – nơi cứ 5 ô tô mới bán ra thì có 1 chiếc xe điện trong năm nay, không ít người đang được trải nghiệm tương lai nơi xe hơi trở thành “sạc dự phòng”. Các nhà sản xuất xe điện ở quốc gia này thậm chí còn quảng cáo sản phẩm của mình là “sạc dự phòng 4 bánh”.

Kể từ khi cắm bếp cắm trại vào chiếc xe lai điện của mình trong những chuyến đi chơi xa vào cuối tuần, Liu Xiao (38 tuổi) không còn phải lo lắng về việc các con đến gần ngọn lửa của bếp nấu hay mang theo bình nhiên liệu. Ngày trước, anh từng mang theo bình đựng nhiên liệu để đun nấu trong những chuyến đi như vậy. Còn ở thời điểm hiện tại, chiếc xe của anh đã giúp làm điều đó. Vào những tháng mùa hè, gia đình Liu sử dụng nguồn điện từ chiếc ô tô để chạy quạt điện.

“Chiếc xe đã đem lại cho chúng tôi rất nhiều sự tiện lợi và niềm vui”, Liu chia sẻ.

Điều này có thể trở thành sự thúc đẩy doanh số tại những thị trường như Mỹ và châu Âu. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, cần khoảng 300 triệu xe điện hoạt động trên toàn cầu vào năm 2030 để thế giới đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào giữa thế kỷ này. Tuy nhiên, tính đến năm ngoái, mới chỉ có 16,5 triệu chiếc được bán ra.

Việc chấp nhận xe điện vẫn bị hạn chế vì những mối quan tâm của người tiêu dùng liên quan đến khả năng chạy đường dài, thiếu trạm sạc hay chi phí trả trước của xe điện cao hơn so với xe chạy bằng xăng.

Nhiều mẫu xe điện phổ biến của Trung Quốc, bao gồm Tang DM của BYD, Zeekr 001 của Geely Auto và L8 của Li Auto đã cung cấp bộ sạc cho phép sạc hai chiều.

Tại Mỹ, Ford đã quảng cáo nguồn điện dự phòng là tính năng nổi bật của chiếc xe bán tải F-150 Lightning chạy điện của mình. Còn tại Nhật Bản - quốc đảo dễ chịu ảnh hưởng của bão, động đất và sóng thần, Nissan đã quảng bá chiếc xe điện Leaf như sự trợ giúp cho các gia đình bị ảnh hưởng bởi mất điện liên quan đến thiên tai.

Ingo Puhl - người đồng sáng lập một công ty tư vấn tài chính ở Thụy Sĩ, cho biết ông hy vọng sạc hai chiều ở xe điện sẽ phát triển trong thời gian tới. Theo ông, người tiêu dùng sẽ khó lòng cưỡng lại được sức hút của một chiếc xe điện có thể cung cấp nguồn điện để họ làm một số việc thường ngày, đặc biệt là ở những địa phương nơi mạng lưới điện còn hạn chế.

Sạc hai chiều phổ biến hơn trên các phương tiện lớn và đắt tiền hơn, chẳng hạn như xe SUV hoặc xe bán tải. Các chuyên gia cũng đang có hai luồng quan điểm trái ngược về việc liệu sạc hai chiều có làm tăng tốc độ suy giảm của pin hay không. Trước đó, Tesla – nhà sản xuất xe điện hàng đầu thế giới, từng lùi bước trong việc triển khai công nghệ sạc hai chiều vì lo ngại liên quan đến vấn đề này.

Yale Zhang – CEO của công ty tư vấn Automotive Foresight, cho biết: “Đó là một tính năng hợp thời. Theo tôi, bất kể tần suất người dùng sử dụng chức năng này nhiều hay ít, các nhà sản xuất ô tô cũng nên cân nhắc thêm vào sản phẩm của mình”.

Cách nơi cắm trại của Liu khoảng 1.900 km về phía tây, Lei Li - một cư dân của thành phố Tây An, đã mua một chiếc xe lai điện BYD năm 2016 để sạc hai chiều. Lei cho biết anh chọn nó thay vì một chiếc sedan Volkswagen chạy bằng xăng. “Tôi đã rất ngạc nhiên về cách một chiếc ô tô có thể cung cấp năng lượng cho các thiết bị điện tử”, anh nói.

Là một nhân viên bán hàng, Lei thường xuyên phải đến các triển lãm - nơi anh sử dụng máy chiếu và bảng quảng cáo kỹ thuật số cùng với máy in để in các tờ quảng cáo.

Sử dụng điện tại các trung tâm triển lãm rất tốn kém - đôi khi lên tới 20% tổng ngân sách và việc kéo ổ cắm điện qua một phòng trưng bày đông đúc có thể là một mối nguy hiểm. Vì vậy, anh nghĩ ra giải pháp là đậu xe điện cạnh gian hàng của mình và sử dụng nó để cung cấp năng lượng cho tất cả các thiết bị.

Mọi chuyện đã diễn ra tốt đẹp đến nỗi Lei gần đây đã nâng cấp chiếc xe lai điện của mình thành chiếc BYD chạy điện hoàn toàn. Anh còn tích cực khuyên bạn bè, người thân nên mua xe điện có thể sạc hai chiều như mình. Đến nay, ít nhất 10 người đã nghe lời khuyên của Lei và nói rằng chiếc xe giúp ích rất nhiều trong các hoạt động cần đến điện của họ.


Nguồn: Bloomberg, BI


Mộc Tiên

Chia sẻ Facebook