Sa thải hàng loạt: Twitter không phải là ngoại lệ

Chia sẻ Facebook
06/11/2022 16:58:57

Hàng nghìn nhân viên Twitter, Alibaba hay Amazon đã bị buộc thôi việc trong bối cảnh doanh thu giảm và các điều kiện kinh tế còn quá nhiều thách thức.

Nhiều công ty trên thế giới đã thông báo sa thải nhân viên trong quý III, tính đến ngày 22/9, theo báo cáo mới nhất của công ty phân tích dữ liệu hàng đầu thế giới GlobalData.

Sa thải hàng loạt dường như đã trở thành xu hướng trên toàn cầu trong bối cảnh kinh tế khó khăn do đại dịch, lạm phát leo thang, và căng thẳng địa chính trị giữa các nước.

Mặc dù vậy, số lượng sa thải ở mỗi ngành nghề, lĩnh vực là không đồng đều. Báo cáo của GlobalData cho thấy các công ty công nghệ có số lượng sa thải nhân viên cao nhất trong tháng 9.


Twitter

Ngay cả gã khổng lồ truyền thông xã hội Twitter cũng không thể tránh khỏi xu thế này.

Twitter trở thành một trong những từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất những ngày gần đây sau khi tỷ phú Elon Musk mua lại công ty này vào cuối tháng 10 và quyết định sa thải hàng nghìn nhân viên ngay sau đó.

Hôm 3/11, trang Insider đưa tin gã khổng lồ truyền thông xã hội có kế hoạch cắt giảm khoảng 50% trong tổng số 7.500 nhân viên đang làm việc cho công ty. Thông tin sa thải đã được Twitter xác nhận qua email ngay sau đó, nhưng số lượng nhân viên bị sa thải không được tiết lộ.

Một số nhân viên cho biết họ đã bị mất quyền truy cập vào hệ thống làm việc ngay sau khi nhận được email cảnh báo, trong khi hàng trăm người khác viết trên tweet rằng họ đã chính thức mất việc.

Tỷ phú Elon Musk mang theo bồn rửa mặt đến trụ sở Twitter ngày 26/10. Ảnh: CNN

Các thành viên Twitter vốn đã lo lắng về tương lai của mình trước khi ông chủ Tesla chính thức mua lại mạng xã hội này. Tuy nhiên, điều họ không thể ngờ là vị tân chủ tịch lại đưa ra quyết định sa thải ngay sau khi ông tiếp quản công ty mà không hề báo trước. Một số nhân viên đã đệ đơn kiện tập thể lên tòa án liên bang San Francisco, cáo buộc công ty này vi phạm Đạo luật Thông báo về Điều chỉnh và Đào tạo lại Người lao động của Liên bang và California (Đạo luật WARN).

Đạo luật WARN yêu cầu người sử dụng lao động có hơn 100 nhân viên như Twitter phải cung cấp thông báo bằng văn bản 60 ngày trước khi tiến hành đợt sa thải nào làm “ảnh hưởng đến 50 nhân viên trở lên tại một địa điểm tuyển dụng”.


Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ vụ kiện này sẽ đi đến đâu, vì “Tất cả những người rời đi đều được bồi thường 3 tháng lương, nhiều hơn 50% so với yêu cầu của pháp luật ”, ông Musk viết trên Twitter.

Ông cũng cho biết, “Về việc cắt giảm nhân sự ở Twitter, rất tiếc là không có lựa chọn nào khác vì công ty đang lỗ hơn 4 triệu USD/ngày”.


Alibaba

Twitter không phải là công ty duy nhất chứng kiến những thay đổi mạnh mẽ liên quan đến nhân sự.

Theo tờ South China Moning Post, tập đoàn Alibaba đã cho thôi việc gần 10.000 nhân viên trong quý II nhằm tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả. Thu nhập ròng của Alibaba giảm 50% xuống còn 3,4 tỷ USD trong quý II do tình hình tiêu thụ chậm chạp và nền kinh tế đang chậm lại ở Trung Quốc, thị trường thương mại điện tử lớn nhất thế giới.

Gã khổng lồ thương mại điện tử đã cắt giảm hơn 9.200 nhân viên trong quý II, đưa tổng số nhân viên bị nghỉ việc lên tới 13.616 người trong 6 tháng đầu năm. Đây là lần cắt giảm nhân sự quy mô lớn đầu tiên của Alibaba kể từ tháng 3/2016.

Alibaba cắt giảm hơn 9.200 nhân viên trong quý II/2022. Ảnh: Elrisala

Việc cắt giảm một số nhân viên và các hoạt động khác có thể giúp Alibaba tăng cường tập trung vào các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi và củng cố tỉ suất lợi nhuận của mình, theo ông Cheng Yu, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Kandong Bắc Kinh.

“Alibaba có nhiều mảng kinh doanh khó kiếm lợi nhuận và không phục vụ cho các mảng kinh doanh cốt lõi của mình. Những mảng kinh doanh này cần được loại bỏ để công ty giảm chi phí và tăng hiệu quả”, ông Cheng cho biết.


Amazon

Số lượng nhân sự phải thôi việc của Twitter và Alibaba chưa nhằm nhò gì so với con số mà Amazon, tập đoàn bán lẻ lớn nhất thế giới đã cắt giảm trong quý II.

Theo báo cáo thu nhập quý II của Amazon, tập đoàn này đã cắt giảm gần 100.000 (6%) nhân sự từ tháng 4 đến tháng 6/2022. Đây là mức cắt giảm lớn nhất theo quý của công ty này.

Amazon kết thúc quý II với 1.523.000 nhân viên toàn thời gian và bán thời gian, không bao gồm nhà thầu hoặc nhân viên tạm thời. Trong khi đó, số lượng nhân viên của công ty này hồi cuối tháng 3 là 1.622.000.

Trên thực tế, quyết định cắt giảm nhân sự của Amazon không phải điều gì quá bất ngờ. Khi báo cáo kết quả hoạt động trong quý I/2022, Amazon cho biết họ đã phát triển quá mức cả về nhân sự và cơ sở vật chất.

Một khu vực tiếp nhận hàng hóa của Amazon. Ảnh: Wired

Từ cuối năm 2019, ngay trước đại dịch, cho đến đỉnh điểm tháng 3/2022, Amazon đã tăng gần gấp đôi số lượng nhân viên của mình, thêm khoảng 800.000 việc làm.

Ngày 3/11, Amazon đã thông báo tạm dừng tuyển dụng nhân viên mới trong vài tháng tới. Lý do cho động thái mới nhất này là triển vọng kinh tế đang xấu đi, và công ty này đã tuyển quá nhiều nhân viên trong những năm gần đây, bà Beth Galetti, Giám đốc Nhân sự của Amazon cho biết.


Trên thực tế, việc cắt giảm việc làm của Twitter, Alibaba hay Amazon cho thấy doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau đang điều chỉnh hoạt động kinh doanh do doanh thu giảm sút trong bối cảnh kinh tế còn quá nhiều thách thức.


Rất nhiều những ông lớn khác như Microsoft, Meta, Ford, Credit Suisse, v.v. cũng đã thông báo cắt giảm nhân sự do tình hình kinh tế khó khăn, buộc họ phải chuyển hướng kinh doanh .

Triển vọng việc làm vẫn còn ảm đạm trong ngắn hạn khi toàn bộ các ngành phải đối mặt với tình trạng thâm hụt doanh thu và các điều kiện kinh tế khó lường.


Tuy nhiên, tình hình này không phải là vĩnh viễn, vì những công ty có tốc độ tăng trưởng cao sẽ cần phải bổ sung nhân sự để phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng và mở rộng thị trường .


Nguyễn Tuyết (Theo Business Insider, SCMP, Barron’s)

Chia sẻ Facebook