Rút ngắn chu kỳ thanh toán - Kỳ vọng nâng hạng chứng khoán Việt Nam
Việc rút ngắn chu kỳ thanh toán và giao dịch lô lẻ đưa thị trường Việt Nam tiến gần thông lệ quốc tế, là kỳ vọng để Việt Nam được vào các rổ giao dịch thị trường mới nổi.
T+4, T+3 và lần đầu tiên trong 22 năm lịch sử thị trường chứng khoán, thị trường đã có chu kỳ T+2. Thời gian giao dịch đang ngày càng rút ngắn, là cú hích cho cả thanh khoản và điểm số của thị trường trong thời gian tới.
Ngày 29/8, trái với nhiều lo ngại là chứng khoán T+2 và T+3 cùng về tài khoản vào phiên chiều sẽ càng gây áp lực bán với thị trường vốn đã đổ dốc từ phiên sáng, cuối phiên VN-Index lại có một pha hãm phanh ngoạn mục, thu hẹp đà giảm từ 35 điểm chỉ còn có chưa tới 12 điểm.
Khảo sát trên group VTV Khớp lệnh ngay từ buổi sáng, với câu hỏi: "Nếu giao dịch T+2 ngày 29/8, thì bạn sẽ làm gì khi chứng khoán về tài khoản?". Phản ứng khá tích cực, khi có tới hơn 80% cho biết sẽ tiếp tục giữ hàng hoặc thậm chí còn mua thêm và chỉ có chưa tới 20% cho biết sẽ bán. Phần nào cho thấy tâm lý tự tin bắt đáy của nhà đầu tư sau cú rơi gần 35 điểm buổi sáng.
Không thể phủ nhận với những nhà đầu tư thận trọng, T+2 mang lại lợi ích nhãn tiền là khả năng quản trị rủi ro tốt hơn, khi họ có thể linh động chốt lời ngay phiên 29/8 để bảo toàn lợi nhuận, thay vì phải lo lắng chờ tới ngày hôm sau.
Cải thiện cơ chế giao dịch - nâng chất thị trường chứng khoán
"Hôm nay mình rất vui vì bán đuọc cổ phiếu xanh ngay buổi chiều T+2, không phải đợi tới sáng mai thị trường lại đang giảm. Tiền cầm được về mà không phải đợi thêm 1 đêm khiến mình rất an tâm trong công việc", chị Nguyễn Phương Thanh, TP Hà Nội, chia sẻ.
"Thị trường cũng tăng thanh khoản khi nhà đầu tư có thể bán sớm ngay phiên chiều T+2, qua đó làm cho sức mua và cổ phiếu có thêm thanh khoản trong giao dịch", ông Đoàn Tú, CEO FinCK, đánh giá.
Cùng với đó, giao dịch lô lẻ, tức là nhỏ hơn 100 cổ phiếu, dự kiến áp dụng từ 12/9 tới đây cũng kỳ vọng sẽ tiếp tục cải thiện thêm phần nào thanh khoản, đảm bảo quyền lợi tốt hơn cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ, vốn trước đây chỉ có thể giao dịch lô lẻ với riêng công ty chứng khoán và chịu nhiều điều kiện ngặt nghèo.
"Khi áp dụng giao dịch lô lẻ thì sẽ giao dịch như lô chẵn, chẳng qua bảng khác nhau và căn cứ cung cầu trên thị trường. Có người mua người bán. Rất nhiều người gom lô lẻ thành lô chẵn. Do đó, khi nhu cầu gom nhiều thì nhà đầu tư không nhất thiết phải bán giá sàn để giao dịch, như vậy lợi ích được đảm bảo", ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam , nhận định.
"Tháng 3 vừa qua, MSCI chưa có thay đổi tích cực trong việc xem xét nâng hạng đối với thị trường Việt Nam. Trong đợt lần này, chúng ta sẽ có thể thấy có điểm cộng bước đầu tích cực cho việc xem xét nâng hạng trong thời gian tới", ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta, cho hay.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tích cực nâng chất thị trường
Nhắc tới việc nâng hạng thị trường, đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, trong những cuộc trao đổi gần đây, các tổ chức xếp hạng đánh giá rất cao những nỗ lực cải thiện thực chất của thị trường Việt Nam trong thời gian qua.
"Thời gian tới, chúng tôi sẽ thực hiện giao dịch lô lẻ. Theo báo cáo của Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh, đến đầu tháng 9, chúng ta sẽ thực hiện giao dịch lô lẻ. Còn giải pháp từ giờ đến cuối năm thì rà soát lại khung pháp lý và chính sách để làm sao tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm thúc đẩy thị trường phát triển bền vững", ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, thông tin.
Còn liên quan tới một vài yêu cầu định tính của các tổ chức đánh giá nâng hạng, đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các tổ chức này để tháo gỡ, sớm hoàn thành mục tiêu nâng hạng trước năm 2025.
Minh bạch thị trường chứng khoán Hàng loạt giải pháp đã được đưa ra nhằm tăng tính hấp dẫn và minh bạch trên thị trường chứng khoán Việt Nam.