'Ruồi thây ma' ghê rợn thắng giải ảnh Tiến hóa và sinh thái 2022

Chia sẻ Facebook
22/08/2022 03:08:57

Sau khi nhiễm nấm 'thây ma', con ruồi bị 'điều khiển' bay đến đậu ở vị trí thuận lợi. Nấm sau một thời gian ký sinh bên trong đã phát triển thành nhánh, đâm xuyên thủng con ruồi, vươn ra ngoài và phát tán bào tử.

Trên chiếc lá nằm trong cánh rừng nhiệt đới ở Peru, xác một con ruồi trông như thể sinh vật ngoài hành tinh khiến người xem có cảm giác ghê rợn.


Cảnh tượng có phần nghiệt ngã này được Roberto García-Roa, nhà sinh vật học tiến hóa thuộc Đại học Valencia (Tây Ban Nha), ghi lại khi thực hiện nghiên cứu tại Khu bảo tồn quốc gia Tambopata ở đông nam Peru. Bức ảnh giành chiến thắng cuộc thi nhiếp ảnh Tiến hóa và sinh thái BMC năm nay.

Các giám khảo đánh giá bức ảnh là "ấn tượng khi lột tả chân thực được sự giao thoa giữa sự sống và cái chết, thể hiện mạnh mẽ sự tiến hóa của sinh vật", mà cụ thể ở đây là cái chết của con ruồi và sự phát tán bào tử mới của nấm "thây ma".

Các bào tử của nấm "thây ma" đã thâm nhập vào con ruồi từ lâu và "điều khiển" nó, buộc nó phải di chuyển đến một vị trí thuận lợi hơn cho sự phát triển của nấm. Các nhánh nấm sau đó sẽ phát triển, từ từ hút cạn sinh lực con ruồi, khiến nó chết rồi xuyên ra ngoài, phát tán bào tử mới.


Mặc dù chỉ mới là năm thứ 2 tổ chức, nhưng cuộc thi nhiếp ảnh Tiến hóa và sinh thái BMC do tạp chí khoa học BMC Ecology and Evolution tổ chức đã thu hút hàng trăm nghìn bức ảnh dự thi từ các nhà sinh thái học và các nhà sinh học tiến hóa trên khắp thế giới. Tất cả đều mong muốn sử dụng khả năng sáng tạo nhiếp ảnh của mình để làm nổi bật sự kỳ thú của thiên nhiên, làm nổi bật những thách thức mà hành tinh của chúng ta phải đối mặt và công việc nghiên cứu của họ.

Với bốn hạng mục tranh giải: "Mối quan hệ trong tự nhiên", "Đa dạng sinh học đang bị đe dọa", "Cận cảnh cuộc sống" và "Công tác nghiên cứu", cuộc thi đã tạo ra một bộ sưu tập ảnh khổng lồ ghi lại vẻ đẹp của thế giới tự nhiên và nhu cầu bảo vệ tự nhiên khi tác động của con người lên hành tinh ngày càng gia tăng.

Cùng ngắm một số bức ảnh ấn tượng khác đoạt giải trong cuộc thi:

Nhà nghiên cứu sau tiến sĩ Alwin Hardenbol (Đại học Eastern Finland) chiến thắng danh mục ảnh “Mối quan hệ trong tự nhiên”, với bức ảnh chú chim Bombycilla garrulus tìm ăn quả mọng. Chim Bombycilla garrulus và cây thanh lương trà có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Chim ăn trái mọng và phát tán hạt cây. Sự tương tác giữa thực vật và động vật ăn quả này mạnh đến mức loài chim Bombycilla garrulus sẽ di cư đến nơi nào có sự hiện diện của cây thanh lương trà.

Giải nhì danh mục ảnh “Mối quan hệ trong tự nhiên” là bức ảnh của Alexander T. Baugh, nhà sinh học hành vi tại Đại học Swarthmore (Hoa Kỳ), mô tả mối quan hệ giữa kẻ săn mồi và con mồi. Những con dơi có thể phát hiện và xác định vị trí của con ếch bằng cách lắng nghe tiếng kêu gọi bạn tình ở tần số rất thấp của chúng. Tuyến nước bọt của dơi cũng có thể trung hòa các chất độc trong da của con ếch độc.

Chia sẻ Facebook