"Rùng mình khi ngủ” là hiện tượng bình thường hay dấu hiệu cảnh báo bệnh lý nguy hiểm? Câu trả lời gây kinh ngạc, chớ nên xem thường

Chia sẻ Facebook
30/04/2022 11:59:07

Hiện tượng giật mình khi ngủ có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau như sinh lý, tâm lý, thậm chí đó còn là dấu hiệu của nhiều loại bệnh lý. Do vậy, mọi người cần đặc biệt cảnh giác.

Nghiên cứu cho thấy mỗi người dành 1/3 thời gian trong đời chỉ để ngủ, điều này phần nào chứng minh giấc ngủ có vai trò cực kỳ quan trọng đối với cuộc sống và sức khỏe. Ngủ giúp hệ miễn dịch khỏe mạnh hơn, giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, tiểu đường, ung thư...

Ngủ đủ giấc cũng góp phần làm giảm căng thẳng và bất ổn về tâm lý từ đó nâng cao hiệu quả công việc. Không những thế, giấc ngủ còn có vai trò quan trọng trong việc duy trì cân nặng ổn định, hạn chế nguy cơ thừa cân, béo phì và cải thiện các vấn đề về làn da.

Bên cạnh đó, khi ngủ, chúng ta thường bị rùng mình. Hiện tượng này về mặt học thuật được gọi là "giật mình khi ngủ". Đây là cảm giác kỳ lạ khi bạn ngủ, cơ thể bị rung chuyển khoảng vài giây như điện giật. Trong thời điểm đó, tất cả các cơ bắp co thắt mạnh khiến bạn đột ngột tỉnh giấc.

Hiện tượng này xuất hiện do cơ thể bắt đầu chìm vào giấc ngủ, tần số thở nhanh chóng giảm xuống, trong khi cảm xúc và cơ bắp được thư giãn. Tuy nhiên, những điều này lại khiến bộ não tưởng như dấu hiệu của cái chết và sẽ báo với cơ thể bằng cách khiến bạn choáng váng, giật mình, cơ thể cố gắng nắm lấy một vật gì đó nên chúng ta mơ thấy mình bị rơi xuống vách đá hoặc cảm giác giẫm chân lên không khí.

Theo nhiều nghiên cứu khoa học, có đến 70% dân số thế giới từng gặp hiện tượng ngủ bị giật mình. Tuy nhiên ít ai hiểu được lý do dẫn tới điều này. Một số người cho rằng đây là hoạt động kiểm tra não bộ xem bạn có còn sống hay không. Người khác lại nghĩ đây là cơ thể bạn đang bí mật phát triển chiều cao. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cho rằng, vấn đề này thực sự không đơn giản.

Khi ngủ bị giật mình cũng là tín hiệu cảnh báo sức khỏe

Thỉnh thoảng bị giật mình khi ngủ không ảnh hưởng đến sức khỏe, chỉ cần trở mình và ngủ tiếp. Nhưng nếu nó xảy ra thường xuyên, có thể là cơ thể đang kêu cứu. Ảnh: Internet


1. Cơ thể thiếu canxi

Tình trạng này rất phổ biến ở thanh thiếu niên và người cao tuổi. Họ không chỉ co giật đột ngột trong khi ngủ, mà còn bị chuột rút ở bắp chân. Nguyên nhân là do nồng độ canxi trong máu giảm, dẫn đến trạng thái hưng phấn của cơ bắp và dây thần kinh, từ đó gây co thắt và co giật.


2. Căng thẳng, lo âu

Lao động và hoạt động quá sức vào ban ngày, kể cả làm việc tay chân hay trí óc, đều khiến bạn dễ dàng gặp phải tình trạng này. Sự lo âu căng thẳng gây áp lực đè nặng lên hệ thần kinh phản xạ truyền tới não trong khi ngủ.

Đặc điểm chung đối với những người hay giật mình là thường đối mặt với sự lo lắng, mệt mỏi, stress ở trường học hay nơi làm việc. Thực tế, những người đang bị stress thường hay giật mình thức giấc lúc nửa đêm và vô cùng khó ngủ lại.


3. Bệnh não

Nếu cơ thể thường xuyên bị giật mình khi ngủ, khi thức giấc bạn sẽ đột ngột đau đầu, chóng mặt, buồn nôn... Điều đó có nghĩa là có thể xuất hiện vấn đề về não như khối u, bệnh thoái hóa, di chứng đột quỵ, di chứng chấn thương sọ não…


4. Lượng đường trong máu không ổn định

Lượng đường trong máu giảm có thể gây ra phản ứng giật mình khi ngủ. Đặc biệt, với những người mắc bệnh tiểu đường thì dễ gặp phải tình trạng này hơn.


5. Nằm ngủ sai tư thế

Một nguyên nhân khác là do tư thế ngủ không được đúng. Với con người, ngủ là đưa cơ thể vào trạng thái nghỉ ngơi, an toàn. Nếu bạn vô tình ngủ sai tư thế, bộ não sẽ nhận thức rằng cơ thể có một mối nguy hiểm cận kề, khiến bạn ngủ không sâu, hay bị giật mình và tỉnh giấc.

Ngủ sai tư thế còn có thể gây đau lưng và cổ, khiến bạn mệt mỏi, khó thở khi ngủ, chuột rút cơ, tuần hoàn không đều, nhức đầu, ợ nóng, khó tiêu, thậm chí làm xuất hiện nếp nhăn sớm.

Cách ngăn ngừa hiện tượng ngủ hay bị giật mình

Nếu bạn rất khó chịu với những cơn giật mình thường xuyên khi ngủ, để khắc phục bạn phải thay đổi lối sống và chế độ làm việc hợp lý. Ảnh: Internet


1. Làm việc và nghỉ ngơi hợp lý

Sắp xếp thời gian làm việc hợp lý, đảm bảo tinh thần luôn thoải mái để có giấc ngủ ngon. Người lớn cần ngủ đủ 7-8 tiếng mỗi ngày, buổi trưa có thể chợp mắt 15-20 phút.

2. Hạn chế uống các loại đồ uống chứa caffein và có chế độ ăn uống lành mạnh

Uống quá nhiều các loại thực phẩm chứa caffein như cà phê, trà đặc có thể gây căng thẳng thần kinh và rối loạn lo âu. Người lớn khỏe mạnh nên tiêu thụ ít hơn 400mg caffeine và không quá 3 tách cà phê mỗi ngày.

Bên cạnh đó, bạn cần đảm bảo bổ sung đủ magie, canxi trong chế độ ăn để phòng ngừa co cơ và dây thần kinh. Hãy cố gắng thực hiện chế độ ăn lành mạnh, cân bằng như ăn ít thực phẩm nhiều đường, muối và ăn nhiều trái cây giàu chất xơ, vitamin. Bạn có thể uống nước lọc hoặc các loại nước ép tốt cho giấc ngủ như nước ép anh đào, chuối, dưa hấu…


3. Thư giãn trước khi đi ngủ

Không làm việc căng thẳng và tập thể dục cường độ cao trong nửa giờ trước khi đi ngủ, hãy để cơ thể và tâm trí ở trạng thái thoải mái nhất. Bạn có thể nghe nhạc nhẹ nhàng, đọc sách, tạp chí để có thể đi vào giấc ngủ sâu nhanh hơn.


4. Ngủ đúng tư thế

Hai tư thế ngủ được đa số các bác sĩ y khoa khuyến cáo là ngủ nằm nghiêng người sang một bên và nằm ngửa, thẳng lưng. Cố gắng tránh nằm sấp hoặc cuộn tròn khi ngủ, bởi nằm như vậy khoang ngực sẽ bị chèn ép, tim phổi bị khó chịu, gây ra hội chứng co giật cơ khi ngủ.

Đặc biệt, việc lựa chọn một chiếc nệm êm ái, vững chắc cũng sẽ giúp bạn có một giấc ngủ ngon hơn và tránh hiện tượng ngủ hay bị giật mình. Ngoài ra, bạn cần ngủ sớm và ngủ đủ giấc để đảm bảo được chất lượng giấc ngủ.

Hiện tượng giật mình khi ngủ diễn ra ở mỗi cơ thể có sự khác nhau, người sẽ bị co giật nhẹ nhàng, người lại có cảm giác lo âu, sợ hãi, đi cùng hiện tượng co giật liên tục. Thế nên trước tiên, chúng ta phải tự điều chỉnh thói quen hàng ngày một cách khoa học. Nếu tình trạng này vẫn tiếp tục diễn ra mỗi đêm sau khi bạn đã ăn ngủ điều độ thì nên chủ động đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn, điều trị hợp lý và hiệu quả.

Theo Aboluowang


Theo Nguyễn Hồng

PHÁP LUẬT & BẠN ĐỌC

Chia sẻ Facebook