Rừng Amazon bị phá mạnh gần các tuyến đường mới mở

Chia sẻ Facebook
09/05/2022 01:07:24

Năm 2021, trong tổng số diện tích rừng nhiệt đới bị mất toàn cầu, Brazil chiếm hơn 40%. Đáng chú ý, tình trạng mất rừng ở rừng nhiệt đới Amazon được ghi nhận chủ yếu xảy ra gần các con đường mới mở.

Bản đồ "các điểm nóng mất rừng" xuất hiện sau khi có các xa lộ tại khu vực Amazon của Brazil, với các bảng màu giảm dần 4 cấp độ từ đỏ tới vàng tương ứng với tình trạng mất rừng nguyên sinh: tăng cường, mới, thường xuyên và thi thoảng - Ảnh: FT


Theo báo Financial Times , tình trạng phá rừng xung quanh các con đường đã khiến số cây bị chặt phá ở khu vực phía tây Amazon tăng vọt. Tình trạng này báo động tới mức tỉ lệ mất rừng không liên quan tới cháy rừng tại một số khu vực ở đây đã tăng lên hơn 25%, theo số liệu các nhà nghiên cứu chỉ ra.

"Việc mất rừng xảy ra xung quanh các con đường không hẳn là hiện tượng mới", bà Mikaela Weisse - phó giám đốc chương trình Giám sát rừng toàn cầu thuộc Viện Tài nguyên thế giới (World Resources Institute) có trụ sở tại Mỹ - nói. "Điểm mới của năm nay, hay vấn đề đã gia tăng, chính là tốc độ của tình trạng mất rừng", bà tiếp.

Khu vực phía tây Brazil bị ảnh hưởng nặng nhất của tình trạng này. Các điểm nóng mới đã xuất hiện tại những vùng rừng có thể tiếp cận xung quanh các con đường - những nơi có thể đã bị phát quang để chăn thả gia súc.

Cũng theo nhóm nghiên cứu, tại Amazon, một số con đường đã được mở mới khiến việc tiến sâu thêm và chặt phá rừng dễ dàng hơn. "Câu hỏi đáng quan tâm là những con đường đã gây ra nạn phá rừng hay động cơ phá rừng là để tạo ra những con đường?", bà Weisse nói.

Năm ngoái Brazil chiếm hơn 40% trong tổng số diện tích rừng nguyên sinh nhiệt đới đã mất trên toàn cầu, tương đương với mức năm trước đó. Nước này đã mất 1,5 triệu ha rừng, tương đương với diện tích của Bahamas, theo dữ liệu tập hợp của ĐH Maryland.


Chấm dứt được nạn phá rừng sẽ là bước trọng yếu để giảm bớt phát thải khí carbon. Theo Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (UNFAO), việc dừng được các hoạt động phá rừng toàn cầu có thể ngăn chặn được khoảng 3,6 gigaton (1 gigaton = 1 tỉ tấn) khí CO 2 thải ra môi trường trong thời gian từ nay tới năm 2050.

Rừng mưa Amazon sẽ sớm thành đồng cỏ? Những năm gần đây, hệ sinh thái rừng rậm Amazon phải chịu những tác động nặng nề do biến đổi khí hậu, cháy rừng, hạn hán.

Chia sẻ Facebook