Rủi ro với kinh tế Nhật Bản sau khi cựu Thủ tướng Abe qua đời
Các chính sách siêu nới lỏng để hỗ trợ kinh tế từ thời ông Abe vẫn được duy trì cho đến nay. Nhưng điều này có thể thay đổi khi mất đi sự ủng hộ lớn.
Rủi ro với kinh tế Nhật Bản sau khi cựu Thủ tướng Abe qua đời
Theo Bloomberg, các chính sách tiền tệ siêu nới lỏng của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) có thể thay đổi sau khi cựu Thủ tướng Nhật Bản Shizo Abe qua đời ngày 8/7.
Sau thông tin ông Abe bị bắn tại một sự kiện ở tỉnh Nara, giá đồng yen đã tăng tới 0,5% so với đồng USD . Giới quan sát lo ngại nếu vụ việc khiến BoJ đẩy nhanh tiến độ thay đổi chính sách, đồng yen sẽ kéo dài đà tăng và đè nặng lên thị trường chứng khoán.
Ông Abe ủng hộ các chính sách nới lỏng tiền tệ của Thống đốc BoJ Haruhiko Kuroda. Theo đó, lãi suất sẽ được duy trì ở mức đáy để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Nguy cơ thay đổi chính sách
"Vụ việc sẽ có tác động trong trung và dài hạn. Thị trường có thể chứng kiến đồng yen tăng giá đáng kể, trong khi giá cổ phiếu lao dốc mạnh", Tomoichiro Kubota - nhà phân tích thị trường cấp cao của Matsui Securities - bình luận.
"Ông Abe đã ủng hộ Thống đốc BoJ Kuroda. Nếu mất đi sự ủng hộ đó, các chính sách của ngân hàng trung ương có thể thay đổi", vị chuyên gia bình luận.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida vẫn tiếp tục ủng hộ chính sách của BoJ, vốn xuất hiện lần đầu dưới thời cựu Thủ tướng Abe.
Thời gian qua, các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới, nhất là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), đã đẩy mạnh tăng lãi suất để đối phó với lạm phát cao kỷ lục. Điều đó đi ngược với những chính sách hiện tại của BoJ.
Điều đó gây sức ép lớn lên ông Kuroda trong bối cảnh đồng yen suy yếu, áp lực nợ công tăng lên và người tiêu dùng phải xoay xở với giá cả leo thang. Năm nay, đồng yen đã trượt giá mạnh xuống mức thấp nhất trong 24 năm so với đồng USD .
"Sức ảnh hưởng của ông Abe vượt ra bên ngoài Nhật Bản. Các nhà đầu tư nước ngoài có cái nhìn tích cực với ông", Masahiro Yamaguchi - nhà phân tích thị trường cấp cao tại SMBC Trust Bank - bình luận.
"Thị trường sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực nếu chính sách của chính phủ, bao gồm lập trường nới lỏng tiền tệ, thay đổi. Bởi ông Abe là người ủng hộ lớn của chính sách này", vị chuyên gia nhận định.
Những chính sách vực dậy kinh tế
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng vụ ám sát sẽ không tác động nhiều tới quyết định của BoJ. "Ngân hàng trung ương ít khả năng nâng lãi suất hay thay đổi lộ trình nới lỏng theo Fed hay Ngân hàng Trung ương châu Âu", chuyên gia Shinichiro Kobayashi từ Mitsubishi UFJ Research & Consulting bình luận.
Tháng 12/2012, ông Shinzo Abe giành thắng lợi trong cuộc bầu cử và trở lại nhiệm kỳ thứ 2 sau khi đột ngột từ chức hồi năm 2007. Ông cam kết phục hồi nền kinh tế đang trì trệ với hàng loạt chính sách quyết liệt.
Thời điểm đó, ông Abe đã đưa ra các chính sách Abenomics "3 mũi nhọn" nhằm đưa nền kinh tế thoát khỏi tình trạng giảm phát dai dẳng, phục hồi tăng trưởng kinh tế bằng những chính sách tiền tệ và tài khóa siêu nới lỏng.
Các chính sách nới lỏng tiền tệ chưa từng có của BoJ dưới thời ông Abe đã đem lại những thay đổi tích cực. Đồng nội tệ giảm giá giúp tăng lợi thế cạnh tranh cho các công ty xuất khẩu của Nhật Bản, giúp cải thiện hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và thúc đẩy xuất khẩu gia tăng.
Các chính sách nới lỏng đã giữ chi phí đi vay ở mức thấp, giúp đất nước thoát khỏi hàng thập kỷ trì trệ kinh tế và nâng đỡ thị trường chứng khoán. Khi tiền chảy vào nền kinh tế, tỷ lệ thất nghiệp cũng giảm xuống. Ngành công nghiệp du lịch, bất động sản đi lên, đầu tư được thúc đẩy.
Đến nay, ông Kuroda vẫn tin tưởng rằng việc đạt mục tiêu lạm phát 2% sẽ giúp Nhật Bản thoát khỏi giảm phát và vực dậy nền kinh tế. "Vì thế, ông sẽ tiếp tục chính sách nới lỏng hiện tại cho đến khi nhận thấy những dấu hiệu rõ ràng về lạm phát, hay tăng trưởng kinh tế bền vững", nhà kinh tế Yuki Masujima của Bloomberg Economics nhận định.
Tuy nhiên, theo chiến lược gia Valentin Marinov của Credit Agricole ở London, vụ nổ súng có thể khiến thị trường trở nên nhạy cảm hơn với kết quả bầu cử, nhất là nếu sự ủng hộ đối với chính phủ hiện tại bị xói mòn bởi cuộc khủng hoảng giá sinh hoạt.
"Chúng tôi cho rằng khả năng xảy ra kịch bản này sẽ không cao. Tuy nhiên, những tổn thất của đảng cầm quyền LDP có thể thúc đẩy Thủ tướng Kishida đề cử một thống đốc bớt ôn hòa hơn", chuyên gia Marinov nhận định.
Ôn hòa (dovish) được dùng để chỉ các ngân hàng trung ương theo đuổi việc giảm lãi suất hoặc tăng nới lỏng định lượng để kích thích kinh tế.
"Nếu kịch bản này xảy ra, chính sách có thể được thay đổi vào cuối năm nay", vị chuyên gia dự báo.
Thảo Phương
Zing.vn