Rủi ro tài chính tiền tệ trong bối cảnh mới và giải pháp chiến lược đối với Việt Nam

Chia sẻ Facebook
11/06/2022 12:06:11

Sáng ngày 10/06, tại Hội thảo khoa học quốc gia “Định hình lại hệ thống tài chính toàn cầu và chiến lược của Việt Nam” lần 2, TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia đã nêu ra những yếu tố làm cho mức độ rủi ro tài chính toàn cầu tăng lên và đề xuất một số giải pháp để ổn định thị trường tài chính Việt Nam.

Rủi ro tài chính tiền tệ trong bối cảnh mới và giải pháp chiến lược đối với Việt Nam


Lạm phát toàn cầu ( CPI ) năm 2022 dự đoán ở mức 7.4%

TS. Cấn Văn Lực cho biết kinh tế thế giới hiện phục hồi không đồng đều và kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại là yếu tố rất quan trọng. Năm trước, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 8.1%, năm nay chỉ còn khoảng 4% và Trung Quốc đang góp 30% tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Như thế, có thể thấy 15% tăng trưởng kinh tế năm nay sụt giảm do Trung quốc.

Thêm nữa, chiến sự Nga-Ukraine và các lệnh trừng phạt khiến câu chuyện đứt gãy chuỗi cung ứng càng trầm trọng. Dịch bệnh và chiến sự Nga-Ukraine thúc đẩy kinh tế xanh.

Những yếu tố này tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Đầu tiên, Mỹ bắt đầu thu hồi các gói hỗ trợ, thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất. 3 yếu tố này khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay giảm từ 1-1.3 điểm phần trăm.


Theo số liệu IMF công bố tháng 4/2022, lạm phát toàn cầu ( CPI ) năm 2022 dự đoán ở mức 7.4% và sẽ dịu dần từ 2023-2025. Trong đó, xăng dầu là yếu tố quan trọng nhất đóng góp vào CPI . Năm trước, xăng dầu đã tăng 67%, năm nay bình quân khoảng 55% và năm tới, nếu chiến sự Nga-Ukraine dịu hơn thì xăng dầu dự báo có thể giảm 13%.

TS. Cấn Văn Lực phát biểu tại Hội thảo

Mức độ rủi ro tài chính toàn cầu tăng lên

TS. Cấn Văn Lực chia sẻ nhiều yếu tố làm cho mức độ rủi ro tài chính toàn cầu tăng lên.


Thứ nhất, Nga nợ các NHTW châu Âu khoảng 135 tỷ USD . Ý, Pháp và Áo là 3 chủ nợ lớn của Nga có khả năng chịu rủi ro vỡ nợ. Nợ toàn cầu đã tăng lên mức kỷ lục 256% GDP năm 2021.


Thứ hai, các NHTW đang ở thế tiến thoái lưỡng nan . Rủi ro vỡ nợ tăng khi lãi suất tăng: Srilanka tuyên bố vỡ nợ (T4/2022); 70 quốc gia (chủ yếu các quốc gia thu nhập thấp, nghèo) trong tình trạng nguy hiểm nợ như Pakistan, Ghana, El Salvador, Tunisia, Ai Cập…. Tỷ lệ vỡ nợ TPDN Trung Quốc ở mức kỷ lục 23.3 tỷ USD năm 2021 (40% là DNNN); dự báo tăng 10-30% năm 2022 (trong đó, tỷ lệ vỡ nợ TPDN bất động sản tăng 28-32%)…


Thứ ba, xu hướng tăng lãi suất là chủ đạo , tác động lên mặt bằng lãi suất, tỷ giá, lạm phát, dòng vốn…


Thứ tư, r ủi ro dịch chuyển dòng vốn đầu tư . Dòng tiền sẽ chảy về chỗ lãi suất cao và rủi ro chấp nhận được.


Thứ năm, điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt hơn và đắt đỏ hơn . Dòng tiền rẻ giờ không còn nữa. Trong bối cảnh tăng lãi suất như vậy, tỷ giá biến động tương đối mạnh. Đồng Việt Nam từ đầu năm đến nay mất giá khoảng 1.6% so với USD và dự báo mất giá 2% cho cả năm trong bối cảnh nhiều đồng tiền mất giá 2-10%. Riêng Nhân dân tệ đã mất giá 4.4-4.5%.


Thứ sáu, chứng khoán biến động mạnh , riêng VN-Index đã mất khoảng 14-15% điểm.


Thứ bảy, Fintech, tiền kỹ thuật số phát triển nhanh, khiến rủi ro bất ổn tài chính tăng . Nhiều kỷ lục mới về tiền kỹ thuật số năm 2020-2021 như hiện có 19,775 loại tiền kỹ thuật số, vốn hóa đạt 2,000 tỷ USD cuối năm 2021. Tỷ lệ chấp nhận tăng 881% so với năm 2020 và tăng 2,300% so với năm 2019; sự ra đời của NFT (Non-fungible token - Giấy chứng nhận tài sản số không thể thay thế)…


Thứ tám, tội phạm tài chính tăng . Tội phạm liên quan đến tiền kỹ thuật số lên tới 15 tỷ USD , số tiền bị đánh cắp liên quan đến tiền kỹ thuật số lên mức 3.2 tỷ USD (riêng DeFi chiếm 75%), theo Chainalysis.


Thiệt hại do tấn công ransomware (mã độc tống tiền) 20 tỷ USD , gấp 57 lần năm 2015; dự báo lên tới 265-270 tỷ USD năm 2025-2030, tốc độ tăng 30%/năm, theo CyberSecurity Venture.

Rủi ro, thách thức đối với thị trường tài chính Việt Nam

Quy mô thị trường tài chính của Việt Nam khoảng 300% GDP, so với các nước trong khu vực thì ở mức trung bình. Cấu trúc quy mô thị trường tài chính Việt Nam thiên lệch về phía ngân hàng, tổng tài sản hệ thống ngân hàng tương đối lớn.

Mức độ cung ứng vốn ra nền kinh tế, hệ thống ngân hàng đóng góp 47-50% tín dụng, đầu tư công 14%, FDI 15%, trái phiếu 21%, cổ phiếu 3%.


Như vậy, rủi ro đối với hệ thống tài chính tiền tệ Việt Nam còn có khác biệt.


Thứ nhất, lạm phát Việt Nam đang gia tăng , Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang rơi vào thế khó. Vừa qua, NHNN cũng đã yêu cầu các NHTM phấn đấu giảm lãi suất để hỗ trợ phục hồi kinh tế nhưng hiện nay, NIM của ngân hàng đang giảm. Năm trước, khoảng 3.3%, năm nay còn khoảng 2.9%.


Thứ hai, áp lực gia tăng về nghĩa vụ trả nợ cũng tăng lên , cả doanh nghiệp và Chính phủ.


Rủi ro thị trường chứng khoán năm nay cao hơn , các vụ vi phạm trên thị trường chứng khoán cũng diễn ra vào năm nay.

Khu vực ngân hàng có năng lực tài chính nâng lên rất nhiều. Hệ số CAR hiện nay được đảm bảo theo Basel II. Tuy nhiên, nhu cầu hiện nay của các ngân hàng vẫn là tăng vốn. Nợ xấu tiềm ẩn sau khi chấm dứt các chính sách cho phép giãn, hoãn nợ sẽ tăng lên.

Rủi ro hệ thống tài chính của bộ tứ liên thông rất chặt chẽ: Ngân hàng - chứng khoán - bảo hiểm - bất động sản.

Giải pháp chiến lược đối với Việt Nam

TS. Cấn Văn Lực đề xuất một số giải pháp để ổn định thị trường tài chính Việt Nam như nâng cao hiệu quả phối hợp chính sách (chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ nhằm thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi 2022-2023); ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát và rủi ro hệ thống tài chính, rủi ro bộ tứ liên thông.


Hoàn thiện thể chế như Luật giao dịch điện tử; Luật bảo vệ dữ liệu cá nhân; quy định về tiền KTS , CBDC; cơ chế sandbox về Fintech theo nghĩa rộng; Luật hóa xử lý nợ xấu; sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP; NĐ 156 và rà soát Luật Chứng khoán, Luật DN; phát triển các tổ chức xếp hạng tín nhiệm theo thông lệ quốc tế…

Nâng cao năng lực quản lý, kiểm tra - giám sát; kiểm soát rủi ro an ninh mạng, an toàn thông tin - dữ liệu; ứng dụng công nghệ trong dự báo, tăng khả năng chống chịu các cú sốc; xây dựng cơ sở dữ liệu tài chính - tiền tệ. Thực thi có hiệu quả Kế hoạch tái cơ cấu và Kế hoạch chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng; xây dựng lộ trình phát triển tài chính xanh.

Nỗ lực nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam trước năm 2025: Nâng cao tính minh bạch, chuyên nghiệp, đa dạng hóa sản phẩm - dịch vụ tài chính, nâng cao năng lực của các định chế tài chính và nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Cuối cùng là tăng cường giáo dục tài chính, gồm cả tài chính số, tiền kỹ thuật số…

Cát Lam

Chia sẻ Facebook