Rửa chén cùng mẹ
Nhà báo Nguyễn Đình Xê vừa lặng lẽ ra mắt tập tùy bút Rửa chén cùng mẹ, như một phần nghĩ suy đọng lại sau những bộn bề công việc ở cả hai chiều: thời gian tuổi nghề và không gian ngược về đến quê nhà xứ Quảng.
Như một mặt khác của đời sống sôi động báo chí, tập tùy bút mang cái nhìn trong trẻo của tác giả không chỉ trong những trang hồi ức về kỷ niệm với những con người ở đất quê xưa mà còn ngay trong những chuyển động thời thượng thường nhật.
Rửa chén cùng mẹ - hình ảnh càng có sức gợi khi biết chủ thể của việc rửa chén ở đây là người đàn ông tóc đã ngả màu và thường xuyên xa mẹ. Công việc bình thường đến mức giới người cầm bút có lẽ ít ai nghĩ rằng một lúc nào đó mình sẽ viết về chuyện rửa chén ở nhà. Nhưng Đình Xê có cách kể chuyện xâu chuỗi tâm tư người già để bày ra một mảng đời - hoàn cảnh của mái ấm.
Ở các vùng quê, trong nhà thường có kiểu người cha chọn lấy một cái chén riêng để ăn cơm. Cái chén ấy riết rồi định danh thành "cái chén của cha mi", như trường hợp gia đình tác giả. Để rồi chẳng may người cha mất trước, và cùng với tuổi đời ngày một cao, mãi mười năm sau người mẹ mỗi lần rửa chén vẫn tần ngần: "Rửa hoài mà không thấy cái chén của cha mi".
Chi tiết ấy là tác giả đang ghi nhận mẹ mình bước vào ngưỡng tuổi nhớ nhớ quên quên, nhưng phải thực sự ở gần, cùng rửa chén bên mẹ và nghe thể trạng người già chuyển biến qua từng hồi ức, mới bắt được chi tiết dễ khiến lòng người chùng xuống kia.
Tập tùy bút có nhắc đến ba nghệ sĩ và đều là những chuyện sắc, ngắn mà ấn tượng đậm sâu. Đó là hình ảnh họa sĩ Chóe ở Hội An trong một đêm giao lưu mang lại ngỡ ngàng cho công chúng trong một lúc ông hồn nhiên đắm mình vào ngọn cỏ bên đường. Đó là câu chuyện nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu lẽ ra chỉ sống đến 13 tuổi nếu không có một chàng thanh niên tên Quơ kịp lao ra cứu khi ông sắp chết đuối trên biển Thanh Khê.
Có điều, người thanh niên với cái tên "lạ quơ lạ quắc" đó không một lần trở lại, chỉ phần việc giành lấy từ tay tử thần một tài năng âm nhạc của anh ta vẫn còn mãi với mọi người. Và xúc động hơn cả là nhà văn Thu Bồn kể chuyện lòng nhân ái bộc phát tự nhiên trong tình huống người đàn bà xa lạ bước ra cõng người thương binh chế độ cũ trong một chuyến xe ngựa gặp mưa. Để rồi anh dẫn lại lời nhà văn: "Nhân văn không thể dừng lại ở lòng trắc ẩn mà phải đến từ bàn tay nồng ấm đưa ra".
Tha thẩn theo từng trang tùy bút, bạn đọc sẽ thấy mình như lọt vào không gian làng quê xứ Quảng cùng với kỷ niệm thiếu thời của tác giả, lại có dịp vào chợ Bà Hoa để nghe "một trời xứ Quảng" tại Sài Gòn...
Nhưng đọng lại trong lòng người đọc lâu hơn chính là những câu chuyện cận nhân tình mà tác giả khéo léo thuật tả trong hơi văn dung dị. Một ông thầy giáo thất cơ do hoàn cảnh xã hội vẫn giữ nét chữ bay bướm đặc thù khi viết bảng và nhờ đó mà một người trò cũ nhận ra ông (Chữ của thầy).
Một câu chuyện về dòng tộc trong loạn lạc mà chuyện cưu mang người khác thường phát xuất từ những tấm lòng không chỉ rộng lớn về tình thương mà còn quả cảm đương đầu với bao trắc trở khó khăn. Và tác giả dẫn lại câu chuyện một thầy giáo dùng cách kêu học sinh cả lớp nhắm mắt úp mặt vào tường để thầy lục túi tìm chiếc đồng hồ của một bạn bị mất. Lục được rồi thầy không dừng lại mà lục tiếp đến hết lớp, để không ai biết chiếc đồng hồ được tìm thấy từ túi ai. Nhưng mấy mươi năm sau, người học trò cũ mang tội ăn cắp kia khi trở về thăm thầy mới biết thêm một sự thật: thầy không nhận ra mình, vì khi lục túi học sinh, thầy cũng tự mình nhắm mắt (Ngoại dạy chúng tôi nhắm mắt).
Và nhà báo Đình Xê dẫn lời đúc kết câu chuyện ấy: Bổn phận của người dẫn dắt là vun xới chứ không triệt hạ. Và kỳ diệu thay, nhà báo thường phải mở to tai mắt để thâu nhận mọi thông tin, ở đây tác giả lại gửi gắm bài học về nhắm mắt đẫm chất nhân văn như vậy.
Viết là một kỹ năng quan trọng trong đời sống con người, cần quá trình rèn luyện lâu dài, kiên trì. Cuốn sách Bút hết nặng, Viết hết đau của nhóm tác giả từ cộng đồng viết On Writing Daily làm cho quá trình rèn luyện kỹ năng bài bản hơn.