Rồng rắn chờ nhận thuốc bảo hiểm y tế bệnh viện tuyến trên: 'Bệnh nhân chúng tôi đâu muốn'
Sau bài viết 'Hình ảnh 'lạ' khi lãnh thuốc bảo hiểm y tế: Nơi rồng rắn, nơi vắng hoe', rất nhiều bạn đọc chia sẻ ý kiến cá nhân với mục đích chung là sớm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Bạn đọc Việt Hà chia sẻ bản thân luôn cảm thấy buồn trong nhiều năm qua khi đi khám bệnh bảo hiểm y tế tại một bệnh viện ở TP.HCM vì nơi đây luôn quá tải, từ khâu xếp hàng, lấy số khám bệnh, đến khi khám bệnh thì bác sĩ hỏi qua quýt cho xong nhanh.
"Tôi cảm giác khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại TP.HCM chất lượng chưa tốt, chưa thật sự làm cho tôi yên tâm khi nghĩ đến cái thẻ bảo hiểm y tế. Làm thế nào để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế?", bạn đọc này trăn trở.
Trước chia sẻ của bạn đọc Việt Hà, bạn đọc K. cho rằng Nhà nước cần tăng tiền đóng bảo hiểm y tế, và ra luật để bảo hiểm y tế thanh toán đầy đủ, chứ không xuất toán tràn lan như hiện nay thì chất lượng sẽ tự được cải thiện.
"Trên đời này không có thứ gì rẻ mà tốt cả. Tiền không có thì lấy đâu ra để thuê đủ nhân lực. Khi không có đủ nhân lực thì quá tải là chuyện đương nhiên. Đã quá tải thì làm sao mà khám lâu khám kỹ được. Bác sĩ có giỏi có tốt cỡ mấy cũng bó tay", bạn đọc này phân tích.
Nhiều bạn đọc cho rằng bản thân mình hay người nhà không hề muốn lên bệnh viện xếp hàng chờ đợi, mà thật sự trạm y tế trả lời là không có đủ thuốc bảo hiểm y tế, muốn có phải lên tuyến trên. "Gia đình tôi có bệnh nhân tiền liệt tuyến mãn tính, ra trạm y tế phường xin thuốc thì trạm bảo là phải lên tuyến trên. Lên tuyến trên có thuốc thì phải xếp hàng", đây là hoàn cảnh của gia đình chị Thuấn Nhã.
Tương tự, theo anh Đoàn Hòa, ở bệnh viện tuyến tỉnh thì danh mục thuốc nhiều hơn, còn khám ở y tế cơ sở như trạm y tế thì "danh mục thuốc lèo tèo, thiếu tùm lum, ai đến khám làm gì".
Một nguyên nhân nữa là người dân luôn muốn đi tuyến trên cho yên tâm dù bệnh mình không nặng.
" Tôi đã từng thấy nhiều bệnh nhân chỉ lấy cái xương cá nhưng vẫn cố chạy vào Bệnh viện Chợ Rẫy dù xung quanh bệnh viện này cũng có rất nhiều bệnh viện có chuyên môn. Thiết nghĩ không phải mỗi việc thuốc, mà ăn sâu tiềm thức bệnh nhân là chuyên môn của tuyến trên", bạn đọc Tuan Thai chia sẻ.
Theo chị Chi Trần, không hẳn nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng trên là thiếu thuốc, vấn đề còn là nhân lực, trang thiết bị y tế. Bệnh nhân có xu hướng tìm đến các cơ sở có đầy đủ thuốc, trang thiết bị, y bác sĩ tận tình để được thăm khám.
Trước những khó khăn trên, một số bạn đọc đề xuất phương án là cải tiến số hóa theo cách người dân khám bệnh tại bệnh viện, sau đó mang toa thuốc về lãnh tại cơ sở y tế địa phương. Các nơi phát thuốc chỉ cần vào hệ thống của y tế đánh mã số toa thuốc lên là biết được ngay, vừa nhanh vừa tiện lợi.
Với khó khăn này, ngành y tế TP.HCM đang định hướng lại mô hình quản lý, điều trị những bệnh nhân mắc bệnh mãn tính, không lây nhiễm ổn định bằng cách chuyển họ về y tế cơ sở quản lý, song song đó mở rộng danh mục thuốc qua đấu thầu tập trung cấp địa phương.
Sở Y tế TP.HCM cho biết, tại thông tư số 30 của Bộ Y tế quy định danh mục thuốc được quỹ bảo hiểm y tế chi trả tại trạm y tế hiện nay có 324 loại, trong đó danh mục thuốc cho các bệnh mãn tính không lây có khoảng 50 loại.
Nếu so với danh mục thuốc tại bệnh viện tuyến huyện thì trạm y tế đang thiếu nhiều loại thuốc, trong đó có 41 loại thuốc được hội đồng chuyên môn Sở Y tế đánh giá là rất cần thiết.
Trước tình hình này, Sở Y tế TP.HCM vừa có tờ trình kiến nghị UBND TP có văn bản đề nghị Bộ Y tế cho phép mở rộng danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp địa phương với 308 thuốc (không bao gồm 129 thuốc đấu thầu tập trung cấp địa phương theo quy định tại thông tư 15 của Bộ Y tế).
Theo Xuân Mai