Rộn ràng mùa mận hậu Sơn La
Từ chỗ để cây mận phát triển tự nhiên, bà con nông dân ở Sơn La đã từng bước thay đổi phương pháp canh tác, áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong trồng, chăm sóc.... nâng cao chất lượng và giá trị quả mận, góp phần tăng thu nhập cho người trồng.
Gia đình ông Mùa A Phềnh ở bản Tà Số, xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu, Sơn La những ngày này phải huy động mọi thành viên trong nhà lên nương hái mận. Mận hậu của gia đình năm nay được mùa, quả sai trĩu, thương lái về thu mua tận bản. Ông Phềnh kể, gia đình đã chuyển hơn 1,5 ha đất trồng ngô, sắn kém hiệu quả sang trồng mận hậu từ năm 2014. Những năm qua, cây mận phát triển tốt, cho năng suất cao, trung bình khoảng 30 tấn quả mỗi năm. “Mận nhà tôi bắt đầu bói từ năm kia. Năm đầu tiên được bán được 80 triệu, năm thứ hai (năm 2021) được 200 triệu, có người lên mua tận bản” – ông Phềnh cho biết thêm.
Cây mận hậu bén rễ trên đất Mộc Châu từ những năm 1980. Đến nay, địa phương này đã trở thành vùng trồng mận lớn nhất cả nước, với hơn 3.200 ha, trong đó diện tích đang cho thu hoạch khoảng 2.400 ha. Sản lượng mận năm nay ước đạt 28.000 tấn.
Bà Nguyễn Thị Hoa, Phó Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu, Sơn La cho biết, cây mận hậu đã trở thành một trong những cây trồng chủ lực, giúp người nông dân Mộc Châu thoát nghèo, làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Bà Hoa cho biết thêm: “Chúng tôi xác định người dân phải tiếp tục phát triển cây mận, với cách ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, làm thế nào để cây mận phát triển tốt hơn, an toàn hơn, tiêu thụ tốt hơn để người dân yên tâm gắn bó với cây mận”.
Mùa mận chín cũng đang rộn ràng trên khắp các nương đồi ở xã Phiêng Khoài – “thủ phủ” mận của huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La. Thời điểm chính vụ, mỗi ngày, xã Phiêng Khoài tiêu thụ khoảng 200 tấn mận.
Ông Nguyễn Văn Thuấn, người dân xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu cho hay: “Năm nay mận được giá. Trung bình đạt khoảng 20-30.000đ/kg. Loại mận dọc, to, ngon có khi 100.000đ/kg”.
Để nâng cao giá trị cho quả mận, thời gian qua, chính quyền địa phương đã hỗ trợ, khuyến khích người dân thay đổi tư duy trong canh tác. Từ chỗ trồng rồi để phát triển tự nhiên, đến nay, khoảng 70% diện tích mận ở Yên Châu đã được người dân đầu tư hệ thống tưới nước. Cây cũng được đốn tỉa, tạo tán và bón phân theo từng chu kỳ. Nhờ vậy, mận cho chất lượng ngon, kích thước to đều, có thể đạt 12-18 quả/kg.
Ông Vì Văn Ngọc, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Châu, Sơn La cho biết: “Trong năm vừa qua, mận Yên Châu cũng đã được tham gia các chương trình kết nối nông sản, được người tiêu dùng biết tới và dần có thương hiệu, nhất là mận RUBY được một số thị trường trong và ngoài nước biết đến”.
Với diện tích mận hậu hơn 11.000 ha, tỉnh Sơn La đang đẩy mạnh xây dựng thương hiệu cho quả mận, thông qua việc xây dựng các vùng trồng theo tiêu chuẩn; khuyến khích, hỗ trợ thành lập các HTX để tổ chức trồng, chăm sóc mận theo quy trình, tiêu thụ ổn định...
Theo ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, năm nay, sản lượng mận của tỉnh Sơn La ước đạt khoảng 60.000 tấn. Đến thời điểm này, mận Sơn La cơ bản được tiêu thụ ổn định, mang lại thu nhập trung bình khoảng 150 triệu – 200 triệu đồng/ha. Sơn La sẽ chuyển đổi canh tác những vùng chưa áp dụng khoa học kỹ thuật sang ứng dụng nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, nông nghiệp thông minh... để cho ra những quả mận có chất lượng cao, đáp ứng thị trường trong nước và các thị trường quốc tế.
Với tiềm năng, lợi thế và định hướng cụ thể, cây mận hậu ở Sơn La đang từng bước khẳng định chất lượng và thương hiệu, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và giúp bộ mặt của nhiều bản làng ngày một khởi sắc./.